Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung hàng hoá như: lúa, chè, mắc ca, chanh leo… Để giải quyết bài toán tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tránh xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các gia đình, đơn vị sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa nông sản của bà con đến tay người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh hình thành nhiều sản phẩm có quy mô lớn như trên 12.000ha cao su, 10.500ha chè; 7.000ha mắc ca; 8.000ha cây ăn quả các loại; 250 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại; có 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, Sở Công thương tăng cường triển khai các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Tổ chức Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu, chương kết nối giao thương các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa,… do các tỉnh, thành phố tổ chức.
Nhiều sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn.
Đến nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội. Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội cho 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh đến doanh nghiệp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 3096 ngày 30/09/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu. Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác về: “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 – 2025”. Theo đó, Bưu điện tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, quảng bá sàn TMĐT Buudien.vn đến đông đảo bà con nhân dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp biết và tham gia đăng ký thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp lên sàn Buudien.vn. Lập kế hoạch đào tạo, tập huấn giúp người dân đăng ký tài khoản mua, bán tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Tư vấn các chủ thể có sản phẩm OCOP đưa lên sàn TMĐT Buudien.vn. Nhờ đó, từ tháng 10/2021 đến nay, Bưu điện tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn về TMĐT cho 91.625 người; hỗ trợ 95.374 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tài khoản và đưa 1.911 sản phẩm lên sàn TMĐT Buudien.vn. Số lượng giao dịch trên sàn là 14.596 đơn. Với cách làm này, nhiều sản phẩm nông sản mang thương hiệu của Lai Châu đã đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên do năm 2024 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chuyển đổi nền tảng (đổi tên sàn TMĐT Postmart.vn thành Buudien.vn.) nên ảnh hưởng đến việc triển khai cũng như đưa các sản phẩm lên sàn. Cộng với người dân trình độ dân trí còn hạn chế, tài khoản ngân hàng, điện thoại Smartphone, thói quen bán nông sản cho thương lái, chưa có kỹ năng bán lẻ. Quy trình phê duyệt tài khoản, sản phẩm đăng ký lên sàn còn chậm. Trước tình hình này, Bưu điện tỉnh phân công cán bộ, nhân viên rà soát các chủ thể là hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh, công ty trên địa bàn toàn tỉnh có sản phẩm nông sản, nông - lâm - thủy sản để triển khai tuyên truyền, vận động và hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Buudien.vn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn: phần lớn cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến thủ công, hệ thống máy móc chưa đồng bộ. Các sản phẩm nông sản của tỉnh tuy đa dạng về chủng loại, nhưng mới có sản phẩm chè có khối lượng lớn, được chế biến sâu và đã được đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác hàng hóa chưa đầy đủ thông tin và chưa được dịch sang tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Trung, vì vậy khó khăn trong việc triển khai các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ.
Các sản phẩm nông sản của tỉnh được bày bán tại không gian trưng bày giới thiệu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc sản tỉnh Lai Châu (Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh).
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối, tiêu thụ các sản phẩm, theo ông Vương Thế Mẫn, Giám đốc Sở Công Thương, trong thời gian tới Sở phối hợp với ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn TMĐT. Đặc biệt, vận động các hộ sản xuất kinh doanh thay đổi tư duy bán hàng truyền thống, đưa các nông sản lên sàn TMĐT, trên các trang mạng xã hội: zalo, facebook, tiktok góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản địa phương.
Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản của Lai Châu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết.