Cách đất liền khoảng 250 hải lý với điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhưng Trường Sa vẫn sừng sững hiên ngang. Trường Sa ngỡ xa xôi mà gần gụi, ngỡ cằn cỗi mà mướt xanh. Nơi đây là máu thịt, là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Cả nước luôn hướng về Trường Sa thương yêu. Và những người con vẫn mang nhiệt huyết, tình yêu xây Trường Sa xanh mãi.
Những dòng này tôi viết ở Trường Sa
Giữa nắng gió và mặn mòi biển cả
Giữa những cảm xúc nghẹn ngào không thể tả
Giữa dập dìu những ngọn sóng khơi xa
Những dòng này tôi viết ở Trường Sa
Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ
Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ
Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên
Trên chuyến tàu mang khát vọng thanh niên
Gửi về bạn trẻ triệu niềm tin xanh ngắt
Gửi về bạn trẻ những giọt mồ hôi rát mặn
Nhưng chứa đầy khát vọng của Trường Sa
Là khát vọng đưa Tổ quốc vươn xa
Là khát vọng xây Trường Sa xanh mãi
Tôi tin, trong những điều sau này được kể lại
Luôn có một phần bởi tuổi trẻ viết nên.
Những vần thơ chan chứa cảm xúc về biển đảo của tác giả trẻ Y Việt Sa trong “Thư gửi Trường Sa” đã được Sở Giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Cô gái dân tộc Rơ Ngao sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên lần đầu đến với Trường Sa đã sống trọn hải trình đầy ý nghĩa với những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện kể từ chính cán bộ, chiến sĩ về cuộc sống ở đảo, về tình yêu với Trường Sa và ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Đọc thơ em, trái tim tôi bồi hồi nhớ chuyến công tác Trường Sa. Trở về đất liền đã lâu mà gương mặt những người đồng hành cùng tôi trong Đoàn công tác số 13 vẫn cảm giác như vừa gặp.
Cùng đi với chúng tôi trên hải trình của Đoàn công tác số 13 có Đặng Trần Mỹ Hạnh, phóng viên của VTV2. Hạnh là người năng nổ hoạt bát xông xáo khi tác nghiệp nên những tưởng cô cứng cỏi nhưng không ngờ, cô gái có vẻ ngoài mạnh mẽ ấy lại mau nước mắt. Tôi nhớ hôm đó, cứ sau mỗi lần tác nghiệp là cô lại chạy vội ra núp sau lưng tôi và lau nước mắt.
Có lẽ, trên những hải trình công tác ra Trường Sa không hải trình nào không có nước mắt. Nhưng giọt nước mắt khiến mọi người nhớ nhất là nước mắt tại Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và những người con của Tổ quốc đã hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nơi đây. Như chuyến công tác của Đoàn công tác số 13 năm 2024, lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma khiến tôi không bao giờ quên được.
Bài diễn văn do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân đọc tại Lễ tưởng niệm ôn lại sự kiện CQ88 ngày 14/3/1988, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh các chiến sỹ Tàu 505, 605 Hải quân Việt Nam hiên ngang kết thành “Vòng tròn bất tử” bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca vang vọng mãi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, nhắc nhớ con cháu phải quyết giữ vững từng tấc đất, lãnh thổ, hải giới mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ. Dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đảo để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Bài diễn văn của Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang đã tác động mạnh mẽ lên cảm xúc của chúng tôi, những thành viên trong Đoàn công tác và đặc biệt là tác động mạnh mẽ lên trái tim những người làm báo như Mỹ Hạnh.
Ngay sau Lễ tưởng niệm, Mỹ Hạnh viết: “Trên hải trình đặc biệt đến với Trường Sa, tôi đã khóc khi tham dự lễ chào cờ và duyệt binh của quân và dân trên đảo. Xúc động biết bao ở nơi xa đất liền đến gần 400km, ở nơi chỉ có sóng biển, màu lam sắc của đại dương có gió và cát mà lại hiện hữu nhiều quá sự hi sinh! Những bước hành quân thật đều, những gương mặt rám nắng nhưng hiên ngang, những ánh mắt đầy quyết tâm và tin tưởng giống như lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình. Và cũng để chạm tới niềm tự hào và quyết tâm của người phóng viên trong tôi. Rằng hãy sống tử tế hơn, bản lĩnh hơn, kiên cường hơn và có ích nhiều hơn!”.
Đúng như những dòng tâm tư Mỹ Hạnh viết nên. Trải nghiệm chuyến đi và đặc biệt là Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Trường Sa khiến chúng tôi đều cảm thấy những vất vả của chúng tôi không thấm vào đâu so với sự hy sinh của cha anh và so với những vất vả khó khăn thiếu thốn mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân và những người đang sinh sống, làm việc nơi đây đang trải qua.
Vì thế, mỗi thành viên trong Đoàn đều thấy mình cần phải sống xứng đáng hơn, tích cực hơn, nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chia sẻ về cảm xúc này, Hoàng Trung Hiếu, phóng viên Ban Ảnh TTXVN tâm sự: “Có lẽ tác nghiệp ở Trường Sa là chuyến tác nghiệp khá vất vả với phóng viên. Chỉ riêng bảo quản máy ảnh đã là một sự kỳ công chứ chưa nói đến việc khắc phục điều kiện ra sao để có những tác phẩm báo chí thời sự nhất, ấn tượng nhất về Trường Sa. Tuy nhiên, những khó khăn vất vả của cán bộ chiến sĩ sinh sống ngoài đảo như một động lực thôi thúc các nhà báo, phóng viên vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ”…
Còn theo Nguyễn Thùy Liên, phóng viên Báo Hải quân Việt Nam: “Mặc dù đã được nhiều lần cùng các đoàn công tác ra Trường Sa nhưng mỗi lần đều có những cảm xúc tươi mới khác nhau. Có lẽ những chuyến công tác Trường Sa là những thử thách đẹp nhất trong cuộc đời người làm báo của em - chuyến đi “chở đầy khát vọng thanh niên” như những câu thơ trong bài Thư gửi Trường Sa mà Y Việt Sa đã viết”.
Trong mạch cảm xúc này, trao đổi với chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu cao hơn. Phát huy truyền thống 69 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, tập thể cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân nguyện ra sức xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, góp phần ngăn ngừa đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương (đứng thứ 3 từ phải sang nhận xét: Phóng viên đi theo đoàn là những người luôn đi trước về sau, đi trước để tiếp cận thông tin trên điểm đến, về sau để hiểu sâu sắc hơn những thông tin thu thập được.