Nói lạ thì chả có gì xa lạ về lá Quốc kỳ của ta. Thậm chí nhiều nước, nhiều bạn bè quốc tế cũng thông thạo và yêu mến như dân ta. Cái lạ là tình cảm của dân ta dành cho “logo” của đất nước nó khác biệt hoàn toàn so với các nước khác. Tôi đã nhìn thấy cảnh các chị em bên Mỹ mặc bộ đồ tắm có biểu tượng cờ của Hoa Kỳ mà thấy thật lạ. Ở nước ta đó là một sự xúc phạm!
Tôi từng đọc được một bài báo của một nhà báo người Anh nói rằng “chưa thấy người dân nước nào “cuồng” lá cờ của đất nước mình như Việt Nam”. Lúc đó tôi mới nhận ra: đúng nhỉ. Lâu nay, dù vui hay buồn, vùng xuôi hay miền ngược, cán bộ hay nhân dân, trẻ em hay người già lúc nào chúng ta cũng vô cùng yêu quý lá cờ của đất nước mình. Lạ nhỉ?
Ở xứ ta nó thế này: trên mọi nẻo đường đất nước Việt Nam, từ những bản làng xa xôi miền núi đến các đô thị hiện đại, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay đã trở thành biểu tượng không thể tách rời của lòng tự hào dân tộc, của ý chí và khát vọng độc lập, tự do. Lá cờ ấy không còn là một tấm vải thuần túy vật chất như nó vốn sinh ra, mà là linh hồn của dân tộc, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và tình yêu đất nước. Từ những ngày đầu cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện như một tia sáng dẫn đường, truyền đi tinh thần bất khuất của người Việt. Tinh thần ấy đã khiến bao người sẵn sàng hy sinh thân mình vì lý tưởng vì dân, vì nước và một so sánh mang tính ước lệ khẳng định rằng màu đỏ của cờ là màu máu của những người con đất Việt hy sinh cho Tổ quốc, còn màu vàng là màu da đặc trưng của chúng ta. Ngôi sao 5 cánh là biểu tượng của sự đoàn kết giữa: sỹ - nông – công – thương – binh. Đó, chỉ nhìn lên lá cờ đơn giản ấy, ta thấy chính ta, ta thấy cả lịch sử dân tộc, ta thấy cả tinh thần mà cha ông đã truyền lại cho đời ta, cho con ta, cháu ta và mãi mãi con cháu Lạc Hồng. Thế nên hôm nay từ miền núi cao Lũng Cú trải dài đến tận Cà Mau, dù là ngư dân giữa biển cả hay nông dân trên đồng ruộng, lá cờ luôn xuất hiện bên cạnh họ, ngạo nghễ, tự hào.
Trong những trận bóng đá nói riêng và các môn thể thao khác nói chung, hễ có đội tuyển Việt Nam thi đấu là ngay lập tức truyền thông thế giới có hình ảnh hàng triệu người dân khoác trên mình lá cờ Tổ quốc, hát vang quốc ca, đã khiến bạn bè quốc tế cảm phục. Họ nhìn thấy ở Việt Nam một dân tộc không lớn về diện tích nhưng mạnh mẽ và đoàn kết về tinh thần. Tờ The Guardian từng nhận xét: “Người Việt Nam coi lá cờ như trái tim chung của cả dân tộc. Đó là một biểu tượng vượt lên trên chính trị, là nơi để tất cả mọi người hòa làm một”. Không ít lần, bạn bè quốc tế đã bày tỏ sự khâm phục trước cách mà người Việt Nam tôn vinh lá cờ của mình. Hình ảnh những người lính Việt Nam trong các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cẩn thận treo lá cờ Tổ quốc bên cạnh biểu tượng quốc tế đã khiến đồng nghiệp ngoại quốc xúc động. Họ nhìn thấy một niềm tự hào chân thật, một thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam đến đây không chỉ với sứ mệnh quốc tế, mà còn với niềm tự hào dân tộc. Với các sự kiện thể thao, những câu chuyện về lá cờ Việt Nam càng khiến thế giới thêm ngưỡng mộ. Một vận động viên mà đến nay tôi không nhớ là ai nhưng câu nói của anh thì tôi rất nhớ bởi nó mang tâm hồn người Việt Nam: “Chỉ cần nhìn thấy lá cờ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Nó nhắc tôi nhớ rằng đằng sau mình là cả một dân tộc.” Lá cờ Tổ quốc còn là biểu tượng linh thiêng, là nơi mọi người chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi đau. Những giây phút nâng cao lá cờ trên đỉnh chiến thắng là khi người Việt được sống trọn với vinh quang của dân tộc. Nhưng cũng có những thời khắc đầy xúc động, như khi lá cờ phủ lên linh cữu các liệt sĩ hy sinh bảo vệ quê hương, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Tổ quốc với những người con trung kiên.
Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình mãi là một biểu tượng thiêng liêng. Chính Bác Hồ đã nói: “Lá cờ này là lá cờ của máu và nước mắt, nhưng cũng là lá cờ của độc lập và tự do". Trong thời đại hội nhập quốc tế, lá cờ Tổ quốc không chỉ là biểu tượng của một quốc gia mà còn là cầu nối, nhắc nhở mọi người Việt Nam về cội nguồn và trách nhiệm với đất nước. Dù sống ở đâu, người Việt vẫn mang trong mình tình yêu dành cho lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ ấy xuất hiện trong các lễ hội văn hóa của kiều bào, trong những cuộc vận động nhân đạo hay các chương trình giao lưu quốc tế, khẳng định bản sắc riêng của Việt Nam. Và có một điều khiến bạn bè quốc tế cảm thấy lạ kỳ, ấy là hễ có dịp là người Việt lại mang lá cờ của đất nước mình ra để ăn mừng. Hơn thế nữa chỉ cần cầm lá cờ ấy, thì dù màu da, chủng tộc hay quốc tịch gì cũng sẽ tự xích lại gần nhau như những người anh em, bạn bè. Tờ National Geographic, từng mô tả: “Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi mà tình yêu với lá cờ không phai nhạt qua thời gian. Lá cờ trở thành hình ảnh của sự hồi sinh, của niềm hy vọng và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt”.
Quốc kỳ, không chỉ là một biểu tượng chính trị mà còn là biểu tượng của tinh thần, tình yêu, và niềm tự hào dân tộc. Nó gắn kết hàng triệu con người, từ nông thôn đến thành thị, từ đất liền đến hải đảo, từ quá khứ đến tương lai. Mỗi khi lá cờ bay cao, đó là lời nhắc nhở rằng sự đoàn kết, tình yêu nước và khát vọng vươn lên sẽ mãi là sức mạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Với lá cờ ấy, người Việt không chỉ mang theo một biểu tượng, mà còn mang theo cả hồn thiêng của đất nước mình.
Xin kết thúc bài viết này với lời hiệu triệu của chính cha đẻ của lá quốc kỳ Nguyễn Hữu Tiến:
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì đất nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ - công - nông - thương - binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.