Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau: Bài 4: Nước ngọt từ biển và nước ngọt từ trí tuệ
Đảo Trường Sa Lớn cách Cam Ranh 254 hải lý, tức hơn 470km, cách Vũng Tàu khoảng 500km. Chúng tôi đang ở vị trí đỉnh góc trong hải trình vành tam giác của mình. Đảo Trường Sa nhìn như một con tàu, cũng hình tam giác vuông, liên tưởng ấy gợi lên trong tôi những cảm xúc đặc biệt.
Quả thật, từ cầu tàu lớn, đi qua cổng với hai hàng chiến sĩ nhân dân đón chào, qua đường băng, đến dự lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, tôi không sao quên được cảm xúc đó. Những tình cảm sâu lắng bên trong mỗi tâm hồn người Việt không chỉ được đánh thức mà còn được thổi bùng lên thành ngọn lửa quốc hồn thiêng liêng ấm áp. Một con tàu xanh đang đón chúng tôi với những tán cây xanh mướt mát của bàng vuông, tra, bàng đất liền, chuối, dừa, sa kê, nhàu… và rất nhiều, rất nhiều những cử chỉ thân thương, quý mến của các chiến sĩ trên đảo dành cho chúng tôi.
Một nhóm cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở đảo Trường Sa đang ngồi uống nước, trò chuyện vui vẻ. Các anh niềm nở rót nước và mời chúng tôi “thưởng thức” một loại trái cây màu tím mà các anh gọi là “nho Trường Sa”. Hỏi ra mới biết đây là trái tra, có vị chua chua chát chát. Bắt chuyện hồi lâu, chúng tôi được biết Trường Sa không chỉ có điện từ nguồn pin năng lượng mặt trời mà còn có 10 tuabin phong điện, những trụ quạt gió cao hàng chục mét với những cánh quạt dài vài mét đón gió từ nhiều hướng được lắp đặt quanh đảo. Nhưng có lẽ, thú vị hơn cả là chuyện biến nước mặn thành nước ngọt.
Tại nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt của đảo Trường Sa Lớn, Thiếu tá Vũ Văn Thế - Trợ lý Hậu cần, phụ trách nhà máy dẫn chúng tôi đi tham quan từng bộ phận và giải thích về tính năng của hệ thống năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành nhà máy. Hệ thống này được các kỹ sư của Solar BK tính toán hợp lý, kết nối tối ưu trong thiết kế, lắp đặt, vì vậy, các quy tắc vào ra, điều khiển ở đây được kiểm soát rất khắt khe, nghiêm ngặt.
Theo chân Thiếu tá Vũ Văn Thế, tôi, Tiến sĩ Ngô Xuân Chinh và một số thành viên trong đoàn công tác được tham quan hệ thống lấy nước. Thông qua các đường ống được cắm vào vùng biển sạch, máy bơm hút nước từ biển lên bể chứa. Sau đó, máy cao áp sẽ đưa nước biển lên bình lọc. Nước lọc xong được chứa trong các hồ thể tích 10 khối. Thiếu tá Vũ Văn Thế cho biết: Cũng như đảo Sinh Tồn Đông và một số đảo khác, từ năm 2014, đảo Trường Sa Lớn đã có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt này. Công suất mỗi máy 70 lít/ giờ, với 5 máy, mỗi giờ cung cấp 350 lít nước, đủ cung cấp nước ăn uống sinh hoạt cho cả đảo và ngư dân quanh đây. Trước đây, do tình trạng khan hiếm nước ngọt trên đảo nên mỗi chiến sĩ chỉ được dùng từ 5 đến 7 lít, tắm giặt 15 lít nước ngọt mỗi ngày. Giờ đây, nước ngọt không chỉ đủ cho ăn, uống, các nhu cầu sinh hoạt, mà còn phục vụ cải tạo đất, tăng gia, chăn nuôi. Nước tưới thấm vào đất cùng với nguồn nước mưa tích tụ tạo thành mạch nước ngầm trên đảo giúp cây cối xanh tốt quanh năm. Ngoài ra, nguồn nước ngọt này cũng đủ cung cấp cho ngư dân đánh bắt quanh đảo và neo đậu trong âu tàu.
Lọc nước biển thành nước ngọt là công trình được thực hiện bởi Solar-BK - một công ty 100% Việt Nam. Để có được sản phẩm tối ưu như ngày nay, Solar-BK đã nhiều ngày đêm nghiền ngẫm, nghiên cứu và trải qua nhiều lần dày công thực hiện, cải tiến. Cách vận hành của công trình theo quy trình thẩm thấu ngược. Thật ra quy trình thẩm thấu ngược (màng RO). Phương pháp lọc nước tiên tiến này đã được Hải quân Mỹ triển khai phục vụ thủy thủ tàu ngầm. Tuy nhiên, vận dụng vào điều kiện khí hậu, thời tiết tại Trường Sa không hề đơn giản và không thể áp dụng theo những gì đã diễn ra. Vì thế, công trình lọc nước biển thành nước ngọt tại Trường Sa không phải là công trình ứng dụng mà là công trình khoa học, mang dấu ấn sáng tạo của người Việt Nam.
Trải qua nhiều thử nghiệm, kết quả trung bình cứ 4 lít nước biển sẽ cho 1 lít nước ngọt sạch có thể uống trực tiếp được, nó phù hợp với độ bền chất liệu và các phụ kiện kèm theo cho quá trình vận hành máy móc và màng lọc. Việc lưu trữ, điều tiết, sử dụng năng lượng mặt trời và điện gió vốn sẵn trên đảo giúp hệ thống không bị ngắt điện và hoạt động đều đặn, thường xuyên. Khi được hỏi giữa trùng khơi xa xôi thế này sẽ xử lý ra sao nếu hệ thống lọc bị trục trặc, thiếu tá Thế cho biết, hiện chưa có trường hợp đó xảy ra, tuy nhiên nếu có, theo quy ước, đảo sẽ liên lạc trực tiếp với kỹ sư chịu trách nhiệm trong đất liền và đất liền sẽ điều khiển khắc phục từ xa, chiến sĩ không được tự ý sửa chữa hay chuyển mục đích sử dụng khác. Mỗi năm, theo định kỳ, đội ngũ kỹ sư sẽ ra bảo dưỡng máy. Bản thân Thiếu tá Thế ngày nào cũng lau dọn máy rất cẩn thận, anh nói: “Môi trường ở đây muối nhiều, độ ẩm cao nên phải thường xuyên lau sạch. Chăm nhà máy như chăm cơ thể mình vậy, có chuyện gì trục trặc là ảnh hưởng tới đời sống cả đảo nên chúng tôi phải tự ý thức trách nhiệm trước công việc quan trọng này”.
Qua hành trình đi các đảo ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi được biết nhiều đảo có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt như Song Tử Tây, công suất 18.000 lít/ngày, công trình khánh thành vào tháng 4/2015; hệ thống tại Trường Sa Đông công suất 600 lít/ngày, được lắp đặt đưa vào sử dụng tháng 6/2015, tại Trường Sa Lớn công suất 600 lít/ ngày…
Tạm biệt Thiếu tá Vũ Văn Thế, tôi, Tiến sĩ Ngô Xuân Chinh và đoàn tham quan rời nhà máy đi thăm các nhà màng, vừa đi ông vừa nói: Ở Trường Sa, trước giờ có câu nói: “Nước là máu, rau là thuốc”. Đảo nào cũng có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt thì việc phủ xanh đỡ cực nhọc hơn. Cát san hô thực ra chỉ thuần san hô vụn nhiễm mặn, để cải tạo phải tận dụng mùa mưa xả mặn đi. Sau khi quy trình xả mặn kết thúc mới trộn các thành phần khác vào, nhất là thêm phần trăm độ cao lanh, mùn, phân hữu cơ hợp lý để giữ nước ngọt trong đất. Khi cây phát triển được, các phần rễ chết phân hủy trong đất lại tiếp tục tạo mùn cho đất.
Trao đổi với các chiến sĩ và người dân ở đảo Trường Sa, chúng tôi được biết hiện nay có đủ nước trong cả hai mùa mưa nắng nên cán bộ, chiến sĩ chủ động chiết và ươm thêm các loại cây giống có sẵn để phủ xanh cả đảo. Một chiến sĩ dẫn tôi ra phía sau nhà tập thể chỉ cho tôi xem hai hàng chuối xanh tốt, nhiều buồn chuối thòng xuống lúc lỉu trái. Anh cho biết, bữa ăn của chiến sĩ đã được cải thiện rất tốt, đủ chất, bảo đảm sức khỏe cho chiến sĩ tập luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.
“Có nguồn nước ngọt tưới dồi dào thì quá trình cải tạo đất ở đây sẽ nhanh hơn. Đúng là nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt thực sự đã giải được bài toán khó giữa trùng khơi xa xôi này” - Đại tá Chung đi bên cạnh tham gia câu chuyện - “Chứng kiến những tháng ngày vượt khó tìm nguồn nước, an hem trên đảo vẫn nói với nhau rằng, nước ngọt lấy từ biển và nước ngọt lấy từ trí tuệ!”. Chúng tôi thực sự tâm đắc trước câu đúc kết của vị sĩ quan gắn bó hơn hai phần ba cuộc đời mình với những con tàu và quần đảo Trường Sa.
21 giờ 30 phút, thứ bảy, ngày 18/5/2024, tàu 571 - Trường Sa kéo ba hồi còi dài chào cảng Trường Sa, chia tay đảo tiền tiêu, bức tường thành vững chắc trên biển. Trong tôi chợt dâng ngập cảm xúc quyến luyến, tự hào. Đất nước mình, hải đảo mình đẹp quá, người Việt mình chịu thương chịu khó quá. Nơi đây còn có biết bao việc phải làm, phải suy nghĩ, đầu tư, bù đắp, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và tình yêu vô bờ bến đối với một phần bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Phủ xanh và sạch hóa các nguồn năng lượng là một nỗ lực không hề nhỏ góp phần thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và gìn giữ lâu bền vùng hải đảo - lãnh hải của đất nước, bởi vậy, từng giọt mồ hôi các kỹ sư, chiến sĩ đổ xuống Trường Sa hôm nay mang ý nghĩa nền tảng lớn lao cho mãi ngàn sau.