Nếu chưa ra huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), có lẽ mọi người khó hình dung cuộc sống đời thường của quân và dân trên quần đảo này.
Ngoài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác, họ còn tích cực luyện tập thể thao, đọc sách báo, tăng gia sản xuất, vui văn nghệ và đi lễ chùa...
Ngân nga chuông chùa Trường Sa
Rất nhiều người trong đoàn công tác của chúng tôi lần đầu ra Trường Sa cảm thấy bất ngờ khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga trên đảo giữa biển khơi. Bên “Mái chùa che chở hồn dân tộc”, ai cũng nghĩ như mình đang ở đất liền, trào dâng niềm thương mến, tự hào về biển, đảo quê hương. Những ngôi chùa ở Trường Sa không đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo mà còn hiện thân cho những giá trị tâm linh người Việt hằng gìn giữ ở giữa trùng khơi.
Cũng như ở đất liền, các chùa ở Trường Sa đều ẩn mình dưới tán những cây xanh. Có cái khác là cây trong khuôn viên chùa ở đất liền phần lớn là cây đa, cây bồ đề, cây sanh, cây sung... còn ở Trường Sa là cây bàng quả vuông, cây phong ba. Thấu hiểu điều này, trước khi ra Trường Sa, Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trưởng đoàn công tác của chúng tôi đã nhờ người nhân giống cây bồ đề từ Ấn Độ (nơi đức Phật tu hành và đắc đạo) để mang tặng các chùa trên đảo.
Đại đức Thích Quy Nghĩa trụ trì chùa Trường Sa Đông phấn khởi nói: “Cây bồ đề là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên nó còn được gọi là “cây giác ngộ”. Lá bồ đề có hình dạng giống trái tim, tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật dành cho con người. Từ lâu, tôi đã ước trong chùa có cây bồ đề linh thiêng. Nay được đón nhận cây bồ đề này, thật là hạnh phúc”.
Nhớ lại mấy năm trước, tôi may mắn được đi cùng Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, từ xa xưa, người Việt đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tại Việt Nam và trên thế giới còn lưu giữ nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước và bản đồ thể hiện rõ việc này... Ngư dân của chúng ta cũng đã thường xuyên vào tránh, trú bão trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đó, họ đã dựng lên các ngôi miếu thờ Thần, ngôi chùa thờ Phật để cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng. Đây thực sự là những cột mốc tâm linh nơi biển, đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi ghé thăm chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết. Theo giải thích của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu mấy năm trước thì Nam Huyên có ý nghĩa là “mái che tâm hồn con người, che hồn dân tộc Việt Nam”. Chùa Nam Huyên có hệ thống tượng Phật bằng chất liệu đá ngọc quý tạo nên sự bền vững, phù hợp với ngôi chùa ở vùng Biển Đông. Khung chùa được làm bằng các loại gỗ có chất lượng tốt, hệ thống cửa gỗ được thiết kế đẹp mắt và rất chắc chắn. Những viên gạch tại chùa Nam Yết đều in hình Quốc huy, khẳng định chủ quyền dân tộc. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia chủ quyền được xây cách đây nhiều thế kỷ, được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
Tại chùa Nam Huyên, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quang Huy là ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đi đánh bắt hải sản tại ngư trường gần đảo Nam Yết. Anh Huy cho biết, thuyền bị hỏng máy nên các anh đưa vào đảo nhờ bộ đội sửa giúp và tranh thủ đi lễ chùa. “Giữa biển khơi mênh mông, nhìn thấy đảo, thấy ngôi chùa là cảm thấy rất yên tâm”, anh Nguyễn Quang Huy thổ lộ.
Tăng gia và thư giãn
Mấy chục năm trước, đến Trường Sa, chúng tôi luôn trăn trở nỗi lo bộ đội và nhân dân trên đảo thiếu rau xanh, nước ngọt. Đến nay, tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở đây đều đã có khu tăng gia, cơ bản đáp ứng được rau xanh (dù có ít hơn so với đất liền) và nuôi được gà, vịt, lợn... dự trữ đủ lương thực, thực phẩm phòng khi thời tiết bất lợi. Đặc biệt, hầu hết các đảo đã được đầu tư hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển, cùng với hệ thống bể chứa nước mưa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông, cho biết: Thổ nhưỡng ở quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Trường Sa Đông nói riêng chủ yếu là cát mặn, san hô phong hóa nên đất trồng rau hầu như phải vận chuyển từ đất liền ra. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ tận dụng các loại lá cây khô và thức ăn thừa để ủ mục, tạo thành phân hữu cơ bón cho cây. Để hạn chế độ mặn bám phủ, đơn vị cử người tưới rau vào sáng sớm.
Đến đảo Tốc Tan B, chúng tôi gặp Binh nhất Trương Văn Thắng (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Hạ sĩ Nguyễn Nhất Kha (quê ở Xuân Lộc, Đồng Nai) đang chăm sóc những khay rau muống, rau mồng tơi xanh mướt. Binh nhất Thắng bộc bạch: "Sau những giờ huấn luyện nghiêm túc, việc chăm sóc rau cũng là hình thức thư giãn. Chúng cháu thấy cây rau lớn lên hằng ngày, thích lắm bác ạ”.
Quả thật, nhìn những chiếc lá rau mồng tơi to bằng bàn tay người lớn, những quả bầu dài tới nửa mét, những cây đu đủ trĩu quả... giữa đảo xa đầy sóng gió, chúng tôi càng cảm phục những người lính biển.
Đại úy Đinh Tiến Dũng, Chính trị viên cụm đảo Nam Yết, cho biết: Việc trồng rau trên đảo là cả một nghệ thuật bởi nếu không biết cách “chiều rau” thì rau sẽ chết vì nước muối, gió mặn táp vào. Ngay cả nước mưa ngoài đại dương cũng chứa một lượng muối nhất định, khiến cho rau bị táp. Qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, quân dân trên đảo truyền nhau “bí quyết” sử dụng hồ lắng nước mưa (có thể làm bằng thùng phuy, hoặc đào hố lót ni lông). Lâu ngày, trong hồ lắng sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Đây là nguồn nước tưới chủ yếu cho cây, nhất là các loại rau ngắn hạn.
Để tránh gió biển mặn, các vườn rau được quây kín bằng tôn hoặc tường chắn, có mái che cơ động tránh nắng gắt và tránh nước mưa vào gốc cây. Ngoài các vườn rau “chủ lực”, bộ đội và nhân dân trên các đảo còn tận dụng những góc khuất gió và có nắng để trồng các loại rau gia vị...
Khách đến thăm đảo Tốc Tan B rất ngạc nhiên bởi đảo có diện tích khiêm tốn mà “khu tăng gia tập trung” có 2 con lợn mập, đàn gà gần 2 chục con, đàn vịt 11 con và đàn chó 25 con ngày đêm quấn quýt bên các chiến sĩ canh giữ đảo. Đặc biệt, có 2 con cò bay lạc vào đảo được các chiến sĩ chăm sóc, cho ăn hằng ngày, trở nên dạn dĩ với người. Đại úy QNCN Nguyễn Hoàng Kiên là y sĩ trên đảo, thổ lộ: "Không chỉ anh em trên đảo mà các ngư dân qua đây cũng rất yêu thích hai chú cò này. Con cò gắn với cánh đồng lúa Hải Phòng quê em. Chăm sóc cò làm em vơi nỗi nhớ nhà”.
Trước đây, cây xanh trên quần đảo Trường Sa chủ yếu là cây “bản địa” có sẵn, như: Phong ba, bàng quả vuông, mù u... thì nay có thêm rất nhiều loài cây từ đất liền chuyển đến. Đảo nào cũng như công viên giữa biển khơi với rất nhiều loài cây, hoa. Đại úy Đinh Tiến Dũng kể rằng: Việc trồng cây và hoa không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ thư thái sau giờ làm việc, bớt nhớ nhà mà còn là phong trào thi đua giữa các đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ra công tác tại đảo đều trồng từ 5 đến 10 cây. Trong trường hợp đảo đã hết diện tích để trồng thì anh em sẽ chăm sóc cây non gửi tặng các đảo khác.
Đến đảo nào, chúng tôi cũng thấy bộ đội và nhân dân tập thể dục, thể thao với khu luyện tập, dụng cụ khá đầy đủ, nhất là ở những đảo lớn. Cùng với đó, sách, báo luôn là người bạn thân thiết của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo. Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội, vui mừng nhận xét: "Người Trường Sa rất yêu sách, báo”...
(Còn nữa)