63 năm trôi qua (23/10/1961 - 23/10/2024), nhưng dấu ấn về con đường năm ấy, vẫn là minh chứng cho biểu tượng của sức mạnh ý chí, tinh thần thép của một thế hệ đã từng vượt qua gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm lập nên kỳ tích về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số năm xưa đã trở thành niềm tự hào, động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân tiếp bước trên con đường bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển
Trong bối cảnh đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn thử thách; song những hành động khủng bố đó không thể dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam.
Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đảng ta dự kiến:“Cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ... Đảng phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình thế”[1]
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ đây, con đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Với ý chí quyết tâm cao, không màng tới sự hy sinh, gian khổ, những cán bộ, thủy thủ Đoàn 759 đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua sóng gió, qua sự kiềm tỏa của địch, để vận chuyển người, vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam.
Chỉ tính từ chuyến đi đầu tiên (10/1962) cho tới tháng 02/1965, Đoàn 759 đã sử dụng tất cả 3 tàu gỗ, 17 tàu sắt, tổ chức 88 chuyến đi, vận chuyển được 4.719 tấn hàng hóa cho chiến trường, bao gồm súng đạn, thuốc men và các trang bị quân sự khác. Tàu của Đoàn đã cập bến Bạc Liêu (Cà Mau) 45 lần, bến Bến Tre 23 lần, bến Trà Vinh 12 lần, bến Bà Rịa 3 lần, bến Phú Yên 4 lần (kể cả lần của tàu 143) và bến Bình Định 01 lần.
Tàu 69 Đoàn 759 ngụy trang thành tàu đánh cá nước ngoài để vận chuyển vũ khí chi viện
chiến trường miền Nam, năm 1966 (Ảnh tư liệu)
88 chuyến đi là 88 câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, về đức hy sinh, về sự tài trí, là 88 câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ xông pha nơi nguy hiểm. 88 chuyến đi là 88 lần vượt qua sóng to gió cả, xuyên qua hàng rào ngăn chặn của tàu chiến, máy bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ và hàng rào tàu chiến, máy bay, ra đa của hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Mỗi chuyến đi là một chiến công. 88 chuyến đi là 88 chiến công, là 88 huyền thoại xâu chuỗi để thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. 88 chuyến đi cũng là 88 sự tích anh hùng, đã và sẽ lưu truyền mãi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chất chứa trong từng cân hàng, từng khẩu súng là máu xương, là sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ “đoàn tàu không số”, trong đó, có rất nhiều cán bộ chiến sỹ, những người con của đất nước đã mãi nằm lại biển xanh để bảo vệ sự bí mật của con đường.
Nhân tố quyết định làm nên kỳ tích
Những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển là tổng hợp sức mạnh của nhiều nhân tố, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của thế trận chiến tranh nhân dân; song, trước hết là chiến thắng của việc phát huy cao độ nhân tố con người với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có của cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số.
Không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể thực hiện được nhiệm vụ gian khó đặt ra, nhất là trong buổi đầu hình thành lực lượng vận tải quân sự đường biển, cùng với việc tập luyện khả năng chịu đựng sóng gió, tập lấy phương hướng theo sao trời, theo địa hình, chuẩn bị phương tiện, bến bãi,là công tác bồi dưỡng chính trị, nâng cao giác ngộ, lập trường giai cấp, ý thức căm thù địch cho cán bộ, chiến sĩ, từ đó xây dựng tinh thần dũng cảm, hy sinh, chịu đựng gian khổ.
Bởi vậy, dù trên những con tàu nhỏ, trang thiết bị hạn chế, đối mặt với sóng to, gió lớn, với sự ngăn chặn gắt gao của quân thù; nhưng không khó khăn nào có thể ngăn cản được quyết tâm của cán bộ, thủy thủ “Đoàn tàu không số”. Với lòng dũng cảm, trí thông minh, tinh thần hy sinh cao cả và tấm lòng “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hầu hết những chuyến đi ở giai đoạn này đều thắng lợi. Tuy nhiên để thấy được tính chất gian khổ và tinh thần sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ bí mật của tuyến đường phải kể đến tàu 41 với chuyến đi mở đường, mở bến chi viện vũ khí cho Khu 7 vào Bà Rịa và tấm gương sáng của đồng chí Đặng Văn Thanh, Chính trị viên cùng đồng chí Huỳnh Văn Sao, Thợ máy, khi tàu mắc cạn, được yêu cầu phải cho nổ tàu để giữ bí mật vẫn quyết tâm ở lại tàu đến cùng,với lòng dũng cảm, sự bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt đã bảo vệ an toàn cho tàu, hàng hóa và mở bến thành công.
Năm 1964, khi tàu 401 bị hỏng nặng buộc phải đốt cháy để xóa dấu vết trong nhiệm vụ mở đường vào Khu 5 ở bến Lộ Giao và tàu 41 một lần nữa trở thành chiếc tàu sắt đầu tiên của Đoàn 125 đi vào Khu 5 tại bến Vũng Rô, thuộc huyện Tuy Hoà; chỉ trong thời gian ngắn tàu đã đi liền 3 chuyến, kịp thời bổ sung vũ khí cho các lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1964-1965.
Nhiều thuyền trưởng, nhiều chính trị viên, nhiều thuỷ thủ đi rồi về, rồi lại đi. Tất cả đều quên mình vì nhiệm vụ. Trong những tập thể kiên cường, dũng cảm đó, nhiều thuyền trưởng, nhiều chính trị viên đã có những cống hiến xuất sắc, điều khiển con tàu đi đúng hành trình, độc lập sáng tạo trong chỉ huy, đã xử lý khôn khéo, táo bạo, đầy trách nhiệm nhiều tình huống bất ngờ để giành thắng lợi ở từng chuyến đi.
Tàu vận tải Đoàn 759 bốc xếp hàng hóa, chuẩn bị lên đường chi viện chiến trường miền Nam, tháng 11/1968 (Ảnh tư liệu)
Những con người can trường trong đội ngũ cán bộ, thủy thủ của “Đoàn tàu không số” lúc đầu phần lớn quê ở các địa phương miền Nam tập kết ra Bắc, một số vốn quen với nghề đi biển, chịu đựng được sóng gió, điều khiển tàu chủ yếu bằng kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ, sự phát triển quy mô vận chuyển, nên trong thành phần đội ngũ sĩ quan, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật của đoàn vận tải sau này hầu hết được đào tạo cơ bản, là những đảng viên, đoàn viên, vừa có tri thức, sức khỏe, có khả năng chịu đựng gian khổ, bản lĩnh cách mạng kiên cường, vừa có quyết tâm cao, kinh nghiệm dày dạn. Đây chính là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường miền Bắc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng đảm đương nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó.
Trên những chuyến tàu vượt biển vào miền Nam, nhiều cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, chính trị viên, thuyền phó đã xử trí tài tình, mưu trí, điều khiển con tàu giữ vững hành trình vào Nam, đối phó linh hoạt với các tình huống xảy ra. Có thể kể ra những cán bộ, như: Hồ Đắc Thạnh, Nguyễn Văn Cứng, Lê Văn Thêm, Đinh Đạt, Phạm Vạn, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Ẩn... Đó là những tấm gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trình độ hàng hải vững vàng, điều khiển những con tàu vượt qua các bãi đá ngầm, sóng gió hiểm nguy và nhất là sự phong tỏa ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, đưa nhiều chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn. Khi gặp địch bao vây bốn phía, cán bộ và chiến sĩ trên tàu đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh giữa biển cả mênh mông để giữ bí mật con đường, như các đồng chí: Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu...
Suốt 15 năm ròng rã (1961-1975), thực hiện vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện miền Nam, cán bộ, chiến sĩ hải quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tạo dựng nên một con đường huyền thoại trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Những chiếc tàu của Đoàn 759 như những cái bóng, âm thầm, lặng lẽ rời bến rồi lại cập bến. Những chuyến đi đầy khó khăn gian khổ và căng thẳng. Không chỉ đấu trí với kẻ thù mà phải vượt qua sóng gió, vượt qua thử thách của thiên nhiên. Nhưng trên tất cả là phải thắng chính mình. Thiếu thốn, nhọc nhằn, những sự cố trên đường, những lần gặp địch, những lúc lạc bến, những ngày thả trôi, đói, khát, say sóng, mưa, nắng... đều diễn ra trong mỗi chuyến đi. Ra đi là xác định cảm tử, xác định hy sinh, nhưng những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 không hề nản chí. Mỗi chuyến đi là một dấu ấn làm đẹp thêm trang sử của Đoàn.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr. 85.