Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau: Bài 2: Sinh Tồn Đông- nốt nhạc xanh giữa trùng dương
Sáng sớm ngày 16/5/2024, cả tàu bừng thức, ùa hết lên boong để ngắm, để nghe và để lắng đọng trong tim mình những nốt nhạc xanh thương thiết đang ngân vang từ tình cảm với hải đảo máu thịt giữa trùng khơi, từ nơi phên giậu tiền tiêu Tổ quốc. Đài phát thanh trên tàu vừa cho biết, chúng tôi đã đi về hướng Đông Nam được gần 620km. Trước mắt chúng tôi là đảo Sinh Tồn Đông - một trong hai đảo nổi lớn nhất cụm Sinh Tồn.
Cạnh tôi, Tiến sĩ Chinh như đang thả hồn vào ký ức xa xôi, ông trầm tư chia sẻ: “Có năm, mình và bốn anh em nữa ăn Tết trên đảo này, đó là chuyến tàu xuất phát đi Trường Sa vào mùng bốn Tết. Nói đến Tết, ai cũng nghĩ ngay tới bánh cốm, kẹo mứt, quà tặng, còn tổ công tác của mình lại lục cà lục cục đưa đủ thứ đất và phân bón lên tàu, đó là chế phẩm để trồng lại mấy hàng phi lao và cứu sống mấy cây tra, cây mù u bị bão thổi trốc gốc. Bởi cát san hô nhiễm mặn chỉ thuần là canxi từ san hô nát vụn mà thành, hoàn toàn không dinh dưỡng, không giữ được nước nên cây không sống được chứ đừng nói tới phát triển hay chịu dựng sóng gió. Mình nghĩ phải chủ động cung cấp dinh dưỡng, đưa hệ vi sinh xuống, đưa 17 yếu tố dinh dưỡng cần thiết nhất vào ụ trồng cây. Do san hô hóa thạch, nền cát không giữ nước mưa được nên phải nghĩ đến việc cung cấp chất trương nước tăng lên 100 lần để các các lông tơ của rễ cắm vào đó mà phát triển. Cụ thể là trong giá thể phải có hàm lượng sét- cao lanh khoảng 2% tạo thành keo đất, 30% mùn hữu cơ, 50% phân hữu cơ, phần vi sinh gồm phân giải lân, phân giải đạm, phân giải xenlulô… Sau khi kiểm chứng bằng thực tế thấy hiệu quả, anh em đồ đoàn phân đất lên đường, vì Trường Sa thân yêu thì hy sinh một cái Tết sum họp gia đình cũng xứng đáng”.
Câu chuyện của Tiến sĩ Chinh khiến quãng đường bớt lâu hơn. Chúng tôi đã tới đảo Sinh Tồn Đông. Sinh Tồn Đông hiện lên, bừng thức như một nốt nhạc xanh uy nghi giữa trùng dương. Hai cây mù u giờ đã cổ thụ, căng tràn sức sống, ghi dấu ấn vượt qua bao phong ba bão tố, được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Những cây tra với sức sống mãnh liệt đang nở hoa thơm dịu dàng, những ngọn phi lao vút xanh như những mũi tên, những bãi dây muống biển phủ tràn, đơm hoa tím ngát. Và những góc vườn rau xanh của chiến sĩ quanh năm xanh mướt, những người lính Hải quân cười rất tươi chào đón chúng tôi.
Tôi và Tiến sĩ Chinh đi từng nhà màng, thăm từng ô, từng luống rau xanh. Ông cho biết, đây là mô đun nhà màng thế hệ thứ 5, tức là có rất nhiều đợt cải tiến để phù hợp với tình hình thời tiết khắc nghiệt ở đảo, các loại màng lưới trong nước sản xuất đều không chịu nổi, cuối cùng phải đặt mua hàng nhập từ Israel. Và giá thể cũng được thay đổi, bổ sung các chế phẩm sinh học tốt nhất. Ông nói mình quyết tâm làm nhà trồng rau cho bằng được vì có lần ra đảo mùa nắng hạn, ông tình cờ xuống bếp thấy các chiến sĩ ngồi giã từng cọng rau ít oi để bỏ vào nồi canh cho có màu xanh. Ông đứng sững sờ rồi vội quay đi, nước mắt giàn giụa.
Nói thêm về việc đưa gia súc gia cầm ra đảo để nuôi cũng vậy, tự dưng chúng lăn ra chết. Khi nhóm của Tiến sĩ Chinh ra kiểm tra, nghe thuật lại, ông bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân. Hóa ra là do nước biển, các con vật do khát quá uống nước biển, mà nước biển ở quanh đảo mặn gấp ba lần nước biển trong bờ. Từ đó, gia cầm đem ra đảo nuôi bao giờ cũng được chọn lựa kỹ càng, sức chịu đựng cao như lợn rừng lai, vịt biển, ngan, chó… Việc nuôi bò trên đảo cũng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc đã thất bại nên phải tạm dừng. Năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nghiên cứu đưa giống bò mới ra đảo nuôi. Với giống bò mới, khả năng ăn uống thích ứng của chúng khá ổn. Bò ăn được cả cơm canh thừa, trừ lá phong ba ra, các loại lá còn lại bò đều ăn được nhưng chính vì tính tạp ăn đó mà chiến sĩ phải thường xuyên rào chắn, bao lưới quanh từng cây một, không thì bò ăn rụi lá cây. Có một chi tiết cười ra nước mắt, đó là việc quần áo của chiến sĩ phơi trên dây liên tiếp bị “mất cắp”, mãi mới phát hiện do bò ăn. Sau này, chiến sĩ ta đã trồng cỏ, diện tích và khối lượng đủ đáp ứng cho bò, nhưng do tật tạp ăn đã thành thói quen nên bò không từ thứ gì, kể cả bao bì giấy, quần áo,…
Với tinh thần cả nước vì Trường Sa thân yêu, ngày nay đảo Sinh Tồn Đông đã có nhiều công trình mới xây khang trang như Nhà Văn hóa, trụ sở, bưu điện, trạm y tế, được điểm tô bởi những cây bàng quả vuông, bàng đất liền, hoa kiểng,… tạo nên những phối cảnh rất đẹp mắt. Cũng nói thêm, ở đảo, cây bàng vuông đã trở thành biểu tượng về sức sống mãnh liệt, lá bàng vuông được chiến sĩ dùng gói bánh chưng trong những ngày Tết. Trong đoàn nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ chúng tôi có một Thượng tá Công an sinh nhật đúng dịp nên tôi đã tìm một trái bàng vuông, viết lời chúc lên đó, bạn tôi rất thích, nói sẽ mang về đất liền cất trong tủ như một vật kỷ niệm ý nghĩa. Các vườn rau ngày nay cũng vô cùng phong phú về chủng loại như cải xanh, rau muống, rau dền, húng quế, bầu đất, rau sam, dưa hấu, sả, ớt, hành… Năng suất rau ngày càng tăng lên, không chỉ đủ cung cấp cho các bữa ăn của chiến sĩ mà còn chia sẻ cho các ngư dân hoạt động đánh bắt cá quanh đảo. Trung úy Đoàn Văn Lượng, sinh năm 1999, quê Thanh Hóa, tâm sự: “Chăm sóc vườn rau xanh là việc làm được nhiều chiến sĩ thích thú, như em chẳng hạn, mỗi lần em vào vườn rau là nỗi nhớ quê phần nào nguôi ngoai, bởi hình ảnh đó gần gũi với mình như ở quê nhà”.
Tiến sĩ Chinh nói với tôi, trong mỗi chuyến đi công tác Trường Sa của nhóm ông bao giờ cũng có 8 người: 2 kỹ sư trồng trọt là ông cùng thầy dạy, thầy hướng dẫn nghiên cứu và trình bày luận án tiến sĩ của mình, 2 kỹ sư chăn nuôi và 4 công nhân kỹ thuật xây dựng. Tôi chứng kiến các anh chị trong nhóm rất tháo vát, đến đảo nào cũng thoăn thoắt đi kiểm tra các nhà màng, cây trồng, vật nuôi. Họ đã đi về nhiều lần nên trở nên thân thiết, vừa bước lên cầu tàu, các chiến sĩ đã mừng rỡ ôm lấy họ như gặp lại người thân.
Tiến sĩ Chinh tâm sự, ông gắn bó với đảo đến mức nhiều ngày chưa đi đảo là nhớ, nhớ đến bần thần người, nhớ người, nhớ cây, nhớ các công trình dở dang. Nhớ và lo lắng, chẳng biết những cây mới trồng tháng trước có trụ nổi với mùa sóng táp lần này không; chẳng biết nhà màng mới nới rộng đủ chuẩn 200 mét vuông vừa rồi có bị rỉ sét chỗ nào không; nắng hạn thế này, nước không đủ uống, mấy cây mới trồng có sống được không?!… Và rất nhiều nỗi lo không tên khác trong nỗ lực phủ xanh các đảo. “Bao nhiêu câu hỏi, lo lắng, bao nhiêu dự tính khiến có lúc cứ bần thần, bần thần, đêm đất liền mà cứ nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi chuyện ở đảo. Rất may mắn là vợ tôi cũng yêu đảo và hết lòng ủng hộ chồng, con cái, hai bên nội ngoại cũng vậy, cứ nghe đến Trường Sa là coi đó như nhà của mình. Được sự ủng hộ, yêu thương, đồng cảm như vậy nên tôi rất yên tâm công tác, nhiều chuyến tôi ở đảo hơn cả tháng trời”…
Chuyện của Tiến sĩ Chinh khiến tôi không kiềm chế được xúc động, bật lên câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”… Hát - kỳ thực là tôi đang có sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, ý thức rõ hơn, sâu sắc hơn về tình yêu đất nước, tình cảm gắn kết quân dân, nhất là với quân nhân nơi tiền tiêu sóng gió, hiểm nguy. Và cũng là cố giấu cảm giác xấu hổ bởi liên tưởng đến bản thân, tôi tự thấy mình nhỏ bé trước các anh, những tiến sĩ, kỹ sư cùng Quân chủng Hải quân đang đau đáu, vắt mồ hôi, tim óc từng ngày đêm, nỗ lực cho một Trường Sa xanh - sạch - bền vững.