ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Lai Châu: Phát triển kinh tế dưới tán rừng
Lượt xem: 748
Với lợi thế diện tích rừng lớn, trên 70% dân số trên địa bàn tỉnh có cuộc sống liên quan đến rừng, hiện nay Lai Châu đang thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó tập trung trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái. Từ đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Lai Châu có tổng diện tích rừng 472.676,04ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392,33ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%. Diện tích rừng của tỉnh Lai Châu lớn, tính đa dạng sinh học cao, trong đó: diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 - 1.400m vào khoảng 29%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400m đến trên 3.100m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Hiện nay, tỉnh đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên, phong phú, quý hiếm như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô... Đây chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Lai Châu phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.

1

Người dân xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ tận dụng dưới tán rừng trồng sâm Lai Châu.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đang đầu tư trồng, phát triển cây sâm Lai Châu tập trung tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường với diện tích 100ha. Ngoài ra, có hàng trăm hộ dân ở các địa phương cũng đã tham gia liên kết hoặc tự trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Huyện Mường Tè là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 31/3/2023 về phát triển sâm Lai Châu và một số cây dược liệu quý, giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 30ha sâm Lai Châu, ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển một số loài cây dược liệu có giá trị khác như: thảo quả 2.100ha, sa nhân tím 1.517ha....

Anh Pờ Gạ Hừ - Trưởng bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè) tâm sự: “Bản có 52 hộ, trên 220 nhân khẩu, 100% là người dân tộc La Hủ. Hiện tại có hai doanh nghiệp đến bản để tổ chức liên kết trồng sâm dưới tán rừng. Ngoài ra, từ hơn 10 năm về trước trong bản cũng có một số hộ đưa cây sâm từ rừng về trồng chăm sóc gây giống tại vườn nhà. Đến nay, phía doanh nghiệp triển khai trồng trên địa bàn của bản khoảng trên 3ha, trong bản cũng đã có trên 40 hộ dân tham gia trồng sâm tại vườn nhà hoặc trồng trên nương thảo quả hay ở dưới tán những cánh rừng mà họ được nhà nước giao quản lý, chăm sóc”.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng bà con trên địa bàn tỉnh còn tập trung phát triển nuôi ong dưới tán rừng, toàn tỉnh hiện có 1.670 cơ sở nuôi ong (6 hợp tác xã và 1.664 hộ gia đình) với 19.546 đàn ong; trồng địa lan với khoảng 63.000 chậu; trồng sa nhân tím với diện tích 2.300ha; thảo quả khoảng 6.400ha. Nhờ đó, bà con có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

2

Người dân huyện Sìn Hồ phát triển cây dược liệu.

Bên cạnh đó, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, tạo ra các điểm du lịch có tiềm năng phát triển rất lớn gắn với hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng, có thể kể đến như: Khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn gắn với khu vực động Tiên Sơn và thác Tác Tình (huyện Tam Đường); điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ gắn với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (huyện Phong Thổ) và huyện Bát xát (Lào Cai); khu vực cao nguyên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ). Ngoài ra, hiện nay loại hình du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao đang rất được ưa chuộng, có thể kể đến: dù lượn đường trường Putaleng, khám phá và chinh phục đỉnh Pusilung (cao 3.083m), Putaleng (cao 3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), Tả Liên Sơn (cao 2.993m).

Trao đổi với chúng tôi ông Sùng Lử Páo - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Tam Đường là huyện có điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. Hiện nay, huyện đã hình thành hai khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đó là Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, Khu du lịch Pusamcap đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Ngoài ra, còn thu hút 3 doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án đầu tư gắn phát triển rừng bền vững với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Vườn Địa Đàng xã Sơn Bình; dự án du lịch thác trắng đèo Hoàng Liên Sơn; dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên. Tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả loại hình du lịch khám phá tại các đỉnh: Putaleng, Tả Liên Sơn; loại hình du lịch thể thao mạo hiểm dù lượn. Nhờ vậy, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến huyện Tam Đường đạt 380.000 lượt, doanh thu đạt 140,64 tỷ đồng.

Để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển. Đề án xác định tập trung phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển trồng mới 03 ha Sâm Lai Châu, 5ha bảy lá một hoa, 2ha lan kim tuyến và 250ha các loài dược liệu khác như: hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, Actiso...

Riêng đối với cây sâm Lai Châu được tỉnh xác định là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và xây dựng Bản đồ vùng thích hợp trồng sâm Lai Châu của tỉnh, xây dựng kế hoạch phát triển sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000ha và đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000ha đưa tổng diện tích Sâm Lai Châu của tỉnh lên 10.000ha.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh rà soát, xác định, quy hoạch vùng phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, nguồn vốn để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng, diện tích rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng được xem là hướng đi phù hợp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu.

Nguồn bài viết: Baolaichau.vn
Hà Tĩnh
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập