ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Lai Châu tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp
Lượt xem: 14
Với đặc thù của tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên rộng 9.068,78 km2, đứng thứ 10 về diện tích so với 63 tỉnh, thành trong cả nước, có nguồn tài nguyên nước, khoáng sản phong phú đa dạng tạo điều kiện để tỉnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế nhất là thủy điện, công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản và khai thác, chế biến sâu khoáng sản.
Cán bộ Công ty Thuỷ điện Huội Quảng -  Bản Chát vận hành các tổ máy
Cán bộ Công ty Thuỷ điện Huội Quảng - Bản Chát vận hành các tổ máy
Nằm ở khu vực vùng thượng lưu sông Đà, lượng mưa lớn nên mật độ sông suối cao từ 5,5-6 km/km2, có nhiều sông, suối lớn như Sông Nậm Na (diện tích lưu vực khoảng 2.190 km2), Sông Nậm Mạ diện tích lưu vực khoảng 930 km2, Sông Nậm Mu diện tích lưu vực khoảng 170 km2.... đây chính là nguồn tài nguyên lớn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời là nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện.

Về khoáng sản, Lai Châu có hơn 120 điểm khoáng sản, chủng loại rất phong phú, phân bố đều khắp ở các địa phương trong tỉnh: đất hiếm trữ lượng trên 20 triệu tấn) tập trung ở xã Nậm Xe (Phong Thổ); các điểm quặng kim loại màu (đồng, chì, kẽm) với trữ lượng khoảng 6.000-8.000 tấn tập trung ở khu vực Sin Cai, Bản Lang, Tam Đường; các điểm quặng sắt (Huổi Luông - Phong Thổ), đồng (Ma Ly Pho - Phong Thổ), nhôm (Nậm Mạ - Sìn Hồ)… vàng ở Chinh Sáng, Bản Bo (Tam Đường), Noong Hẻo, Pu Sam Cáp (Sìn Hồ); nguyên vật liệu xây dựng: đá lợp, đá vôi, đá đen, đá trắng, trong đó đá vôi có trữ lượng lớn, hàm lượng ôxít can xi cao có thể phát triển công nghiệp sản xuất xi măng với quy mô lớn; nước khoáng với các điểm ở Vàng Bó, Mường So (Phong Thổ), Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường), Vàng Bơ (Than Uyên)... tạo điều kiện để tỉnh phát triển công nghiệp nhất là công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lai Châu đã ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm và thủy sản theo hướng phát triển tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xu thế phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như Nghị quyết số 05 - NQ/TU ngày 22/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

 Tập trung nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, Khu công nghiệp Mường So và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay khu Công nghiệp Mường So đã thu hút 8 dự án đầu tư, cụm công nghiệp Than Uyên đã lựa chọn được chủ đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật... góp phần nâng cao giá trị ngành công nghiệp.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo đúng định hướng, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2024, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 40,5%; tốc độ tăng trưởng 14,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.651,3 tỷ đồng, vượt 9,9% kế hoạch, tăng 34,6% so với năm 2023.

Trong giá trị ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất điện chiếm tỷ trọng lớn 84,1%; đến hết năm 2024 có 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 201 MW hoàn thành phát điện hòa lưới điện quốc gia, nâng tổng số lên 61 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 3.096,85 MW. Tổng lượng điện sản xuất 8.204 triệu kWh, vượt kế hoạch 9,4%, tăng 37,8% so với năm 2023. Các công trình thủy điện lớn như: Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát và nhiều thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành phát điện, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và đưa ánh sáng đến khắp các thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Công nghiệp khai thác khoáng sản được quan tâm chú trọng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn, sản lượng khai đá xây dựng 703.114 m3 đạt kế hoạch đề ra; gạch xây dựng 79.810 triệu viên, vượt kế hoạch 3,7%, tăng 1,2%; xi măng 122.150 tấn, vươt kế hoạch 15,2%, tăng 61,8%; có 5 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, chế biến: khai thác và chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao, huyện Tam Đường; khai thác quặng đồng tại mỏ Dần Thàng và Nậm Pửng, huyện Sìn Hồ; khai thác chì - kẽm tại mỏ Si Phay, huyện Phong Thổ và 01 nhà máy chế biến quặng đồng tại huyện Tam Đường. Đã khánh thành và đưa vào sản xuất Nhà máy xi măng Norcem Yên Bình tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường từ tháng 10/2023 với dây chuyền hiện đại, công xuất thiết kế 500.000 tấn năm với tổng mức đầu tư 390 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 70 lao động địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì sản xuất ổn định với 07 nhà máy sản xuất gạch, 02 nhà máy sản xuất xi măng; 22 dự án khai thác, chế biến đá; 05 dự án khi thác cát phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản được quan tâm đầu tư; sản lượng chè khô chế biến đạt 11.380 tấn, tăng 3% so với năm 2023, xuất khẩu trên 3.600 tấn/năm; nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, 2 nhà máy chế biến mắc ca với công suất thiết kế 6.000 tấn quả tươi/nhà máy/năm; một số cơ sở chế biến tinh dầu quế; 1 hợp tác xã chế biến chuối với công suất thiết kế 100 tấn chuối tươi nguyên liệu/năm; 78 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với quy mô nhỏ; hàng năm chế biến trên 8.000m3 gỗ gồm các sản phẩm mộc dân dụng, gỗ cốp pha phục vụ xây dựng; 04 cơ sở chế biến thủy sản.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư; tăng trưởng công nghiệp chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp thấp; sản phẩm hàng hóa công nghiệp chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.…

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm phát triển công nghiệp năng lượng, chế biến nông, lâm, thủy sản, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện phát triển trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp về vai trò của phát triển công nghiệp đối với kinh tế - xã hội; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm,... nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh./.
Nguồn bài viết: Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu
Thu Hoa
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập