ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng trước khi thành lập Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Kỳ cuối)
Lượt xem: 18
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1948)

Trở thành Đảng cầm quyền, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Ngày 10 và 11/9/1945, Trung ương Đảng mở Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ,chủ trương nâng cao trình độ cán bộ trong quản lý chính quyền, đề ra nhiệm vụ “Mở các lớp huấn luyện cách thức tổ chức Ủy ban nhân dân ở làng và ở huyện”[1]; trong quân đội “Mở lớp huấn luyện tại chỗ về quân sự và chính trị…”[2].

Từ tháng 9/1945 đến tháng 3/1946, tại Hà Nội, Trường Quân chính Việt Nam (kế tục Trường Quân chính kháng Nhật) mở tiếp các khóa 4,5,6,7 đào tạo được 1.070 cán bộ chính trị, quân sự, đáp ứng yêu cầu mở rộng Việt Nam Giải phóng quân (từ giữa tháng 9/1945, đổi tên thành Vệ quốc đoàn). Sau khóa 4, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị đổi tên thành “Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam”[3].

Tháng 10/1945, Trường Quân chính Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự, chính trị trung đội, đại đội. Khóa 1 có 200 học viên. Sau khóa 1 (12/1945), trường chuyển về Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến khu 4 và gọi là Trường Quân chính Chiến khu 4.

Ngày 10/11/1945, Trường Quân chính Nam Bộ thành lập (Trường Quân chính Quang Trung), đào tạo tiểu đội trưởng và trung đội trưởng[4].

Tháng 12/1945, ngay sau khi thành lập, Khu 7 mở Trường Quân chính Khu 7. Khóa đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh, có trên 50 học viên. Sau khóa Hồ Chí Minh đến khóa mang tên Võ Nguyên Giáp, với trên 50 học viên[5]. Từ cuối tháng 02/1946, Ban Quân huấn và Phòng Chính trị Khu 7 tổ chức huấn luyện: mở hai lớp huấn luyện đại đội, tổ chức trường quân chính lưu động theo chương trình huấn luyện tiểu đội, nội dung chính trị nhiều hơn quân sự. Giữa quý II năm 1946, trường mở tiếp hai khóa Dương Văn Dương và Thái Văn Lung. Ngoài ra, trường còn mở một lớp thiếu sinh quân có 30 học viên.

Ngày 9/3/1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Hòa để tiến trong đó nhấn mạnh: “Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ chính trị và quân sự để lãnh đạo phong trào mới…”[6]. Ngay sau đó, Trung ương Đảng quyết định mở Trường Quân chính Bắc Sơn (17/3/1946) tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên, để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự tiểu đội, trung đội, đại đội. Tiếp đó, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khai giảng khóa đầu tiên ngày 26/5/1946 tại Sơn Tây. Tại Lễ khai giảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Trường lá cờ thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”. Đây là trường đào tạo cán bộ quân sự cấp đại đội, tiểu đoàn cho quân đội.

Từ ngày 31/7 đến ngày 1/8/1946, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ nhất họp bàn về các công tác trước mắt. Hội nghị bàn sâu về vấn đề đào tạo cán bộ, đề ra chủ trương: “Cấp bộ trên phải mở lớp huấn luyện cho cấp bộ dưới (Trung ương huấn luyện xứ ủy và các xứ ủy viên phụ trách ở đâu phải mở lớp huấn luyện ở đấy)”[7].

Tiếp đó, sau khi phát động cuộc Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Đảng chủ trương đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Hội nghị cán bộ Trung ương, họp từ ngày 3 đến 6/4/1947, chủ trương: “Mặc dầu bận rộn kháng chiến cũng không được ngừng việc huấn luyện vì càng kháng chiến lâu dài càng cần nhiều cán bộ mới và nâng cao trình độ cán bộ cũ”; “Các tỉnh phải mở những lớp huấn luyện công tác thực tế và kinh nghiệm rất ngắn kỳ cho các đồng chí chi bộ và cán bộ mặt trận. Các khu cũng phải tuỳ tiện mở lớp huấn luyện đào tạo các cán bộ cho tỉnh trong khu”; “Trung ương sẽ mở một lớp đào tạo một số huấn luyện viên cho các khu để về địa phương phụ trách huấn luyện”[8].

Để thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài báo nói về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác huấn luyện cán bộ. Người viết: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc[9]... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[10]cán bộ là cái gốc của mọi công việc.Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[11].

Đối với huấn luyện lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hóa khá, ham nghiên cứu) thì ngoài việc học tập chính trị và nghề nghiệp đều cần học thêm lý luận”[12].

Cùng với những văn kiện của Đảng, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công tác huấn luyện cán bộ, đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến - kiến quốc diễn ra khẩn trương, rộng khắp, toàn diện. Ngày 5/9/1947, Chiến khu 1 thành lập Trường Quân chính. Cùng thời gian này, Trường Quân chính Chiến khu 2, Trường bổ túc văn hóa cán bộ cũng được thành lập[13]. 3 tháng cuối năm 1947, Trung ương đã mở 3 lớp huấn luyện cho tỉnh uỷ viên, 1 lớp huấn luyện viên chuyên môn, 1 lớp kinh tế tài chính, 1 lớp cán bộ củng cố Việt Bắc. Các khu thuộc Bắc Bộ mở 180 lớp huấn luyện, thu hút 5.000 đảng viên đến học;745 lớp với thời gian 10 ngày cho 22.000 học viên. Đến cuối năm 1947, ở Bắc Bộ đã có 300 cán bộ có trình độ tỉnh uỷ viên và có khả năng huấn luyện về kinh tế, tài chính. Đa số đảng viên nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập văn hoá, lý luận. Nhiều cấp bộ Đảng quan tâm đến việc tổ chức học tập văn hoá, lý luận cho đảng viên như Khu II tổ chức một ban học tập riêng. Nhiều chi bộ có “tổ tự học”.

Cuối năm 1947, trường Quân chính Khu 7 mở liên tiếp ba khóa Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Hữu Nam và khóa Phan Chu Trinh với khoảng 250 đến 300 học viên. Sau khi lập Khu Sài Gòn- Chợ Lớn[14], Trường Quân chính Khu 7 được gọi là trường Quân chính Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trường mở được hai khóa mang tên Rèn luyện 1 và Rèn luyện 2.

Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, cuộc kháng chiến của quân dân ta bước sang giai đoạn mới. Để đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong công tác lãnh đạo, Đảng đề ra chủ trương mới đối với nhiệm vụ huấn luyện cán bộ. Từ ngày 15 đến ngày 17/01/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng đề ra những nhiệm vụ lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong năm 1948. Hội nghị nhấn mạnh “Công tác huấn luyện phải được chấn chỉnh, Bộ Tuyên huấn trung ương định chương trình huấn luyện cho mỗi cấp. Các bản chương trình do các hội bộ địa phương thảo ra phải gửi về Trung ương duyệt lại, đúc lại thành những chương trình huấn luyện thống nhất. Việc giáo dục nội bộ phải nhằm mục đích gây ý thức giai cấp, tinh thần kỷ luật và đạo đức cách mạng cho toàn thể hội viên và cả những hội viên trí thức cao mới vào Hội”; “Ban Tuyên huấn các cấp có nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ học tập, nhất là những cán bộ cũ, đã có nhiều thành tích chiến đấu hồi bí mật, nhưng trình độ văn hoá kém”[15].

Hội nghị đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong công tác huấn luyện cán bộ. Theo đó, ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục công tác huấn luyện chính trị, thực hiện cho được kết nạp đảng viên nào phải huấn luyện ngay đảng viên ấy theo chương trình sơ cấp. Ở Nam Bộ, phải chú trọng đặc biệt mở nhiều lớp huấn luyện chính trị hơn nữa cho các cấp, mở những lớp huấn luyện ngắn hạn cho các đồng chí mới và chi uỷ. Chú ý giáo dục chính trị và văn hoá cho các đồng chí phải đi đôi với việc tích cực bài trừ những tư tưởng hành động sai lầm của các đảng viên để nâng cao đảng tính; phải đặc biệt chú trọng đào tạo bằng cách mở những trường chuyên môn; “đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và Công giáo [16]…..

Ngày 15/4/1948, Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi và các trường, lớp đào tạo cán bộ trung đội[17].

Cùng với công tác huấn luyện tập trung, Đảng chủ trương tổ chức phong trào học tập rộng rãi trong Đảng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các đơn vị quân đội thông qua hình thức mở lớp huấn luyện ở mọi cấp và tổ chức phong trào học tập rộng rãi (thực chất là huấn luyện tại chức) để nhanh chóng nâng cao được trình độ mọi mặt cho đông đảo cán bộ, đáp ứng nhu cầu khẩn trương của kháng chiến, phù hợp với điều kiện và hoạt động phân tán trong thời chiến.

Trong 5 tháng đầu năm 1948, toàn Liên khu III mở được 674 lớp cho 19.653 đồng chí mới; 105 lớp cho 2.785 chi uỷ viên; 32 lớp cho 1.067 huyện uỷ viên. Liên khu 1 (trong năm 1948) mở được 666 lớp cho 13.606 học viên[18].

Tại Liên khu IV, việc huấn luyện dần dần tiến hành theo một chương trình thống nhất và thiết thực.

Các tỉnh Nam Trung Bộ có sáng kiến mở những trường trung học bình dân, thời hạn 2 năm; các lớp tỉnh, phủ, huyện xã cho các cán bộ và các đồng chí còn hạn chế về trình độ văn hoá. Năm 1948, Trường trung học bình dân Nam Trung Bộ có hơn 300 học viên, kết quả tốt, trình độ văn hoá được nâng lên. Việc nâng cao đảng tính của đảng viên cũng được các cấp bộ chú trọng như huấn luyện chính trị, văn hoá[19].

Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ IV (miền Bắc Đông Dương), 5/1948 và tiếp đó là Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ năm, 8/1948, tiếp tục bàn về công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ.

Trong giai đoạn này, Trung ương đã mở nhiều khóa huấn luyện, đào tạo một đội ngũ huấn luyện viên cho các cấp bao gồm huấn luyện viên chuyên nghiệp và cán bộ lãnh đạo được sử dụng làm huấn luyện viên kiêm chức. Những lớp này mang tên khóa Nguyễn Ái Quốc (1946), khóa Tô Hiệu (1947), khóa Trần Phú (1948)...Tuy chỉ mở mỗi năm một vài lớp, số lượng học viên không nhiều (khoảng mấy chục cán bộ) thời gian học tập lại ngắn (chỉ vài ba tháng), song, các khóa huấn luyện của Trung ương đã tạo điều kiện căn bản cho việc tổ chức phong trào huấn luyện, học tập trong cả nước.

Như vậy, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngay từ trước khi thành lập Đảng, cũng như trong cuộc đấu tranh quyết liệt hy sinh để giành chính quyền, trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn chú ý đến công tác này, từng bước đưa công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ vào nền nếp. Tất cả những hoạt động đó trực tiếp chuẩn bị và dẫn đến sự ra đời Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1949.

“Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương được thành lập từ tháng 2 năm 1949 tại làng Luông, Bắc Thái. Việc thành lập trường Đảng thường trực là sự tiếp nối liên tục và được chuẩn bị từ trước mà bác và Đảng ta đã dày công đầu tư trí tuệ công sức. Tiền thân của trường là những lớp huấn luyện chính trị do Bác mở ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1925, các lớp học văn kiện Đảng năm 1930, các lớp học lý luận trong nhà tù đế Quốc do chính các đồng chí lãnh đạo Đảng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh làm thầy dạy, lớp huấn luyện cán bộ chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám do Bác Hồ mở ở Tĩnh Tây, Trung Quốc, trường huấn luyện cán bộ năm 1945, lớp Nguyễn Ái Quốc năm 1946 tại Hà Đông, lớp Tô Hiệu năm 1947, lớp Trần Phú năm 1948, các lớp tại chức học tập đường lối kháng chiến và thơ Hồ Chủ tịch gửi các đồng chí Bắc Bộ. Với việc mở trường Đảng thường trực, công tác giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng bước sang giai đoạn phát triển mới cả về quy mô và chất lượng. Ngay từ những khóa học đầu tiên khi trường thành lập, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và đến thăm lớp học, ghi những lời dạy quý báu vào cuốn sổ vàng của Trường”[20].

 (Tiếp theo và hết)

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 8.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr10.

[3] Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.23.

[4] Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.29.

[5] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến: Biên niên sự kiện Lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.51-52

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpSđd, t. 8, tr.54.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr.110.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr.202- 203.

[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309

[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.313.

[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309.

[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.311.

[13] Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.56.

[14] Tháng 12/1948, Khu Sài Gòn-Chợ Lớn được thành lập gồm Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, một phần tỉnh Tây Ninh (tách từ Khu 7 cũ).

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 9, tr.48.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 9, tr.49.

[17] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.tr.69.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 9, tr.283

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 9, tr.284.

[20] Bài “Phát huy truyền thống vẻ vang của Học viện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới” (Báo cáo của Giám đốc Học viện tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Học viện, năm 1989), Lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
Tác giả: Bình Nguyễn
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập