Tỉnh Lai Châu có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 58% diện tích tự nhiên. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ôn hòa rất thích hợp cho phát triển cây dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tỉnh còn có lợi thế về vị trí địa lý khi có Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Đây chính là cơ hội để mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản.
Trước kia nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; cơ cấu cây trồng đơn giản, chủ yếu là lúa, ngô, chè và hoa màu năng suất thấp, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp. Rét đậm, băng tuyết, mưa lũ, nắng nóng... ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp; quy hoạch 3 vùng kinh tế: động lực quốc lộ 32, 4D; nông, lâm nghiệp, sinh thái sông Đà; cao nguyên Sìn Hồ.
Khai thác lợi thế cùng sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Sìn Hồ đã xây dựng được 13 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong ảnh: Đại biểu, du khách tìm hiểu sản phẩm ocop của huyện tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Sà Dề Phìn.
Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hiện nay, Lai Châu chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, nhiều chính sách được triển khai giúp người dân phát triển sản xuất như: hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề; thí điểm, xây dựng các mô hình nông nghiệp mới. Đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, điện, hệ thống thủy lợi. Những thách thức ngành Nông nghiệp của tỉnh đang phải đối mặt về biến đổi khí hậu, thị trường biến động và nguồn nhân lực, tỉnh đang tích cực xem xét, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tìm giải pháp khắc phục hiệu quả nhất. Góp phần nâng cao năng suất và giá trị thương mại của nông sản, xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh”.
Với 82% dân số sống ở nông thôn và 65% số dân trong độ tuổi lao động, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp có vai trò quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay, Lai Châu đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp gắn với mục tiêu tăng cường liên kết, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa...
Hiện nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, hiệu quả như: vùng trồng mắc-ca 6.603ha; chè 9.316,7ha; cây cao su 12.945ha; lúa hàng hóa 3.936ha; cây ăn quả trên 8.200ha. Toàn tỉnh có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; 55.512m3 cá lồng. Ngành Nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng đạt 5-6%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 7,2%/năm, an ninh lương thực đảm bảo. Diện tích cây lương thực tăng mạnh với 60.575ha, sản lượng đạt 17.670 tấn/năm. Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả phát triển với quy mô lớn; nhiều cây trồng mới có tiềm năng phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao như quế với diện tích gần 6.000ha; cây sơn tra gần 2.000ha; các loại cây ăn quả (cam, đào, lê, bơ, chuối...). Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở khu vực nông thôn nâng lên rõ rệt.
Theo bà Lý Thị Na - quyền Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã triển khai đồng bộ, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh giao. Nhờ đó, đã xây dựng được các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như: dược liệu; lúa chất lượng cao với diện tích 11.849ha, sản lượng 46.450 tấn; hơn 60ha chè, sản lượng đạt 425.127 tấn chè búp tươi/năm; trên 200ha cây ăn quả: chanh leo, nhãn, bưởi, xoài, dứa.... Và, sâm Lai Châu đã thu hút 2 đơn vị tham gia trồng, nhân giống, bảo tồn.
Phát huy kết quả đạt được và trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục phát huy vai trò của các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp. Tin rằng, lĩnh vực nông, lâm nghiệp của Lai Châu tiếp tục bứt phá đi lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.