Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em (trong đó người Kinh chiếm 85,32% dân số Việt Nam với 82 triệu người, 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 14,68% dân số Việt Nam) (số liệu tính vào thời điểm 0h ngày 01/4/2019 trong cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2019). Ngay từ khi thành lập và trải qua 94 năm phát triển (1930 – 2024), Đảng ta luôn xác định đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của các đồng bào thiểu số là hai mục tiêu chính trong chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với các đồng bào miền núi, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Đảng ta không ngừng hoàn thiện, cải cách các chính sách về an sinh cuộc sống, cải thiện chất lượng đời sống, giáo dục, y tế cho các dân tộc thiểu số, áp dụng hiệu quả chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc.
Bất chấp những nỗ lực thực hiện và thành quả vượt bậc trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn. Trên các diễn đàn chính trị, hội, nhóm, cộng đồng chống cộng, phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, thoibao.de…, chúng ra sức phủ nhận các thành tựu của Đảng ta đối với vấn đề dân tộc, chúng tự huyễn hoặc cho rằng “Đảng và Nhà nước Việt Nam hầu như không, hoặc rất ít quan tâm, đầu tư cho các đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, dẫn đến đồng bào thiệt thòi”; “Đồng bào không có được sự bình đẳng cả về mặt chính trị và đầu tư kinh tế, dẫn đến đời sống khốn khổ, không có tiếng nói để “bảo vệ” mình, bà con không có tư liệu sản xuất, buộc phải “nhượng” đất cho người Kinh, tiếp tục mưu sinh bằng cách phá rừng…”; “Người Kinh áp bức các dân tộc thiểu số về văn hóa, đồng hóa họ, khiến mất đi bản sắc truyền thống dân tộc vốn có”.
Các thế lực phản động, thù địch còn ra sức kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc với nhau, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với hệ thống chính trị, biểu hiện bằng việc đồng bào bị lôi kéo tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, tạo ra các điểm nóng chính trị, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội. Có thể kể đến các sự kiện nổi bật về bạo loạn chính trị do đồng bào thiểu số gây ra như: Biểu tình Tây Nguyên 2004 hay Thảm sát Phục sinh của đồng bào người Thượng giật dây phía sau bởi lực lượng FULRO do Ksor Kok phát động, xảy ra vào Lễ Phục sinh xảy ra vào ngày 10-11/4/2004 với tổng cộng 10.000-30.000 người Thượng tham gia ở Đắc Lắk. Mới đây nhất vào rạng sáng ngày 11/6/2023 cũng tại Đắc Lắk, một nhóm đối tượng có vũ trang cũng do FULRO phát động đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; hậu quả làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản khác bị đốt phá.
Ngay sau sự kiện trên, các tổ chức phản động và phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước ngay lập tức đã tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Nhiều video clip chứa các nội dung kích động như “Cướp đất khắp nơi ở Tây Nguyên”, “Tình cảnh người Thượng bị đàn áp”, “Khi Tây Nguyên không còn là nhà”, “CSCĐ đàn áp, chiếm đất người Thượng”… đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ trên các hội nhóm, thu hút nhiều người xem và bình luận.
Bên cạnh đó, các kênh truyền thông nổi tiếng của các tổ chức phản động nước ngoài cũng nhân cơ hội trên “đánh tới tấp” chính sách của Nhà nước ta, chúng đưa ra các bản tin, bài viết mang luận điệu chủ quan, xuyên tạc như “Tiếng súng Cư Kuin còn cho thấy điều gì và nó phục vụ ai?” (RFA), “Đắc Lắc đã trở lại bình thường?” (VOA), “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” (BBC), “Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?”…Các thông tin xuyên tạc bị bóp méo trên đã gây tâm lý hoang mang, bất an cho một bộ phận dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Thậm chí, ngày 10/7/2023, chúng còn tổ chức tuần hành trước tòa Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Washington để kêu gọi Chính phủ Mỹ và Liên Hiệp quốc can thiệp vào vụ việc trên của Việt Nam. Những người tham gia cầm cờ Mỹ, cờ Fulro, căng băng rôn in các khẩu hiệu như “Tự do tôn giáo cho Tây Nguyên”, “Chính quyền Việt Nam hãy ngừng giết người Dega”, “Tây Nguyên thuộc về người Dega”, “Nước Mỹ hãy cứu người Dega”.
Nhìn lại lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng bản lĩnh vững vàng, tinh thần bất khuất, các dân tộc thiểu số anh em nhất là người Tây Nguyên đã trở thành biểu tượng kiên trung trong kháng chiến. Kể từ khi thành lập nước vào năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước đã luôn rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, nỗ lực bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Những cam kết bằng chủ trương, chính sách ấy đã được trả lời bằng những kết quả cụ thể như:
- Về kinh tế: Đến tháng 2/2023, >98% xã có đường ô tô đến trung tâm; >98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp; >99% xã có trạm y tế; >90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 – 4% năm.
- Về giáo dục: Tính đến tháng 9/2022, đã có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố, với 109.245 học sinh, trong đó, có khoảng 40% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên qua từng năm học. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và 185.671 học sinh. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%; cấp trung học cơ sở đạt 92%. Có 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được học tập, ăn ở tại trường.
- Về văn hóa: 22 tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai dạy và học chính thức 6 thứ tiếng, hệ phát thanh dân tộc VOV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày phát 12 chương trình tiếng dân tộc thiểu số; kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng 28 thứ tiếng dân tộc thiểu số với thời lượng 24/24h/ngày…
Đặc biệt, cả nước đã có gần 700.000 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,98% tổng số đảng viên cả nước. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tăng dần, khóa XIII: 15,6%, khóa XIV: 17,3%, khóa XV: 17,84%. Điều đó đã thể hiện tầm quan trọng của các dân tộc thiểu số trong cơ cấu hệ thống chính trị của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thể hiện sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân các dân tộc thiểu số trong nhiều năm chiến đấu và phát triển kinh tế. Từ chủ trương, đường lối đến hiện thực cuộc sống đều là những luận cứ đanh thép, thuyết phục bác bỏ những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành tựu bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số và lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, chia rẽ, tạo sự bất ổn về chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.