ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Ngoại giao ta đã thắng lợi to
Lượt xem: 59

Ngày 22-7-1954, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào, Quân đội và cán bộ, trong đó, Người khẳng định: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Từ nay chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc và dân chủ trên toàn quốc”.  

Lịch sử khẳng định lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh có một sự nhất quán tuyệt vời, trước sau đều thống nhất một quan niệm là viết gì, làm gì cũng đều vì nước, vì dân. Khi còn đang trong quá trình tìm đến Quốc tế Cộng sản chân chính, điều quan tâm nhất của Người là “quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”. Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp gặp gỡ đe dọa, dụ dỗ, nhưng Nguyễn Ái Quốc khảng khái: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...”. Để hiện thực hóa lý tưởng ấy, trong khoảng thời gian từ năm 1917 đến 1940, trên mặt trận báo chí, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành 3 “cuộc đối thoại”: Với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Chủ đề, mục đích các cuộc đối thoại là hướng tới giải phóng con người: Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân; thức tỉnh tình trạng nô lệ của nhân dân các nước thuộc địa; kêu gọi đoàn kết để cùng nhau làm cuộc cách mạng giải phóng con người.

Để hoàn thành tốt nhất mục đích ấy, nhà báo Nguyễn Ái Quốc thường chọn hình thức thư ngỏ-loại hình báo chí lúc bấy giờ được quan tâm, ưa thích nhất, cũng đồng thời chuyển tải được những nội dung thông tin nóng bỏng, cấp thiết nhất. Dũng cảm, sắc sảo, quyết liệt, những lá thư ấy lại gửi cho những “cáo già” thực dân, nên càng mời gọi sự quan tâm của dư luận, như: Thư ngỏ gửi ông Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, đăng trên Báo L’Humanité ngày 25-7-1922; Thư ngỏ gửi ông Lêông Ácsimbô, trên Báo Le Paria số 10 ngày 19-1-1923... Nhưng ngòi bút ấy cũng cực kỳ linh hoạt, có khi là hình thức thư nhưng để “đối thoại” với độc giả (tức dư luận) hơn là với chính người gửi. Thư gửi Khải Định có lời đề từ “Kính gửi Hoàng thượng Khải Định An Nam Hoàng đế”, nhưng Khải Định không biết tiếng Pháp mà “thư” lại in trên báo Pháp (Le Journal du Peuple ngày 9-8-1922). anh tin bai

 

 Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Báo Người cùng khổ (Le Paria). Ảnh tư liệu  

Trên Báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922 in một bài viết có tên rất gợi là Khai hóa giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Tiêu đề này đã gây chú ý ở sự mâu thuẫn: Khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man, tàn bạo nhất. Nội dung bài báo cũng là sự tương phản triệt để hai không gian: Xứ Đông Dương và Marseille: “Trong lúc ở Marseille, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Sarraut?”. Đặt trong bối cảnh năm 1922, thực dân Pháp mở Hội chợ triển lãm thuộc địa Marseille với mục đích trưng bày những sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về để khoe khoang sự giàu có của thuộc địa và đề cao “công lao khai hóa” của thực dân Pháp, qua đó mời gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh. Nhưng chỉ bằng một bài báo ngắn gọn hơn 300 chữ, tác giả đã vạch trần sự giả dối của hội chợ: “Người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương”. Chỉ một bài báo này làm cả Chính phủ Pháp bối rối, lo sợ. 

Trên Báo L’Humanité, Nguyễn Ái Quốc còn có truyện ngắn Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, đó là sự “đối thoại” của Bà Trưng với “đứa con khốn khổ” Khải Định. Những câu hỏi dồn dập như kết án, kết tội “đứa con” hư, như thức tỉnh, như dạy bảo, như thúc giục hãy tỉnh táo: “Ôi, nhìn, hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng thư của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?... Chính giữa lúc đó thì mi... Im... Nghe kìa! Nghe thấy chăng... Nghe thấy chăng những tiếng kêu gào...?”. Không còn là lời nhân vật mà là lời của lịch sử, của chân lý thời đại, của những đòi hỏi phải thay đổi cho phù hợp với thế giới đang thay đổi. Vượt lên chức năng tu từ thông thường, những câu hỏi ấy trở thành sự đòi hỏi của lịch sử!

Cách dùng hình tượng và thái độ không hề sợ hãi cho thấy Nguyễn Ái Quốc, trong khi ở trên chính đất Pháp, với tư cách đại diện cho chính nghĩa, công lý, cho nhân dân các nước thuộc địa đã thẳng thắn đối thoại với “nước mẹ chính quốc”. Thậm chí có lúc tác giả còn đứng trên tầm của chủ nghĩa thực dân để công kích, chế giễu, vạch trần, lên án. Không có trái tim yêu thương sâu nặng con người bị bóc lột, yêu đất nước mình đang bị mất tự do, không có bản lĩnh lớn của người yêu công lý, lẽ phải, không thể có một thái độ dũng cảm và hành động như vậy.

Trên Báo Thanh Niên (bản tiếng Pháp phát hành tại Quảng Châu) số 9 tháng 8-1925, Nguyễn Ái Quốc có bài viết Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết vừa mang tính định hướng, vừa chỉ ra những nguyên tắc, biện pháp cơ bản cho cách mạng: “Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn/ Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên/ Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa/ Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi/ Chúng ta phải làm sao đoàn kết?/ Hãy liên kết như thể thân mình.../ Chớ ham lợi Pháp mà phản bội sự nghiệp/ Hãy đoàn kết tương trợ lẫn nhau/... Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc/ Mau cải thiện tâm, tài, lực cho dân/ Vì sự nghiệp chung hãy học sống và học chết”. Hạt nhân xuyên suốt và góp phần làm nên sự vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, như ở bài này đặt ra, là vấn đề ĐOÀN KẾT. Muốn đoàn kết phải làm gì? Phải chớ ham lợi, chớ phản bội sự nghiệp. Phải tương trợ lẫn nhau. Phải yêu Tổ quốc. Phải làm tốt cho dân 3 vấn đề then chốt: Tâm, tài, lực. Mỗi cá nhân phải học sống (để lao động tốt), học chết (để cống hiến xứng đáng). Đến hôm nay, đây vẫn là vấn đề mới mẻ, thời sự.

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên tại Thái Nguyên, tháng 1-1964. Ảnh tư liệu 

Ngày 4-4-1926, trên Báo Thanh Niên (bản tiếng Pháp), Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công làm ngỡ ngàng bạn đọc với câu hỏi mang tầm phổ quát cho một nửa nhân loại: “Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”. Chỉ là một câu hỏi nhưng mang tầm thời đại vì đề cập tới vận mệnh, quyền sống của phụ nữ trên toàn thế giới. Câu hỏi gián tiếp nêu một vấn đề thức tỉnh: Chả lẽ chị em chịu mãi thân phận tôi đòi ấy?...

Như vậy, báo chí là phương tiện, là chìa khóa để nhà báo cách mạng Nguyễn Ái Quốc trao gửi tới đồng bào nô lệ, giúp họ mở ra công cuộc giải phóng, rũ bỏ kiếp hèn. Ở nhà báo kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh thì “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” và tờ báo là “lời hịch cách mạng” để Người hoàn thành một cách cực kỳ xuất sắc vai trò người mở đường dẫn lối và chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang. Đến nay, mọi nền báo chí cách mạng trên thế giới đều coi đây là tấm gương, là bài học mang tính mẫu mực, phổ quát.     

Với mục đích đấu tranh để đòi cho con người có cuộc sống tự do, nhân văn, bằng cây bút, trang giấy mà dũng cảm đưa ra những vấn đề mang tính thời đại và phân tích một cách sắc sảo, thuyết phục, cách đối thoại ấy còn nguyên ý nghĩa, giá trị ở thời toàn cầu hóa hôm nay. Đó là “đối thoại văn hóa” của Nguyễn Ái Quốc. Nhà báo cách mạng vĩ đại ấy thực sự đi trước thời đại!

 

Nguồn bài viết: Báo quân đội nhân dân
Tác giả: PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập