Những người “xây” Trường Sa xanh mãi - Bài 2: Giữ nhịp đập trái tim"Kình ngư trắng giữa biển xanh"
Trên mỗi con tàu, nếu thuyền trưởng được ví như "khối óc", hoa tiêu được ví như “đôi mắt” thì thợ máy được ví như "bác sĩ" của buồng máy - trái tim của con tàu - nhằm đảm bảo hoạt động tốt nhất, tuyệt đối an toàn trên mỗi hải trình. Đặc biệt là trên những con tàu hiện đại như tàu kiểm ngư đang được các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển quản lý, vận hành hiện nay.
Nhốt mình trong buồng máy
Trên hải trình Đoàn công tác số 13 (2024) với chủ đề “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với kíp thợ máy của tàu KN-390. Họ là những sinh viên tốt nghiệp Đại học Hàng Hải, chuyên ngành máy tàu thủy mà “tình yêu biển thể hiện rõ ngay từ khi chọn trường”. Như anh Đào Doãn Hoàng, quê huyện miền biển Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, anh kể, năm 29 tuổi, anh được phân công về một đơn vị công tác rồi sau đó được điều chuyển sang Chi đội Kiểm ngư số 3, làm trưởng ngành máy của tàu Kiểm ngư KN-390 đến bay giờ. Đây là con tàu hiện đại, được ví như "kình ngư trắng giữa biển xanh". Được làm chủ nhịp đập “trái tim kình ngư” là niềm tự hào đối với người thợ các anh.
Kể từ khi nhận nhiệm vụ là bắt đầu từ đó, Hoàng và các đồng đội gắn bó theo những chuyến tàu phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong đất liền ra thăm các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi chuyến tàu ra khơi đúng hải trình và an toàn tuyệt đối trở thành niềm vui chung không chỉ của các thành viên trên tàu mà còn là hạnh phúc của mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thợ máy trên tàu.
Kiểm ngư KN-390 là một con tàu được thiết kế và đóng mới hiện đại, có khoảng 10 người thợ máy chia nhau ca kíp vận hành để bảo đảm an toàn tuyệt đối với phương châm "tàu là nhà, biển cả là quê hương". Với nhiều tính năng ưu việt được trang bị, tàu kiểm ngư KN-390 là phương tiện tuần tra, thực thi pháp luật, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân vô cùng hiệu quả trên các vùng biển của Việt Nam, có mặt thường xuyên trên các vùng biển Việt Nam để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, thực thi pháp luật trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đời người thợ máy tàu nhiều vất vả nhưng cũng tràn ngập niềm vui. Máy trưởng Đào Doãn Hoàng kể: “Mỗi chuyến hải trình, dù ở dưới buồng máy nhưng chúng tôi vẫn được gặp gỡ rất nhiều người từ khắp mọi miền lên tàu để đến những đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những tối buông neo, chúng tôi giải trí bằng việc câu cá, câu mực dưới biển, giao lưu với các đoàn công tác từ mọi nơi, nhất là những người đồng hương quê nhà của các thủy thủ trên tàu”.
Cũng theo anh Hoàng, ở đây có những người thợ trẻ nhưng cũng có những người đã gắn bó với biển hang chục năm, lâu nhất là 36 năm. Như anh Hồ Quý. Nhưng dù là ai, họ luôn thấy vui và tận tụy với công việc, luôn xác định phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, để trái tim kính ngư đập khỏe mạnh, nối dài cánh tay đất liền ra đảo.
“
Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan, đơn vị thì những người vợ đảm đang là nguồn động viên rất lớn để tôi và anh em, nhất là các thợ máy trẻ làm việc trên tàu yên tâm công tác", anh Hồ Quý (đeo kính đứng giữa) trải lòng.
Trên những chuyến tàu, mặc dù đã từng trải với sóng nhưng mỗi lần gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư thì cũng khó ai có thể đọ được với sóng. Những hôm gặp gió mùa, biển động, sóng đánh trùm lên cả boong tàu, ai cũng quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào. “Say xe thì chỉ vài giờ lúc chạy xe, chứ đi biển thì có khi say sóng triền miên ngày này qua ngày khác theo hải trình đến khi nào không say được nữa mới thôi” - một người thợ trẻ cho biết. Nhưng dù say sóng đến tối tăm mặt mũi thì đến ca trực, họ vẫn vững vàng vào ca làm việc và luôn tâm niệm phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ nịp đập trái tim kình ngư trắng giữa biển khơi.
Máy nổ giòn, giấc ngủ ngon
Với nụ cười hiền lành khác hẳn con người khô cứng như chuyên ngành kỹ thuật được học ở trường đại học, Đào Doãn Hoàng ít nói về bản thân mà kể về việc chung của cả nhóm như đều có đam mê máy móc, thiết bị cơ khí từ nhỏ đã nuôi dưỡng giấc mơ đó khi thi vào trường đại học để rồi ra trường được làm đúng sở trưởng, niềm yêu thích của mình.
“
"Em và nhiều người đã may mắn được theo đuổi đam mê máy móc kỹ thuật và làm đúng chuyên môn, sở thích. Nhất là luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình và đồng nghiệp đối với sự lựa chọn của mình là trở thành sĩ quan máy tàu biển", Hoàng (ngoài cùng bên phải) chia sẻ.
Cũng như Hoàng, người thợ máy trẻ Nguyễn Hữu Thắng thấy mình thực sự may mắn khi đã được nghề chọn người. Thắng tâm sự. "Mỗi hải trình luôn là một trải nghiệm với em bởi được học hỏi rất nhiều từ các thủy thủ trên tàu, từ các thế hệ đi trước từ cách sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự hòa đồng và trên hết đó là "Tổ quốc nhìn từ biển" thật tuyệt vời mà bất cứ ai đã trải nghiệm đều thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Không riêng gì Hoàng, Thắng, trong kíp trực hôm ấy trên tàu KN-390, hỏi về niềm vui của những thợ máy, người giữ "nhịp đập trái tim" trên những con tàu là gì, ai cũng nói "tiếng máy nổ giòn, tàu chạy bon bon, giấc ngủ mới ngon".
Lặng thầm như lính thợ
Theo anh Vũ Đức Giang, đối với ngành cơ điện trên tàu, bảo đảm hoạt động của hệ thống động lực được coi là "trái tim con tàu" luôn được đặt lên hàng đầu. Nỗi nhớ khi xa gia đình thì chẳng mấy khi vơi. Thế nhưng, các anh vẫn chọn cho mình “con đường xa đất liền” vì đó đã trở thành cuộc sống thứ hai mà các anh không thể nào rời xa được. Đối với các anh, niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất là sau mỗi chuyến hải trình, được trở về mái nhà thân thương, được chứng kiến sự vui mừng của vợ, tiếng reo tíu tít của các con, cùng những cái ôm hôn đong đầy yêu thương, mong nhớ.
Các tàu Kiểm ngư và tàu tuần tra hiện đại có khối lượng trang bị ngành động lực nhiều, phức tạp nên các cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải luôn đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, huấn luyện, làm chủ trang bị kỹ thuật trên tàu nhằm đáp ứng công việc ngày càng hiện đại, nặng nề.
Là người nhiều năm gắn bó với biển đảo và hàng nghìn hải trình ra Trường Sa, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đánh giá cao các cán bộ, nhân viên kỹ thuật máy tàu nói chung và những nhân viên phục vụ trên các tàu Hải quân và Kiểm ngư nói riêng. Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, họ là những người luôn tận hiến cho công việc. Họ luôn có ý chí quyết tâm vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nỗ lực rèn luyện không ngừng trong chuyên môn để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. "Các cán bộ, nhân viên kỹ thuật máy tàu luôn giữ cho con tàu vượt sóng an toàn với trách nhiệm cao nhất để cho mỗi hải trình đều tốt đẹp. Nhưng công việc của họ lại rất thầm lặng và luôn diễn ra dưới khoang tàu nên dường như nói đến những người thợ máy tàu là nói đến sự cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng", Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang chia sẻ.
Mỗi khi nói đến đời người thủy thủ, nhiều người vẫn tưởng rằng đó là một cuộc sống tự do được phiêu du nay đây mai đó. Nhưng thực sự, với nhiều thuyền viên, họ “ký hợp đồng” tuổi trẻ của mình với biển cả mênh mông không phải vì mục đích phiêu du mà vì trái tim của họ đã chung nhịp đập với trái tim của những con tàu hòa vào nhịp đập chung của hang trăm triệu con tim yêu Tổ quốc trên đất nước Việt Nam...