ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Đồng chí Võ Nguyên Giáp với công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Lượt xem: 35
Đồng chí Võ Nguyên Giáp, "người anh Cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có lẽ là người lĩnh hội và thực hiện xuất sắc quan điểm của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh về công tác đảng, chính trị trong lực lượng vũ trang, ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám và đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp

Công tác đảng, công tác chính trị được coi trọng ngay từ đầu, tạo nên sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng

Cuối năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ lập kế hoạch tập hợp những cán bộ chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong Hồi ký về sự kiện lịch sử này: “Tối hôm đó, Bác hướng dẫn cho tôi làm bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.

Ngày 21/12/1944, Võ Nguyên Giáp nhận được bức thư nhỏ của Hồ Chí Minh đựng trong một bao thuốc lá – Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Chi bộ Đảng của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập lúc đầu gồm các Võ Nguyên Giáp, Xích Thắng, Hoàng Sâm và Hoàng Văn Thái, do Xích Thắng làm Bí thư chi bộ. Ban Chỉ huy đội được chỉ định: Hoàng Sâm, đội trưởng; Xích Thắng, chính trị viên.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, “Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã rất hoàn chỉnh: Đội có chi bộ Đảng; bên cạnh đội trưởng có chính trị viên. Sau hai trận đầu thắng lợi (Phai Khắt và Nà Ngần), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành đại đội gồm có ba trung đội, mỗi trung đội có trung đội trưởng và chính trị viên trung đội. Lập Ban công tác chính trị do chính trị viên đại đội phụ trách, có ba chính trị viên trung đội và một đội viên có năng lực chính trị tham gia. Như vậy, ở Việt Nam có quân đội công nông là có sự lãnh đạo của Đảng, có hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị.”[1]

anh tin bai

Thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 (Ảnh tư liệu dựng lại)

 

Trong những ngày đầu ra đời Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp cho rằng, trong việc xây dựng bộ đội, công tác chính trị được coi là linh hồn của quân đội cách mạng. Từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự đều có một chính trị viên là người chăm lo về tinh thần cho bộ đội. Trước mỗi trận đánh, chính trị viên họp đơn vị để làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần. Khi gặp bước hiểm nghèo, khó khăn, chính trị viên thuật lại những gương quyết tử, động viên mọi người làm đúng nhiệm vụ của mình và tự mình đứng ra làm gương. Sau mỗi trận đánh sẽ tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khen thưởng, kỷ luật, nuôi dưỡng nhuệ khí cho bộ đội: thắng không kiêu, bại không nản. Chính trị viên là người giáo dục đoàn kết trong đơn vị, người khá có trách nhiệm dìu dắt người kém; các chiến sĩ thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Chính trị viên là người có trách nhiệm duy trì, thực hiện các chính sách dân vận, địch vận. Họ làm cho công tác chính trị trở thành công tác quần chúng, huy động mọi người cùng tham gia và tham gia không ngừng trong mọi trường hợp.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức và hoạt động theo tinh thần ấy.

Bí thư Trung ương Quân ủy, cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội

Sau Cách mạng tháng Tám, tháng 11/1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên là Vệ quốc đoàn (hay còn gọi là Vệ quốc quân), có quân số lên tới 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội trên các tỉnh thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và một số chi bộ hành quân Nam tiến. Tất cả các đơn vị Vệ quốc đoàn đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức của Đảng trong quân đội, các chi bộ và những cán bộ là đảng viên giữ những vai trò quan trọng.

Tháng 01/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng thành lập Trung ương Quân ủy để giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp nắm chắc hoạt động của lực lượng vũ trang; đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư. Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội được hình thành ở các cấp xuống tới đơn vị cơ sở là chi bộ. Sắc lệnh 71/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký tháng 5/1946) quy định bên cạnh người chỉ huy có chính trị viên từ cấp trung đội đến trung đoàn, ở cấp khu có chính trị ủy viên.[2] Cũng theo Sắc lệnh này, Quân đội ta đổi tên là Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Sau Hội nghị Quân sự toàn quốc họp vào giữa tháng 01/1947, Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Chính trị viên toàn quốc (khu và trung đoàn) lần thứ I. Hội nghị thảo luận những vấn đề quan trọng của công tác chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ; vấn đề kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị trong quân đội; về nhiệm vụ và quyền hạn của các chính trị ủy viên khu, của các chính trị viên từ trung đoàn đến trung đội. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương quân ủy mở rộng họp để xác định hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương quân ủy đến các chi bộ.

Hệ thống tổ chức Đảng được kiện toàn từ Trung ương Quân ủy xuống dưới là các quân khu ủy, trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy và chi bộ đại đội. Mối quan hệ giữa người chỉ huy và chính trị viên các cấp được xác định rõ là cùng chịu chung trách nhiệm về quân sự. Cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong toàn quân được kiện toàn. Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị thời kỳ này do đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng, chỉ đạo.

Tháng 3/1948, Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ II họp và đề nghị bỏ hệ thống cấp ủy Đảng trong quân đội, lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội. Đề nghị này được Hội nghị cán bộ Đảng Trung ương lần thứ V họp tháng 8/1948 chấp thuận. Theo đó, ở Trung ương là Tổng Chính ủy; ở liên khu, Chính ủy Liên khu tham gia Liên khu ủy; ở cấp Trung đoàn, Chính ủy Trung đoàn tham gia Tỉnh ủy.

anh tin bai

Phút nghỉ ngơi của bộ đội tại chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu TTLTQG III)

Từ ngày 14 đến ngày 18/01/1949, tại Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ sáu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày Báo cáo quân sự tại Hội nghị. Ông đề nghị “Về mặt tổ chức, các cơ quan chỉ huy cần được hợp lý hóa, tất cả những sự bất hợp hợp lý hiện giờ cần giải quyết dứt khoát, để sự phân công phối hợp được rõ ràng, để sự chỉ huy được tập trung, thống nhất, nhanh chóng.”[3]

Trung tuần tháng 01/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân danh Tổng Chỉ huy kiêm Tổng Chính ủy triệu tập Hội nghị cán bộ quân sự và chính trị cao cấp để phổ biến Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, với chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội, chính ủy được trao quyền tối hậu quyết định, “chịu trách nhiệm trước cấp ủy đồng cấp”. Chế độ chính ủy tối hậu quyết định chỉ tồn tại trên thực tế khoảng một năm từ cuối năm 1948 đến cuối năm 1949. Kể từ chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950, các chiến dịch liên tiếp được mở ra đánh dấu giai đoạn quân đội ta chuyển mạnh sang tiến công và phản công. Các cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực được lập lại[4] (đại đoàn ủy, trung đoàn ủy. Trung ương chỉ định thành lập đảng ủy mặt trận của những chiến dịch quan trọng).

Người đứng đầu cấp ủy những chiến dịch quan trọng

Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Với trọng trách của mình, ông đề xuất với Đảng ủy Mặt trận và Thường vụ Trung ương một quyết định quan trọng, thay đổi phương án tác chiến trong kế hoạch ban đầu: mở đầu chiến dịch bằng trận tiến công tiêu diệt Đông Khê, thay cho phương án cũ là tiến công Cao Bằng trước. Việc chọn đúng điểm để đột phá mở đầu chiến dịch là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Biên Giới.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, với vai trò là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng ủy chiến dịch làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ trong suốt thời gian từ quá trình chuẩn bị, bố trí trận địa đến việc thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Thời điểm khó khăn của chiến dịch là khi cường độ chiến đấu vượt lên sức chịu đựng của con người, trong cán bộ nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực như ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ đã bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh.

Những ngày đầu tháng 4/1954, vòng vây chiến hào để tiến sát địch ở đồi A1 có những ngày không phát triển. Đảng ủy Mặt trận quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách tổng cục, những người có trách nhiệm nặng nề nhất trong chiến dịch, để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trước khi chiến đấu tiếp. Mọi người đều tích cực nghiêm khắc kiểm điểm thiếu sót. Ngày hôm sau, phần lớn cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ để mọi người thấy rõ tình hình, năng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Có được quyết tâm mới, bộ đội ta ở Điện Biên Phủ đã kết thúc chiến dịch với thắng lợi cuối cùng chỉ vài tuần sau đó. Thắng lợi của chiến dịch một lần nữa cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác đảng, công tác chính trị trong bộ đội mà vai trò người đứng đầu thuộc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

LVS


[1] Trung tướng Phạm Hồng Cư: “Suy ngẫm về sự ra đời và phát triển của chế độ chính ủy, chính trị viên”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân (điện từ), ngày 07-12-2011, http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/suy-ngam-ve-su-ra-doi-va-phat-trien-cua-che-do-chinh-uy-chinh-tri-vien/2782.html, truy c ập 12-10-2024.

[2] Trung ướng Phạm Hồng Cư, bài viết đã dẫn.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.10, tr. 88-89.

[4] Nhưng phải đến giữa năm 1952, Trung ương Đảng mới chính thức ban hành Nghị quyết về thành lập lại chế độ Đảng ủy trong quân đội. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.13, tr. 189.

Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
Tác giả: LVS
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập