ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng
Lượt xem: 150
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; xác định kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo; công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2024), Trang Thông tin điện tử UBKT Trung ương có bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng” khái quát sự cần thiết và vai trò của UBKT và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng qua các thời kỳ cách mạng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
anh tin bai

Các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương và nguyên Thành viên UBKT Trung ương qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”1. Người chỉ rõ: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”2. Theo Người: Khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, nghị quyết đã được thông qua thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Điều cốt yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các nghị quyết, chỉ thị sang việc lựa chọn người lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện. Đó là vấn đề then chốt đối với đảng cầm quyền: Tìm người, kiểm tra công việc - tất cả là ở đó. Sự đúng đắn, chính xác của các quyết định của Đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó công tác kiểm tra, giám sát là yếu tố rất quan trọng. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” không ăn khớp gì hết. Song: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” và Người đã nhắc nhở: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của mỗi cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”3.

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29/7/1964, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Người coi kiểm tra, giám sát như một phương tiện, một liều thuốc đặc hiệu chống lại căn bệnh: “Nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” và bệnh tham nhũng, quan liêu, giấy tờ…

Về kỷ luật của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt”, nghĩa là nghiêm túc và tự giác, ai ai cũng phải phục tùng kỷ luật và chịu các hình thức kỷ luật nếu có khuyết điểm, sai lầm. Tuy nhiên khi thi hành kỷ luật, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng sâu sắc. Người chỉ rõ người đời ai cũng có khuyết điểm, nhưng chúng ta không sợ sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu khó cố gắng sửa chữa và cũng chỉ sợ người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Mọi vi phạm kỷ luật đảng đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng, không có “vùng cấm”, không được che đậy, thiên lệch, nể nang. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nơi nào sai lầm, ai sai lầm thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu. Chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”4. Kỷ luật đảng phải được thi hành từ trên xuống dưới, mọi người đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Thưởng phạt phải nghiêm minh, chớ vì ưa mà thưởng, ghét mà phạt. Người còn chỉ rõ: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”5.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ ngày thành lập đã xác định rõ vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong bản “Điều lệ vắn tắt của Đảng” tại Hội nghị thành lập Đảng (2/1930), Mục V đã ghi rõ: “Điều tra các việc”6; và Mục IX, Điểm c đã ghi: “Cách xử phạt người có lỗi trong Đảng do Hội chấp hành ủy viên trong cấp đảng hay đại biểu đại hội định”7. Điều lệ Đảng chính thức được thông qua vào tháng 10/1930 đã quy định: Trách nhiệm của đảng viên và cán bộ là giữ gìn kỷ luật đảng một cách nghiêm khắc. Tất cả đảng viên đều phải chấp hành các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, của Đảng đại hội, của Trung ương và của thượng cấp cơ quan… Đối với vấn đề phạm kỷ luật thì do toàn bộ chi bộ hoặc cấp đảng bộ tra xét. Các cấp ủy viên có thể đặt ra đặc biệt ủy viên để tra xét những vấn đề vi phạm kỷ luật đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ I (10/1935) đã khẳng định: “Cần giữ kỷ luật sắt cho Đảng, những phần tử đi trái đường chính trị chung của Đảng, của Quốc tế Cộng sản mà không chịu sửa lỗi, những kẻ không phục tùng nghị quyết, Điều lệ, phá hoại kỷ luật của Đảng thì nhất thiết phải khai trừ…”8; và quy định hình thức kỷ luật trong Đảng là: “a) Đối với đảng bộ: phê bình, giải tán; b) Đối với cá nhân: chỉ trích, cảnh cáo, tạm thời đình chỉ công tác phụ trách, khai trừ tạm thời hay khai trừ vĩnh viễn…”9

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và xuất phát từ: “Phong trào mỗi ngày một tiến lên nên công việc của Đảng mỗi ngày một phức tạp. Mỗi việc của Đảng cần phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ”10, nên ngày 16/10/1948, Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập - đánh dấu sự ra đời và phát triển Ngành Kiểm tra Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II (2/1951), Đảng ta đã khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật rất nghiêm, kỷ luật sắt. Kỷ luật ấy là một đặc điểm của Đảng…”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã nêu rõ: “Phải tăng cường kiểm tra và giám sát của Đảng đối với cán bộ và cơ quan Nhà nước, giữ gìn kỷ luật nghiêm minh, xử lý thích đáng đối với những phần tử quan liêu gây tác hại nghiêm trọng cho Đảng và Nhà nước” và nhấn mạnh: “Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì lãnh đạo sẽ trở thành quan liêu”11.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) đã yêu cầu phải: “Tổ chức chu đáo, thường xuyên và có hệ thống công tác kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách, ngăn ngừa xảy ra sai lầm, ngăn ngừa các vụ vi phạm nguyên tắc. Không kiểm tra coi như không lãnh đạo”12.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982) đã nêu rõ: “Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, nhất là trong hoàn cảnh Đảng lãnh đạo chính quyền… Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”13.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) tiếp tục khẳng định các quan điểm về kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng mà Đại hội V đã chỉ ra, đồng thời nhấn mạnh: “Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện. Đó cũng là biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu. Mọi tổ chức, từ cơ quan đảng, nhà nước đến đoàn thể quần chúng, mọi lĩnh vực hoạt động từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không có ngoại lệ, đều phải đặt dưới sự kiểm tra của tổ chức đảng có thẩm quyền. Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng phải nắm chắc công tác kiểm tra, sử dụng kết quả kiểm tra vào việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết. Mỗi cấp ủy, trong từng thời gian, đều phải có chương trình kiểm tra, tập trung vào những công tác chủ yếu, những đơn vị trọng điểm, sử dụng và phát huy vai trò của ủy ban kiểm tra và các ban của Đảng, kết hợp chặt chẽ kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước và kiểm tra của quần chúng; kiểm tra phải đi tới kết luận rõ ràng và xử lý đúng đắn”14.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991) diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, nhất là bối cảnh quốc tế, những thời cơ và thách thức lớn đan xen vào nhau. Đảng đứng trước hai tình huống: Tiếp tục giữ vững vị thế của đảng cầm quyền; hoặc là biến chất, đổi màu, mất quyền lãnh đạo như các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Trong bối cảnh đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã yêu cầu: “Tổ chức tốt việc kiểm tra các quyết định của Đảng… Tăng quyền hạn của ủy ban kiểm tra các cấp, chú trọng kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kiểm tra tư cách đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, xem xét và xử lý kỷ luật đảng viên và các tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng”15.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (7/1996) tiếp tục khẳng định: “Công tác kiểm tra có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra và giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng… Các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy đảng, Bộ Chính trị và các ban thường vụ cấp ủy, cần tự mình tiến hành kiểm tra và sử dụng các ban để tổ chức thường xuyên việc kiểm tra… Củng cố kiện toàn bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm tra về đường lối, quan điểm, pháp luật, kinh tế, về nghiệp vụ và phong cách làm việc. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có phẩm chất chính trị tốt, công tâm, trong sạch, đủ năng lực, kể cả năng lực kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng”16. Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ra Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14/02/1998 về “tăng cường công tác kiểm tra của Đảng”, đã đặc biệt nhấn mạnh: Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) nhấn mạnh phải: “Tăng cường công tác kiểm tra của các cấp ủy, của ủy ban kiểm tra các cấp, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; củng cố đoàn kết nội bộ, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên”17.

Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”18; về kỷ luật, quy định rõ: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời”19 và nhấn mạnh: “Xử lý nghiêm minh theo pháp luật và Điều lệ Đảng những cán bộ, đảng viên, công chức ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng”20.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006) trên cơ sở tổng kết và nghiên cứu lý luận đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ “giám sát” của các tổ chức đảng vào Điều lệ Đảng và khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”. Đây là một bước tiến về nghiên cứu lý luận về khoa học, tạo cơ sở vững chắc, căn cứ pháp lý để các tổ chức đảng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Ngày 17/5/2010 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 72-KL/TW về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020” để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (01/2011) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng do Đại hội X đề ra, đồng thời nhấn mạnh việc “đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát”. Văn kiện Đại hội chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng” và nhấn mạnh cần tập trung kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực, đối tượng, nội dung cụ thể. Đồng thời, yêu cầu “Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (01/2016) đã chỉ rõ: Công tác kiểm tra, giám sát có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong một số tổ chức đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng; phát hiện những sơ hở, những nội dung không còn phù hợp trong các văn bản của Đảng và Nhà nước để kiến nghị và bổ sung, sửa hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (01/2021) khẳng định: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Ngày 18/4/2022, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời với việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khoá X.

Tóm lại, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là một tất yếu, là nhu cầu không thể thiếu đối với hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên, là chức năng lãnh đạo, đồng thời là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, biện pháp hiệu nghiệm chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật đảng và công tác kiểm tra, giám sát có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng.

 

Tài liệu tham khảo:

(1),  (2), (4), (5)  Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tập 5, tr 520, 267,284.

(3)  Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tập 11, tr 300.

(6), (7)  Văn kiện Đảng toàn tập (1930), NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998, tập 2, Tr 8, 9.

(8), (9) Văn kiện Đảng toàn tập (1935), NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, Tr 25, 129.

(10)  Những sự kiện lịch sử Đảng 1945 - 1954, NXb Sự thật, Hà Nội 1979, Tr 148.

(11)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, NXb Sự thật, Hà Nội 1960, Tr 50 và 87.

(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, NXb Sự thật, Hà Nội 1977, Tr 192 và 193.

(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, NXb Sự thật, Hà Nội 1982, tập III,  Tr 122 và 123.

(14)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXb Sự thật, Hà Nội 1987, Tr 137-138.

(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXb Sự thật, Hà Nội 1991, Tr 81.

(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXb Chính trị Quốc gia, H.1996, Tr 138, 150 -151.

(17), (18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXb Chính trị Quốc gia, H.2001, Tr 146, 50-51.

(19), (20) Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng, UBKT Trung ương, H.2001, Tr 27, 29.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.

Đề tài KHBĐ (2014)-03 Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng qua 30 năm đổi mới; thực trạng và giải pháp.

Nguồn bài viết: ubkttw.vn
Tác giả: Thượng tá Nguyễn Thị Cẩm Huyền, Kiểm tra viên cao cấp, Phòng 2-X06, Bộ Công an ​
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập