Công an Hà Nội bảo đảm an ninh trật tự Thủ đô những ngày đầu sau tiếp quản (Kỳ 1)
Thực hiện quy định của Hiệp định Geneva và Hội nghị quân sự Trung Giã về việc tiếp quản Hà Nội, công tác tiếp quản, bảo đảm an ninh trật tự thành phố được giao cho lực lượng quân đội và công an. Bộ Công an đã sớm triển khai công tác tiếp quản, bảo đảm an ninh trật tự và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này
Tiếp quản nhanh gọn, sớm tăng cường công tác nắm tình hình, địa bàn
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta đã giành thắng lợi hết sức oanh liệt, vẻ vang. Thực hiện Hiệp định Geneva, Uỷ ban liên hiệp đình chiến 2 bên đã ra quyết nghị về việc Pháp rút quân trên chiến trường miền Bắc, bàn giao lần lượt các địa phương cho phía Việt Nam.
Để giúp các địa phương làm tốt công tác tiếp thu, tiếp quản, ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua 8 chính sách đối với các thành phố mới giải phóng và 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công an khi vào thành phố. Bộ Công an cũng chủ trương: tiếp thu và quản lý bộ máy, người, tài liệu và vật dụng trong việc khôi phục lại trật tự thành phố, khám phá các tổ chức gián điệp, phản động rồi xoá bỏ bộ máy của Pháp và chính quyền tay sai, thành lập bộ máy mới của ta, thiết lập trật tự cách mạng.
Tiếp quản một cơ sở cảnh sát của chế độ cũ (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là chỉ đạo của Bộ Công an tại lớp tập huấn về công tác tiếp quản được mở tại Hà Đông và Sơn Tây, Công an hai tỉnh mau chóng triển khai lực lượng tham gia tiếp thu và tiếp quản, tập trung chủ yếu vào tiếp quản các thị xã Hà Đông, Sơn Tây, ổn định tình hình các vùng giải phóng nhanh chóng, an toàn.
Tại Sơn Tây, từ 14 giờ chiều ngày 03/8/1954, các lực lượng thuộc Công an Sơn Tây đã tham gia tiếp quản trụ sở chính quyền nguỵ và các đơn vị công an, cảnh binh gồm: Dinh Tỉnh trưởng, 2B Secteur, Tình báo Bảo chính đoàn, nhà giam v.v… Ngay trong ngày, mọi công việc tiếp quản cơ bản hoàn tất. Toàn bộ bộ máy quản lý của chế độ cũ đã thuộc về chính quyền cách mạng. Trong đoàn quân chiến thắng, nhiệm vụ chủ đạo của lực lượng công an tập trung vào quản lý phương tiện, tài liệu, đề phòng cháy, đảm bảo những điều kiện làm việc thiết yếu và cho lực lượng công an cách mạng sau này. Tại thị xã Sơn Tây, do ta bố trí trinh sát nắm tình hình nên đã kịp thời ngăn chặn nhiều hành động phá huỷ tài sản, phá huỷ cơ sở hạ tầng của địch, góp phần làm giảm thiểu những khó khăn cho chính quyền cách mạng.
Trên địa bàn Hà Đông, 7 giờ sáng ngày 06/10/1954, khi Pháp rút khỏi thị xã, một tổ công tác Văn phòng cùng các đơn vị khác thuộc lực lượng Ty Công an Hà Đông tiến vào tiếp thu an toàn những cơ quan của địch như Ty Liêm phóng, Ty Cán bộ, Phòng 2B, Căng 40 và 41. Thực hiện nhiệm vụ được chỉ huy phân công, lực lượng tiếp quản đã giúp lãnh đạo Ty Công an phát động quần chúng thu hồi vũ khí, chất cháy, chất nổ do địch để lại còn nằm trong dân hay do những phần tử xấu cất giấu… Đến 9 giờ sáng, lực lượng cách mạng đã đặt xong hai đồn công an ở thị xã, phân công người đi lưu động làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Trong thời gian tiếp quản, lực lượng công an đã làm tốt công tác bảo vệ kinh tế, bảo vệ thóc lúa, mùa màng của nhân dân đồng thời khám phá 2 vụ đổi tiền Đông Dương ở Bái Xuyên và Hang Luồn, góp phần ổn định dân sinh và kinh tế cho nhân dân. Trong một thời gian ngắn, các biện pháp quản lí an ninh trật tự được triển khai theo đúng kế hoạch nên đã nhanh chóng ổn định tình hình, thực hiện đúng 8 chính sách và 10 điều kỉ luật khi tiếp quản.
Bộ đội về tiếp quản Thủ đô trên phố Hàng Đào (Ảnh tư liệu)
Tại Thủ đô Hà Nội, ngày 09/10/1954, theo thỏa thuận đạt được giữa ta và Pháp tại Phù Lỗ, đội hành chính trật tự, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội đã tiếp thu Nha công an cảnh sát Bắc Việt trụ sở tại số 87 đường Gambetta (87 Trần Hưng Đạo ngày nay). Ngày 10/10/1954, sau khi công tác tiếp quản được hoàn tất, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước trở về Hà Nội. Theo sự phân công, lực lượng Công an Hà Nội tiếp quản Sở mật thám, Sở cảnh sát, Trại giam Hoả Lò và các quận, đồn cảnh sát của nguỵ. Khi vào chiếm lĩnh địa bàn được giao, lực lượng công an đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thành lập các tổ chức mới của công an cách mạng, đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan này.
Trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhất là về cán bộ, kinh nghiệm công tác, các lực lượng Công an Hà Nội đã chủ động tiến hành tiếp nhận và bảo vệ công sở, trại giam, tiếp quản nhân viên cũ, bố trí ổn định tổ chức nơi ăn ở và chuẩn bị thêm phương tiện làm việc. Công an và các lực lượng tiếp quản thành phố đã tiến hành nhiệm vụ thiết lập trật tự cách mạng, đấu tranh chống gián điệp, phản động, tàn binh địch còn có vũ khí và bọn côn đồ, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, bảo vệ cơ quan xí nghiệp, kho tàng quốc gia.
Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng trong những ngày mới giải phóng, ngành công an đã xác định nhiệm vụ cụ thể của mình, nhanh chóng chuyển hướng tổ chức, đấu tranh chống phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an phục vụ chương trình của Đảng về phát triển kinh tế văn hoá, hoàn thành cải cách ruộng đất, quản lý tốt vùng giải phóng. Ngành công an cũng đã kịp thời tiến hành tiếp quản trụ sở công an và cảnh binh nguỵ một cách êm thấm, giải tán bộ máy đàn áp mật thám, cảnh sát, xoá bỏ chế độ giam giữ của địch, quản lý phương tiện, tài liệu, thiết lập ngay bộ máy công an cách mạng, bố trí cán bộ và phương tiện từ tỉnh xuống huyện, thị xã, khu phố để duy trì trật tự, an ninh, trấn áp kịp thời các đối tượng xấu, bước đầu ổn định đời sống nhân dân.
Khi vào tiếp quản, ta đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thành lập các tổ chức mới, đồng thời bảo vệ quản lí toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phương tiện trong các cơ quan này. Căn cứ chủ trương của Đảng, Công an Hà Nội đã tổ chức cho các đối tượng là nguỵ quân, nguỵ quyền, mật thám của địch ra trình báo.
Qua công tác đăng ký khai báo, kết hợp với công tác trinh sát, ta nắm được 12.000 đối tượng các loại, trong đó có 230 sĩ quan và 2.840 hạ sĩ quan nguỵ quân, 7.800 nguỵ quyền, trong đó có 452 làm tại các cơ quan gián điệp, mật vụ, 416 chỉ điểm. Lực lượng Công an Hà Nội tích cực trấn áp bọn chống đối hiện hành, tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, nghiêm trị số cầm đầu các nhóm lưu manh, thu hồi vũ khí và chất nổ, quản lí giao thông, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu… ngoài ra, ta còn nắm được nhiều tổ chức tôn giáo, đảng phái phản động và 170 hội, đoàn được chính quyền địch cho đăng ký hoạt động.
Trong thời gian tiếp quản, công an Hà Nội đã tổ chức bộ máy ban đầu. Từ tháng 10 đến tháng 12/1954, ta tiến hành ổn định, củng cố tổ chức công an thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây để đảm nhiệm vai trò bảo vệ trật tự, trị an, đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từ chiến khu về Thủ đô giải phóng.
Nhìn chung, công cuộc tiếp quản Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây diễn ra trong không khí đầy phấn khởi, trật tự, hoà bình theo đúng kế hoạch. Chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, lực lượng Công an Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây ổn định các mặt công tác, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự Thủ đô và vùng mới giải phóng.