ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Vì sao Đảng và Chính phủ ta chấp nhận đàm phán tại hội nghị Geneva năm 1954 ?
Lượt xem: 124
Như đã trở thành một kinh nghiệm về kết hợp giữa đánh và đàm trong lịch sử giữ nước của dân tộc, với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945 - 1954), Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất linh hoạt trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh: biết mở đầu cuộc kháng chiến, biết tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, và biết kết thúc cuộc kháng chiến đúng lúc bằng phương thức đàm phán bởi hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Vì sao đến lúc này Đảng và Chính phủ ta quyết định đàm phán với Pháp để đi đến kết thúc chiến tranh? Trả lời câu hỏi này cần phải có một cái nhìn toàn diện, cả về tương quan lực lượng giữa ta và Pháp vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, về ý nguyện của nhân dân và thiện chí của Chính phủ ta, ý nguyện của nhân dân và thái độ của Chính phủ Pháp sau 9 năm tiến hành cuộc chiến; về ý đồ của Mỹ, Anh là những nước đồng minh của Pháp và thái độ của hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc trong phe xã hội chủ nghĩa.

- Thứ nhất, như Đảng ta đã chỉ ra trong Chỉ thị ra ngày 2/12/1953 là dân tộc Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình. Khi chiến tranh đã xảy ra vẫn “chủ trương chấm dứt cuộc chiến tranh và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam bằng phương sách thương lượng hòa bình”, và cũng vì “chủ trương đó cũng là nguyện vọng chung của nhân dân toàn thế giới và cũng phù hợp với quyền lợi của nhân dân hai nước Việt - Pháp”[1].

- Thứ hai, chúng ta chỉ có thể thương lượng hòa bình khi nào tương quan lực lượng đã mạnh hơn hoặc chí ít cũng ngang ngửa với đối phương. Xét về tương quan lực lượng thì thế ta ngày cành mạnh, thế Pháp ngày càng yếu. Pháp tự thấy đã sa lầy. Tháng 10/1953, khi Thủ tướng Pháp Laniel tuyên bố “Pháp không từ chối thương lượng để đình chiến” thì Quốc hội Pháp chính thức biểu quyết ủng hộ chủ trương của Laniel, nên Chính phủ ta chủ trương giải pháp thương lượng đình chiến vào thời gian này là hợp lý, đáp ứng được ý muốn của cả hai bên Việt - Pháp.

anh tin bai

Thành phố Geneva với lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam (Ảnh tư liệu)

- Thứ ba, lúc này xu thế hòa hoãn trên thế giới đang phát triển, đang chi phối đường lối đối ngoại của nhiều nước, nhất là sau khi mặt trận Triều Tiên ngừng tiếng súng. Liên Xô và Trung Quốc là hai nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam kháng chiến nay cũng muốn Việt Nam đi đến kết thúc chiến tranh bằng giải pháp đàm phán. Chu Ân Lai đã tuyên bố rằng: “Nếu cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, Chính phủ Trung Quốc không thể viện trợ thêm cho Việt Nam được nữa vì điều đó làm Trung Quốc đối lập với nhân dân Đông Nam Á và tạo cho Mỹ khả năng lập một khối quân sự kéo dài từ Ấn Độ Dương đến Inđônêxia. Vì vậy cần phải tìm ra khả năng tiến hành các cuộc thương lượng với nước Pháp”[2].

- Thứ tư, cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng đã trải qua một thời gian dài. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu mở rộng (khóa II) từ ngày 15 - 17/7/1954 nói rõ: “Chúng ta cũng cần nhận rõ do chiến tranh trường kỳ, nhân dân ta phải đóng góp sức người, sức của cũng nặng. Nếu chiến tranh kéo dài thì có thể sinh ra những hiện tượng mệt mỏi và khó khăn của chúng ta có thể nhiều hơn”[3]. Để có được thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự thì không thể chỉ trong một, hai năm, do đó cần phải biết thắng và chấp nhận thắng từng bước bằng biện pháp đàm phán để đạt được những kết quả nhất định bước đầu.

- Thứ năm, việc quyết định chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Geneva của nước ta bấy giờ lại đặt trong thế đã rồi. Khi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương cần thêm thời gian để có những thắng lợi về quân sự to lớn hơn nữa để làm hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao thì từ ngày 25/1 - 18/2/1954, Hội nghị tứ cường gồm Liên Xô - Mỹ - Anh - Pháp đã họp ở Berlin để bàn vấn đề triệu tập Hội nghị Geneva về Triều Tiên và Đông Dương vào tháng 5/1954, có sự tham dự của Trung Quốc. Nếu lúc này Chính phủ ta vẫn còn chờ đợi thêm thời gian mà không nhận lời tham dự Hội nghị Geneva thì sẽ bị đứng ra bên ngoài. Khi đó, việc thiếu tiếng nói của phái đoàn ta tại Hội nghị chắc chắn sẽ là một thiệt thòi lớn cho nước ta. Ngày 13/3/1954, ta mở đầu đợt tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sau đó, với đà thắng lợi, quân ta liên tiếp mở các đợt tấn công thứ hai rồi thứ ba để đập tan cứ điểm này, tạo thế hậu thuẫn cho tiếng nói của phái đoàn ta tại Hội nghị Geneva.

anh tin bai

Phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị (Ảnh tư liệu)

- Thứ sáu, nếu ta không chịu tham gia vào Hội nghị Geneva, ngoài việc bị thiệt thòi về kết quả của Hội nghị lại còn bị các nước đế quốc nhân đó vu cáo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn kéo dài chiến tranh, chỉ chúng mới muốn hòa bình. Và còn một lý do nữa, nếu chúng ta vẫn kiên quyết đánh tiếp thì có thể giải phóng thêm được một phần đất đai nhưng đế quốc Mỹ sẽ lập tức lấy cớ nhảy ngay vào Việt Nam cứu nguy cho quân Pháp vì Mỹ đã có sẵn kế hoạch chiếm lấy Đông Dương. Như thế sẽ là khó khăn gấp bội cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Như trong Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu mở rộng (khóa II) đã lưu ý phải tránh tư tưởng tả khuynh: “Có thể có đồng chí chỉ nhìn thấy khả năng chiến tranh kéo dài và mở rộng; không nhìn thấy trường hợp đạt được đình chiến nhưng không đạt được hòa bình vững chắc”[4]. Chính vì vậy, tuy kết quả thắng lợi của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ chưa phát huy được đúng mức tại Hội nghị Geneva như việc định giới tuyến quân sự tạm thời không đạt yêu cầu tối thiểu là vĩ tuyến 16 và việc tổng tuyển cử không phải chỉ sau 1 năm mà là 2 năm, do quá trình Hội nghị các nước lớn đã có sự mặc cả, dàn xếp với nhau, và do tại Hội nghị phe Pháp có đến 6 thành viên (Pháp, Anh, Mỹ, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia), phía ta chỉ có 3 (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô và Trung Quốc) nhưng hai nước này lại có những tính toán chiến lược vì lợi ích của họ; và tuy sau 9 năm kháng chiến, những thắng lợi của ta về quân sự và các mặt khác đã đánh dấu một bước tiến rất lớn, làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta, nhưng “chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”[5] để hậu thuẫn mạnh mẽ, có tính quyết định hơn cho tiếng nói của Chính phủ ta tại Hội nghị Geneva. Tuy nhiên, ta đã đạt được yêu cầu cơ bản là: chấm dứt được cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương; các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thắng lợi của bản Hiệp định này tạo những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới và đã đặt những cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ về sau.

Văn Minh


 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.14, tr 520 – 521.

[2] M. S. Kapitsa: Hai chục năm – hai chính sách. Mátxccơva, 1969. Dẫn theo Nguyễn Anh Thái. Bài in trong sách : Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr 286.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, , tr 224.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr 180.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr 223.

Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
tác giả: Văn Minh
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập