Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, Tỉnh ủy, các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc in, xuất bản các tài liệu tuyên truyền, góp phần phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành sách của ngành, địa phương; việc huy động các nguồn lực xã hội cho xuất bản và phát hành sách, tài liệu tuyên truyền được chú trọng. Tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động xuất bản, in và phát hành tài liệu tuyên truyền, đảm bảo theo đúng quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động xuất bản, in và phát hành tài liệu tuyên truyền phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản luôn đảm bảo đúng định hướng chính trị, Luật Xuất bản.
Nhà máy in Lai Châu được quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ kịp thời in ấn Báo Lai Châu và các ấn phẩm tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Việc chăm lo, phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân được quan tâm triển khai thực hiện. Mạng lưới thư viện tỉnh phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 7 thư viện huyện, 106 tủ sách pháp luật tại UBND các xã, phường, thị trấn, 158 tủ sách tại các bản, khu phố; 1 thư viện và 13 tủ sách thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh; 1 thư viện và 2 tủ sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 2 thư viện thuộc Công an tỉnh; 31 tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã, 239 thư viện trường học và cơ sở dạy nghề; một số trường học còn xây dựng góc đọc sách ngoài trời, thư viện xanh… phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh và Nhân dân.
Tài liệu của hệ thống thư viện được bổ sung hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn biếu tặng, nộp lưu chiểu. Giai đoạn 2004-2024, hệ thống thư viện được bổ sung được gần 143.000 bản sách, trong đó thư viện tỉnh gần 76.000 bản, thư viện huyện và cơ sở gần 67.000 bản. Xử lý theo chuẩn nghiệp vụ hơn 100.000 bản sách đưa vào phục vụ bạn đọc và quản lý trên phần mềm thư viện; hàng năm Thư viện tỉnh đã luân chuyển khoảng 8.000 bản sách về thư viện huyện, thư viện trường học, thư viện, tủ sách đồn biên phòng, trại tạm giam, điểm bưu điện văn hóa xã… để khai thác, sử dụng.
Hằng năm, tỉnh và các huyện, thành phố, các đơn vị trường học đã tổ chức hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4). Tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách; thi học sinh, sinh viên tuyên truyền giới thiệu sách; cuộc thi đại sứ văn hóa đọc quy mô toàn tỉnh… thu hút được sự tham gia đông đảo của học sinh giáo viên, phụ huynh. Hưởng ứng, tham gia các hoạt động do Liên hiệp thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động. Qua đó, đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ.
Hoạt động của các đơn vị in, phát hành sách được quan tâm chú trọng. Từ tháng 11/2013, Nhà máy in Lai Châu đi vào hoạt động với nhiệm vụ in báo và các ấn phẩm khác theo yêu cầu của tỉnh, được đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; được khai thác, sử dụng đúng mục đích, phục vụ tốt nhiệm vụ in và phát hành các ấn phẩm in của Báo Lai Châu, các sản phẩm khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 nhà máy in; 13 cơ sở in; 3 cửa hàng phát hành xuất bản phẩm là nhà sách tư nhân, hộ gia đình chủ yếu phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo, sách tổng hợp, sách chính trị, văn học, kỹ thuật, nghệ thuật, thiếu nhi. Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất bản tài liệu không kinh doanh với các ấn phẩm báo chí tuyên truyền. Báo Lai Châu duy trì phát hành 3 ấn phẩm báo in (báo thường kỳ 4 số/tuần, báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao 30 số/năm, báo cuối tuần 51 số/năm); Tạp chí Văn nghệ Lai Châu xuất bản 12 số/năm với số lượng 1.300 bản/số; 5 bản tin chuyên ngành của 5 cơ quan, đơn vị.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh biên soạn, phát hành các ấn phẩm, các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị (các văn kiện, tài liệu nghiên cứu, học tập nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; lịch sử đảng bộ tỉnh, huyện, xã và lịch sử truyền thống các ngành; các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền các sự kiện kỷ niệm các loại tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền…)
Nội dung, hình thức các xuất bản phẩm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nội dung; đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, giáo dục, văn hóa...; nhiều ấn phẩm đã được đánh giá cao về chất lượng, giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Thông qua các ấn phẩm xuất bản đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thông tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nhiều mô hình kinh tế, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến, nét đẹp, đặc sắc của các dân tộc, các địa phương... đã được vận dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đồng thời giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo sự kết nối giữa Lai Châu với cả nước và thế giới.
Tuy nhiên, các xuất bản phẩm còn đơn điệu về thông tin, thiếu tính hấp dẫn nên chưa thu hút được đông đảo người đọc. Về công nghệ chế bản, in, gia công còn nhiều thiết bị, công nghệ lạc hậu. Mạng lưới phát hành sách phân bố không đều. Hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở thiếu đồng bộ, chủ yếu là các xuất bản phẩm giấy, rất ít hệ thống thư viện điện tử. Công tác xã hội hóa các nguồn lực cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sách còn hạn chế.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản cần quán triệt, triển khai, thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xuất bản, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các đơn vị phát hành sách; chú trọng phát triển các quầy sách lưu động nhằm phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng xuất bản tài liệu bằng tiếng dân tộc phù hợp với trình độ, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số; vận động các cơ sở in trên địa bàn tỉnh chuyển đổi, nâng cấp, đầu tư mới thiết bị, hiện đại hoá công nghệ in; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển lĩnh vực xuất bản, in, phát hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những cá nhân, đơn vị vi phạm quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “thương mại hóa”, xuất bản, phát hành sách trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, xuất bản sách có chất lượng thấp, có quan điểm sai trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.