Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 7/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2030, tỉnh Lai Châu nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, tập trung phát triển kinh tế biên mậu và du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng liên kết vùng. Khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả, kinh tế số phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
+ Tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu - cụm công nghiệp.
+ Phát triển hạ tầng thông tin và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.
+ Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút nhân tài và cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ, khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
Về kết cấu hạ tầng: Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để đảm bảo tính kết nối của tỉnh với các địa phương trong khu vực, cả nước và thị trường Vân Nam (Trung Quốc); thu hút đầu tư cảng hàng không Lai Châu. Phát triển hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Về hoàn thiện thể chế: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: du lịch, thủy điện, nông nghiệp đặc hữu, khoáng sản… Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, sáng tạo, làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Về phát triển nguồn nhân lực: Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, con người Lai Châu.
Về khoa học công nghệ: Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 7/12/2023 là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo quy định của pháp luật có liên quan.