ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục Việt Nam
Lượt xem: 33
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền giáo dục Việt Nam phát triển và không ngừng đổi mới, góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc Giáo dục thời Pháp thuộc

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”1 và “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”2. Khẳng định về vai trò của giáo dục, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”3.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới chính sách cai trị tàn bạo và chính sách ngu dân thâm độc của thực dân Pháp, đại đa số nhân dân Việt Nam sống trong trình trạng mù chữ, không hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các quyền tự do, dân chủ mà con người được hưởng. Thực dân Pháp tìm mọi cách bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, làm cho người dân “phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì … không có quyền tự do học tập”4, “Báo tiếng Việt không được xuất bản”5, chỉ có những sách báo tuyên truyền cho văn hóa phương Tây, chính sách hợp tác và chủ trương Pháp - Việt đề huề cùng với “những bài phỉnh nịnh các quan trên có thế lực ở thuộc địa”mới được phép lưu hành. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp là “Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất”7, bởi theo thực dân Pháp thì việc “… truyền học vấn … hoặc cho phép … có học vấn, tức là một mặt cung cấp … những súng bắn nhanh để chống chúng…”8.

Thực dân Pháp ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình xã hội và hệ thống làng xã thông qua hàng loạt nghị định về cải lương hương chính ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ nhằm viên chức hóa và tân học hóa tầng lớp kỳ hào, chức dịch; hủy bỏ Hán học vì Hán học có thể đưa vào An Nam những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng dùng thủ đoạn thực thi chính sách ngu dân để thống trị. Đến năm 1919 thì bãi bỏ các kỳ thi Nho học. Bên cạnh đó, thực dân Pháp dùng rượu cồn và thuốc phiện để đầu độc người dân trong vòng tăm tối.

Đến năm 1921, “có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học”9. “Mỗi năm chính quyền Pháp ở thuộc địa đã bán cho dân An Nam gồm 20 triệu người, trên 400 triệu đôla thuốc phiện … cứ 1.000 ty bán rượu và thuốc phiện thì không có được lấy 10 trường học”10.

Trong bài viết “Hãy yêu mến nước Pháp và người bảo hộ của anh” viết trên báo Le Libertaire, ngày 7 đến ngày 14/10/1921, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp hàng năm thu về từ rượu cồn và thuốc phiện “được trên 21.000.000 đồng bạc Đông Dương, tức là hơn 139.000.000 phrăng bằng cách bán các chất độc này”, song thực dân Pháp chỉ chi cho giáo dục trong một năm là “172.000 đồng bạc Đông Dương”11.

anh tin bai

Một lớp học thời Pháp thuộc (Ảnh tư liệu)

Chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam trở thành “chế độ độc tài chuyên chế nhất, nó vô cùng khả ố và khủng khiếp hơn cả chế độ chuyên chế của nhà nước quân chủ châu Á đời xưa”12 và nó đang tìm cách “duy trì mãi mãi dân bản xứ trong tình trạng hèn yếu cả về thể lực lẫn trí tuệ để chặn đứng mọi mong muốn được sống tự do và độc lập”13. Do đó, “đến năm 1913, cả nước Việt Nam mới chỉ có 10 vạn học sinh trong tổng số dân cư 20 triệu người. Từ năm 1923-1930, số lượng học sinh tăng từ 187.000 người lên 434.335 người bao gồm học sinh vỡ lòng đến trung học tại trường công và tư; tổng số sinh viên cao đẳng là 436 người. Năm 1930, toàn bộ các trường có 12.000 giáo viên. Năm học 1931-1932, Đông Dương có 311 sinh viên”14. Tỷ lệ trẻ em đi học chiếm 70-80% số người trong độ tuổi đi học15.

Trong một bản báo cáo về tình hình Đông Dương, tướng Penơcanh viết rằng, trong 50 năm chiếm đóng ở Nam Kỳ và 25 năm chiếm đóng ở Bắc Kỳ, những trường học Pháp không đào tạo lấy được một người An Nam thật sự có học thức. Chúng ta chỉ cần dạy tiếng Pháp cho người An Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán chút ít thôi; biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích.

Nhưng ngay cả nền giáo dục sơ đẳng ấy cũng chỉ được phổ cập một cách quá bủn xỉn và nhỏ giọt. Trường học rõ ràng là còn thiếu nhiều, giáo viên thì chưa đủ tư cách để giảng dạy. Cao Miên có 2.000.000 dân mà chỉ có 60 trường học. Ở Trung Kỳ chỉ có 118 trường cho 6.000.000 dân. Trường học lập ra không phải để giáo dục cho thanh niên An Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ, mà trái lại càng làm cho họ đần độn thêm. Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tuỳ phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình. Nó làm cho thanh thiếu niên trở nên ngu ngốc16. Bên cạnh đó, Pháp còn đẩy mạnh tuyên truyền ca ngợi chính sách “khai hóa” của nhà nước “bảo hộ”, du nhập văn hóa đồi trụy, khuyến khích những tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút... Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại”17.

Cách mạng tháng Tám và nền giáo dục mới

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp, trong đó có vấn đề về giáo dục. Người nêu: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. (…) Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.

Chính sách “Ngu dân” thâm độc được thực dân Pháp thực hiện trong suốt thời gian chúng xâm lược và đô hộ nước ta. Chúng đầu độc dân ta bằng rượu và thuốc phiện, đồng thời hạn chế các hoạt động giáo dục. Âm mưu đồng hóa dân ta, thực dân Pháp tìm cách phủ nhận văn hóa truyền thống; về mặt giáo dục, chúng loại bỏ chữ Hán và chữ Nôm ra khỏi chương trình dạy học và thay thế bằng chữ Pháp, còn chữ viết thì dùng chữ quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi xây dựng nền giáo dục ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, người Pháp có ba mục đích. Thứ nhất và quan trọng nhất là nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị, khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Thứ hai là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. Thứ ba là để mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba để đối phó nên hệ thống giáo dục phổ thông Pháp - Việt do Pháp thiết lập rất nhỏ, vì nó chỉ nhằm đào tạo một số người đáp ứng mục tiêu cai trị của người Pháp.

anh tin bai

Một lớp bình dân học vụ sau năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp tiêu diệt giặc dốt là nhiệm vụ thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Ngày 08/9/1945, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ. Trong bài Chống nạn thất học đăng trên Báo Cứu quốc ngày 04/10/1945, Người nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Chỉ trong một năm (từ tháng 9/1945 đến 8/1946), phong trào bình dân học vụ đã giúp hơn 2,5 triệu người biết chữ.

Thời kỳ kháng chiến, công tác giáo dục tiếp tục duy trì với việc mở lại trường cũ, xây mới trường học các cấp, chú trọng đào tạo giáo viên… Trong giai đoạn 1945-1954, số trường học, học sinh, giáo viên đều tăng nhanh. Năm học 1945-1946, cả nước chỉ có 3.500 giáo viên tiểu học, 95 giáo viên trung học thì đến năm 1950 đã có 10.500 giáo viên tiểu học, 584 giáo viên cấp II và 31 giáo viên cấp III18. Đến giữa năm 1950, cả nước có gần 12,2 triệu người biết chữ; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Đến năm học 1975-1976, năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, số trường đại học tăng 19,5 lần, trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 29,1 lần, số sinh viên tăng 50,9 lần so với năm học 1955-1956…

Những thành tựu nổi bật của giáo dục Việt Nam

Cho đến nay, nền giáo dục nước ta đã thực hiện nhiều cuộc cải cách. Cuộc cải cách giáo dục đầu tiên vào năm 1950, chuyển cấp “trung học chuyên khoa” học 3 năm chuyên ban thành “phổ thông cấp III” không chuyên ban. Cuộc cải cách thứ hai vào năm 1956, sáp nhập hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm và 12 năm đang tồn tại song song ở miền Bắc thành hệ thống giáo dục mới 10 năm. Đến đầu năm 1979, thống nhất hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông mới 12 năm. Cuộc cải cách gần đây nhất vào năm 2013, được đánh giá có tính toàn diện, triệt để bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, trên tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay tiếp tục có nhiều thành tựu nổi bật. Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (2010-2020), số trường mầm non tăng hơn 2.600 trường. Mỗi xã, phường đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Số trẻ đến trường tăng hơn 1,5 triệu em so với năm học 2010-2011. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Ở cấp tiểu học, 63/63 tỉnh, thành đều đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 4 địa phương đạt mức độ 3. Cả 63/63 tỉnh, thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1, một số địa phương đạt cấp độ 2 và 319. Trong năm học 2020-2021, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non, hơn 8,8 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,9 triệu học sinh THCS, hơn 2,7 triệu học sinh THPT; 593.808 phòng học (tăng 3.504 phòng so với năm học trước, trong đó phòng học kiên cố chiếm 70,5%). Ở bậc THPT, cả nước có 2.543 trường, 59.686 lớp (tăng 144 trường, trong đó có 45,33% số trường đạt chuẩn quốc gia và 40,22% số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục); có 135.875 giáo viên (trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,78%, tăng 2,8% so với năm học trước).

 

anh tin bai

Một lớp học bậc học tiểu học trong nền giáo dục Viêt Nam hôm nay

Chất lượng giáo dục Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, giáo dục Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới. Trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15 (PISA), học sinh Việt Nam đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế đều đạt thứ hạng cao. Tại kỳ thi lần thứ 60 (năm 2019), với 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng, Đoàn học sinh Việt Nam nằm ở tốp đầu tại kỳ thi Olympic Toán học và khoa học quốc tế. Với thành tích đó, Việt Nam được xếp tăng 13 bậc so với kỳ thi lần thứ 59 (năm 2018).

Với bậc đại học của Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Có 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, năm 2018, hai đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lọt vào danh sách 1.000 trường hàng đầu thế giới do Tổ chức Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh) đánh giá. Bên cạnh đó, giáo dục Việt Nam còn có bước đột phá khi nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Việt Nam cũng được xếp hạng đứng thứ 49 thế giới về số lượng bài báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín. Ở bậc đại học, cả nước hiện có 172 trường công lập, 65 trường ngoài công lập, với gần 1,7 triệu sinh viên.

Những thành tựu đạt được về giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 40% thì đến năm 2020 đã tăng lên 64%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,5%. Đánh giá về ngành giáo dục đào tạo, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục ngày 31-10-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định: “Chúng ta đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và ngành giáo dục đào tạo đã có tiến bộ toàn diện, nhiều mặt, rõ ràng và vững chắc”.

Hai năm 2020 và 2021 cả nước phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19, cũng là 2 năm đánh dấu bước chuyển đổi linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, các cấp bậc học (trừ mầm non) đã lần đầu tiên chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến qua internet và truyền hình, được triển khai trên quy mô cả nước. Báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29-9-2020, đánh giá: “Việc học trực tuyến để phòng chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Đây là nhận định xác đáng khi Việt Nam có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong những năm qua, Đại hội XIII (2021) của Đảng đã đề ra định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó có một số điểm nổi bật như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây. Chủ trương coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Đồng thời, giáo dục Việt Nam còn hướng đến sự phát triển đột phá và nâng cao chất lượng: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”…

 

__________________________

Chú thích

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T.4, tr.7

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T.10, tr.345

Hồ Chí Minh: Toàn tậpNxb CTQG-ST, H, 2011, T.11, tr.528

4, 6, 8, 9, 10, 11, 16, 17 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T.1, tr.35, 19, 11, 38, 230, 68, 424, 28

5, 7 Hồ Chí Minh:Toàn tậpNxb CTQG-ST, H, 2011, T.2, tr.106, 109

12 Phan Văn Trường, bài đăng trên tờ La Cloche Fêlée, số 36.

13 Phan Văn Trường: Une histoire des conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur I'Indochine (Một thiên lịch sử về những người An Nam mưu loạn ở Pari hay sự thật về Đông Dương), Sài Gòn, 1928, tr.62

14 Theo Trịnh Văn Thảo: L'école Francaise (Trường học ở Đông Dương thuộc Pháp), Karthata, Paris, 1995, p.137

15 Nguyễn Văn Khánh: Việt Nam 1919-1930: Thời kỳ tìm tòi và định hướng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 2007, tr.57

18 Trần Hồng Quân: “50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 - 1995)”, Nxb Giáo dục, H, 1995, tr.310

19 Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo được quy định tại Điều 16 Nghị định 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
Tác giả: Duy Tiến
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập