ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Những người “xây” Trường Sa xanh mãi - Bài 3: Thắp sáng ước mơ nơi đảo xa
Lượt xem: 9
Những người chưa lần nào ra đảo thường có rất nhiều tưởng tưởng nhưng có lẽ, điều khiến mọi người khó hình dung tưởng tượng ra nhất lại là tiếng trẻ học bài nơi đảo xa. Đoàn công tác chúng tôi đặt chân lên Trường Sa Lớn, Đá Tây, Song Tử Tây… và nhiều người đã bật khóc khi chứng kiến điều xúc động đó.

Nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây yên bình, xanh mát hòa vào màu xanh của đại dương. Những hộ dân trên đảo sống cuộc sống hiền hòa. Yêu biển, gắn bó với đảo, như cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Châu Út, một cán bộ Hội phụ nữ trên đảo. Gia đình chị là một trong số các gia đình trẻ trong đội hình Thanh niên xung phong đi xây dựng đảo từ những ngày đầu còn thiếu thốn khó khăn, đến nay, đảo đã có điện, có nước, có thông tin liên lạc. Hạnh phúc nhất là hai con nhỏ của anh chị được tới trường học con chữ, anh chị cùng bà con nơi đây thêm vững tâm, cùng cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo.

anh tin bai
Gia đình chị Trần Thị Châu Út, Đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Dắt con đi bên hành cây xanh mướt, chị Trần Thị Châu Út vui vẻ trải lòng mình: “Trước khi ra đảo, em cũng hình dung được những thiếu thốn khó khăn nhưng gia đình em luôn có suy nghĩ là cống hiến cho biển đảo Tổ quốc quê hương. Khi ra tới đây rồi mới thấy cuộc sống ở đây rất vui, hạnh phúc, không khí trong lành, con cái mạnh khỏe hơn, Gia đình em sẽ tích cực phát huy các nội dung phối hợp quân và dân trên đảo để xây dựng đảo ngày càng xanh tươi và phát triển hơn”.

Được đến trường - đó là niềm vui của trẻ thơ, nhưng đối với những đứa trẻ vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn hay vùng biển đảo thì đó còn là khát khao. Ở cách xa đất liền hàng trăm cây số, những đứa trẻ Trường Sa đang được thỏa nỗi khát khao này. Bởi có những người thầy đã tạm biệt quê hương để mang con chữ ra đảo xa đồng hành với các em học sinh – những mầm xanh tương lai của Tổ quốc.

Thầy Lưu Quốc Thịnh, Giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây trước đó có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo ở đất liền, vì vậy, thầy hiểu hơn ai hết nỗi khát khao con chữ của những đứa trẻ này. Đó là động lực để thầy vượt qua khó khan và nỗi nhớ gia đình để bám lớp, bám đảo, thắp sáng ước mơ con trẻ nơi đảo xa.

Thầy Thịnh chia sẻ: Khó khăn nhất là việc phân bổ thời khóa biểu và sử dụng các bài giảng hợp lý bởi các lớp học ở đây là lớp ghép, có nhiều lứa tuổi, trình độ. Muốn trò học tốt thì thầy phải chịu khó, phân thân nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, yêu thương các cháu nhiều hơn, cố gắng vừa dạy vừa động viên các cháu học tốt hơn. Thấy Thịnh cho biết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo và người dân trong đó có thầy luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, tình quân dân ở đây quân rất gắn bó, thầy với trò và phụ huynh như người trong một gia đình nên rất yêu thương nhau.

anh tin bai
Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh, Giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây cùng học sinh trong giờ dạy

 

anh tin bai
Khi trường Tiểu học Đá Tây được khánh thành, đi vào hoạt động cũng là thời điểm thầy Lưu Quốc Thịnh đến với đảo với một lá thư tình nguyện.

Cũng như thầy Thịnh, vượt qua những trở ngại nơi đầu sóng ngọn gió, những giáo viên vẫn tình nguyện đến với vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc để gieo chữ, ươm mầm xanh cho thế hệ tương lai của đất nước nơi đảo xa. Tại các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, mỗi lớp học có khoảng 10 học sinh, từ cấp mầm non đến hết tiểu học. Do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, lớp học chưa được trang bị máy chiếu hiện đại, máy tính xách tay hay Internet. Thay vào đó, các em luôn nhận được sự chỉ dạy tận tình từ thầy cô, không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng sống.

Căn bếp nhỏ sau mỗi giờ lên lớp của thầy thức ăn chủ yếu là đồ đông lạnh mang từ đất liền ra. Phòng ở kết hợp với phòng làm việc được bố trí ngay cạnh lớp học. Cuộc sống của thầy hòa cùng cuộc sống người dân trên đảo, trường học chính là nhà và mỗi học sinh như những đứa con ruột thịt, là nguồn động viên to lớn để những giáo viên gieo chữ ở Trường Sa vượt qua mọi khó khăn như lời căn dặn của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt".

anh tin bai
 
Thầy trò cùng nhau nắn nót từng con chữ

Đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống bình dị ở nơi này, để cảm nhận ý chí kiên cường vượt nắng, vượt gió, vượt khó của con người, đã khơi dậy trong lòng mỗi cán bộ của Đoàn công tác những cảm xúc khác nhau. Để rồi từ đó trở thành những chất liệu đẹp trong nhiều tác phẩm báo chí, văn chương, âm nhạc, hội họa… dạt dào tình yêu biển đảo.

Nguyễn Thị Hiền, phóng viên Báo Tuổi Trẻ tâm sự: “Không chỉ là chuyến công tác bình thường mà là chuyến đi tìm lại nhiệt huyết trong chính bản thân mình, cùng đồng nghiệp viết bài viết hay, chụp ảnh đẹp để tuyên truyền về biển đảo quê hương”. Còn Anh Chu Sỹ Chiều, trước là chiến sỹ Hải quân, hiện nay anh làm việc tại Công ty TNHH CCCT Hoàng Ngân không khỏi xúc động: “Mỗi lần nhắc đến vòng tròn bất tử, Gạc Ma, trong tôi lại trở về vẹn nguyên hình ảnh những người đồng đội, bạn học trong số 64 chiến sỹ đã hi sinh để giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi này đối với tôi như thực sự ý nghĩa, như một dịp tri ân những người đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu”.

Thắp sáng đèn biển

Ở Trường Sa, chúng tôi còn gặp những con người lao động, những công nhân trông giữ Hải Đăng, điểm chỉ đường cho những con tàu vươn khơi bám biển và cho ngư dân và ngành hành hải. Anh Nguyễn Văn Thuấn 36 tuổi, là công nhân đèn biển. Anh đã có mười mấy năm gắn bó với những ngọn hải đăng trên biển, đảo Trường Sa. Từ nhỏ anh Thuấn đã thích biển. Lớn lên, anh được ra đảo làm nhiệm vụ canh giữ ngọn hải đăng như một cơ duyên. Anh Thuấn tâm sự: "Mỗi lần đứng trên tháp ngọn hải đăng ngắm những bãi san hô giữa biển sóng mênh mông mới cảm nhận hết được ý nghĩa công việc mình đang làm. Còn trẻ là phải cống hiến, chỉ sợ tuổi già thì không đứng giữ biển, giữ đảo được nữa thôi". Khi có người đề cập đến hai chữ “hy sinh” hạnh phúc riêng tư, anh Thuấn tâm sự: "Ở đây cũng là nhà của tụi mình mà. Khi nào xong việc thì về thăm gia đình sau. Với tụi mình, tình cảm giữa đất liền và Trường Sa luôn là một".

Điều đặc biệt, em trai anh Thuấn là Nguyễn Văn Thường cách đây 7 năm cũng làm nhiệm vụ canh giữ đèn biển ở đảo Đá Tây B và từ đó đến nay vẫn gắn bó với công việc này tại nhiều điểm đảo ở Trường Sa.

anh tin bai

Thường kể, lúc đầu mới ra đảo cũng không nghĩ mình sẽ bám trụ lâu thế này. Thật ra, nếu có nguyện vọng, Thường cũng muốn được chuyển về gần bờ. Nhưng mỗi lần đi phép về nhà khoảng 2 tháng, Thường lại nhớ tiếng sóng biển, nhớ anh em ngoài này. Nửa đêm ngủ ở đất liền mà cứ giật mình liên tục vì nhớ ca trực. Mặc dù tuổi xuân của hai anh em đều gắn với biển, đảo, với ánh đèn hải đăng mỗi đêm, nhưng cả hai đều chưa từng có suy nghĩ sẽ chuyển công tác về đất liền. Hai anh em luôn quan niệm: "Gia đình nuôi ta khôn lớn, công việc giúp ta trưởng thành, đâu cũng là ơn nghĩa".

Với anh Thuấn và những người trẻ nơi đầu sóng ngọn gió thì đảo là nhà, biển cả là quê hương. Chính vì thế, họ dành trọn thanh xuân tươi đẹp của mình để cống hiến, để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn bài viết: qdnd.vn
Mai Chí Vũ (baotainguyenmoitruong.vn)
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập