I. TIN THẾ GIỚI
1. CDC Châu Phi cảnh báo dịch bệnh đậu
mùa khỉ vẫn chưa kiểm soát
Ngày 31/10, Trung tâm Kiểm soát và
Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa
khỉ vẫn chưa được kiểm soát, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để tránh một đại
dịch "nghiêm trọng hơn" COVID-19 xảy ra.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây
cho biết tổng cộng đã có 15 quốc gia ở khu vực châu Phi bị ảnh hưởng bởi đợt
bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trong năm 2024. Tổ chức này cũng cảnh báo thêm
rằng việc chẩn đoán chậm trễ, khó khăn trong tiếp cận điều trị và sự xuất hiện
của nhiều chủng virus khác nhau đang làm tình hình trở nên phức tạp hơn.
2.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính trầm trọng
tại 22 quốc gia
Trong một báo cáo chung được công bố
ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông
nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng,
tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc
gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Tình trạng đáng báo động này bị thúc
đẩy bởi ít nhất 3 yếu tố là xung đột, khí hậu và sự bất ổn cũng như những chênh
lệch về kinh tế. Cho dù có tách riêng hay kết hợp lại thì những yếu tố này đều
đang có nguy cơ "làm sâu sắc thêm những điều kiện vốn đe doạ tính mạng con
người". Theo báo cáo, xung đột và bạo lực vũ trang tiếp tục là nguyên nhân
chính dẫn đến nạn đói ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn các hệ thống cung ứng
lương thực, khiến cho người dân phải di dời và gây trở ngại cho việc tiếp cận
hỗ trợ nhân đạo.
Liên quan đến tình hình khí hậu, FAO
và WFP cảnh báo, La Nina có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan
và đe dọa những hệ thống cung ứng thực phẩm không ổn định, làm trầm trọng thêm
khủng hoảng lương thực ở những khu vực dễ bị tổn thương cho đến đầu mùa Xuân
tới. Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh việc hành động sớm
và có mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng gia
tăng.
3. Huy động nguồn lực ứng phó biến đổi
khí hậu
Ngày 11/11, Hội
nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi
khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan với sự
tham gia của gần 200 quốc gia. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29
chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số
tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các
cuộc thảo luận về quỹ tài chính khí hậu mới cũng như việc sửa đổi chính sách
thương mại dự kiến sẽ là trọng tâm của các vòng đàm phán kéo dài từ
11-22/11/2024 trong khuôn khổ COP29. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối
cảnh các thảm họa khí hậu đang hoành hành tại nhiều khu vực trên toàn thế giới,
từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ngoài ra, năm 2024
cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái và trở thành năm nóng
nhất trong lịch sử với nền nhiệt tăng theo cấp số nhân.
4.
Israel tuyên bố đạt tiến triển trong đàm phán ngừng bắn ở Lebanon
Ngày
11/11, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar thông báo các nỗ lực ngoại giao
trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Lebanon đã có tiến triển, cho dù phía Hezbollah
khẳng định chưa hề nhận được bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào.
Ông
Saar nêu quan điểm, Israel sẽ chỉ đồng ý ngừng bắn nếu như được đảm bảo rằng
Hezbollah không hiện diện ở biên giới Israel và rút lực lượng về phía Bắc sông
Litani. Israel cũng yêu cầu lực lượng Hezbollah sẽ không tái vũ trang bằng các
hệ thống vũ khí mới. Ở chiều ngược lại, Hezbollah khẳng định chưa hề nhận được
bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào và cũng không mong đợi điều này sẽ sớm xảy ra.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn lực lượng này, ông Mohammad Afif
xác nhận đã có động thái mạnh mẽ giữa nhiều quốc gia có ảnh hưởng như Mỹ, Nga,
Iran.
Từ
cuối tháng 9/2024, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn tại
Lebanon - chủ yếu nhắm vào miền Nam Lebanon, vùng ngoại ô phía Nam thủ đô
Beirut và thung lũng Bekaa, đồng thời tuyên bố mục tiêu của họ là phá vỡ năng
lực quân sự của Hezbollah.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump
Tối
11/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng
thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng
Bí thư Tô Lâm chúc mừng ông Donald Trump được bầu là Tổng thống thứ 47 của Hoa
Kỳ và đánh giá cao những đóng góp của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá
trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với
Tổng thống đắc cử Donald Trump về những kết quả tích cực của quan hệ đối tác
chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam
sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài, vì lợi ích của
nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực và
trên thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald
Trump về một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và
đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Nhân
dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tổng thống đắc cử Donald Trump thăm lại Việt
Nam. Tổng thống đắc cử Donald Trump vui vẻ nhận lời và mời Tổng Bí thư Tô Lâm
sang thăm lại Hoa Kỳ vào thời gian thích hợp.
2.
Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Từ
ngày 12-16/11/2024 Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam
đã thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác
kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 theo lời mời của Tổng thống Peru
Dina Boluarte.
Trong
khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã dự và có các
bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31; Hội nghị Thượng
đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với các khách
mời; Dự phiên ăn trưa - Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư
vấn kinh doanh APEC, cùng nhiều hoạt động song phương khác.
Chủ
tịch nước đã thực hiện chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru theo lời mời của
Tổng thống Dina Boluarte. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch
nước Việt Nam tới Peru, đặc biệt sự kiện này diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ
niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó tạo nên dấu mốc lịch sử góp
phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu
quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm
cao mới.
3. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Vương quốc
Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng
chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế
vì Bao dung và Hòa bình (IPTP).
Chuyến thăm diễn ra từ ngày 21-24/11/2024, nhằm tiếp tục đưa
quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng,
cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; góp phần củng cố tin
cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp
tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại của Đại hội
Đảng lần thứ XIII, trong đó dành ưu tiên cao cho mối quan hệ "láng giềng tốt
đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với
Campuchia, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như
giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Campuchia.
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đại diện Đảng Cộng sản
Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP nhằm đẩy mạnh sự tham
gia đóng góp tích cực của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ICAPP, thúc đẩy quan hệ với
các đảng chính trị châu Á, đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực; tăng cường
quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), thể hiện
sự coi trọng đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Campuchia. Đồng thời, Chủ tịch Quốc
hội Trần Thanh Mẫn cũng tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP với tư
cách khách mời của nước chủ nhà nhằm thể hiện sự ủng hộ và thiện chí đối với
Campuchia, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Campuchia là Chủ tịch IPTP; qua đó, góp
phần tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác
toàn diện giữa hai quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.
4. Việt Nam trúng cử Ủy ban Luật
Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc
Ngày 20/11, tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Việt Nam đã
tiếp tục tái cử vị trí thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp
quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 với số phiếu cao 175/183. Tại khu vực
châu Á - Thái Bình Dương, cùng trúng cử với Việt Nam có các nước: Malaysia,
Philippines, Singapore, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử
thành viên UNCITRAL, tiếp nối nhiệm kỳ đầu tiên (2019-2025) với nhiều dấu ấn
thành công, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của các nước thành viên LHQ và
cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam
trong quá trình tham gia phát triển, hài hòa hóa và thực thi luật thương mại
quốc tế nói chung và trong khuôn khổ UNCITRAL thời gian qua.
Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia trực tiếp
vào tiến trình đàm phán và định hình các quy tắc của Luật Thương mại quốc tế ngay
từ giai đoạn đầu, như xây dựng các luật mẫu, hướng dẫn, các quy định về giải
quyết tranh chấp thương mại, tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cũng như
quy tắc điều chỉnh các phương thức thương mại mới… bảo đảm các quy tắc này phù
hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam và hài hòa với lợi ích chung của cộng
đồng quốc tế, nhất là của các quốc gia đang phát triển.
III. TIN TRONG TỈNH
1.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ IV, năm 2024
Sáng
15/11, tại trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh, UBND tỉnh long trọng tổ chức
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ IV, năm 2024.
Đại
hội có nhiệm vụ xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc của
tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, đồng thời, đề ra các giải pháp chủ yếu để tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đại hội phải thực sự là biểu tượng sức
mạnh của khối đại đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển
kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo
đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm
kỳ 2024-2029, Đại hội xác định các mục tiêu cụ thể, như: Phấn đấu thu nhập bình
quân người dân tộc thiểu số đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ
nghèo bình quân từ 2-3%; phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt
chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2030, các địa phương cơ bản xoá bỏ hết
các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực
hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới… và các nhóm
nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Nhân
dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá
nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân
tộc của Đảng, Nhà nước; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân
tộc” cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các
dân tộc Việt Nam; UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 50 cá nhân
có thành tích xuất sắc, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng
an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019 - 2024.
2.
Kỳ họp thứ hai mươi tư (Kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, nhiệm
kỳ 2021 - 2026
Sáng
ngày 12/11, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 long trọng tổ chức Kỳ họp
thứ hai mươi tư (Kỳ họp chuyên đề) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu các huyện, thành phố.
Tại
Kỳ họp, phát huy dân chủ, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh
tập trung nghiên cứu, thảo luận và thống nhất biểu quyết thông qua 8 Nghị quyết
tại Kỳ họp. (1) Thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Than Uyên, huyện
Than Uyên, tỉnh Lai Châu. (2) Thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Tân
Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. (3) Thông qua Quy chế quản lý kiến trúc
thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. (4) Bổ sung kinh phí cho các
đơn vị dự toán khối tỉnh và các huyện, thành phố để thực hiện các chế độ, chính
sách; nhiệm vụ phát sinh năm 2024. (5) Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công
trung hạn nguồn ngân sách trung ương thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia
giai đoạn 2021-2025. (6) Điều chỉnh, phân bổ nguồn kinh phí còn dư năm 2023
chuyển nguồn sang năm 2024 của các Chương trình mục tiêu quốc gia. (7) Bãi bỏ
một số Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu. (8) Thành lập Đoàn giám sát kết quả
thực hiện quy định của pháp luật về khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản
làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024.
3.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV lần thứ 22
Hội
nghị được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV tổ chức sáng
20/11.
Tại
Hội nghị, đại biểu đã tham gia thảo luận vào các nội dung: Tình hình thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kế hoạch
vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch năm 2025; Chương
trình kiểm tra, giám sát năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác… Về nhiệm
vụ năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh
đạo UBND tỉnh tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các Báo cáo và kế hoạch
trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo Thường trực
HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ các báo cáo, kế hoạch và tập trung
thảo luận, thống nhất quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2025, đảm bảo sát thực tiễn, có
tính khả thi cao.
IV.
TIN TRONG ĐẢNG BỘ KHỐI
1.
Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp
tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 11
Sáng
05/11, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức Hội
nghị Báo cáo viên tháng 11 năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí Phó bí thư
Đảng ủy Khối các CQ&DN tỉnh, báo cáo viên cấp đảng ủy khối, bí thư các chi
bộ, đảng bộ không có báo cáo viên cấp tỉnh và cấp đảng bộ khối.
Tại
hội nghị các đại biểu đã được thông tin, phổ biến, quán triệt 9 nội dung gồm:
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư về Đại hội các hội văn học,
nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 –
2030; Thông tri số 07-TT/TU, ngày 31/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh
đạo Đại hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 –
2030; Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác
tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo;
Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ
truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
2.
Đảng uỷ Khối mở lớp Bồi dưỡng Lý luận chính trị dành cho Đảng viên mới đợt 2,
năm 2024
Lớp
bồi dưỡng đảng viên mới đợt 2 năm 2024 có 56 đồng chí đến từ các tổ chức cơ sở
đảng trực thuộc Đảng bộ Khối. Sau thời gian 07 ngày (từ ngày 11–
17/11/2024) học tập, các học viên đã được nghiên cứu 11 chuyên đề theo quy định
và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, gồm: Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và
cách mạng Việt Nam; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Phát huy sức mạnh dân tộc dân chủ xã hội
chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát
triển kinh tế xã hội; Phát triển văn hóa xã hội; Tăng cường quốc phòng, an
ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, bảo đảm ổn định chính
trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nguyên tắc
tổ chức, hoạt động của Đảng và công tác xây dựng Đảng ở cơ sở; Tăng cường xây
dựng chỉnh đốn Đảng; Phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng
sản Việt Nam; công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.
Kết
thúc khóa học, 100% học viên đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận. Trong đó,
đạt loại giỏi có 30 học viên, đạt tỷ lệ 54%; 22 học viên đạt loại khá
(chiếm 39%), trung bình có 4 đồng chí (chiếm 7%). Tặng giấy khen cho 05 học
viên thành tích xuất sắc trong chương trình bồi dưỡng./.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI