ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Lai Châu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 221
Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 giải quyết việc làm cho 8.500 lao động/năm; đào tạo nghề cho 8.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%.
anh tin bai

Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao
Để cụ thể hóa và giao chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nghề cho các huyện, thành phố, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 682/KH-UBND ngày 22/3/2021 về nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trong đó xác định chỉ tiêu cụ thể từng năm để các huyện, thành phố thực hiện; giai đoạn 2021-2025, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 37.500 lao động nông thôn (bình quân mỗi năm đào tạo 7.500 người), trong đó: lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp chiếm 30-40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,75% vào cuối năm 2025 (bình quân mỗi năm tăng 2,4%). Sau đào tạo, ít nhất có 85% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định, kế hoạch giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, đưa mục tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề được triển khai tích cực. Các hoạt động dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được chú trọng, chia thành 2 nhóm (nhóm nghề nông nghiệp, nhóm nghề phi nông nghiệp) đã giúp lựa chọn ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển - kinh tế xã hội của tỉnh và thị trường lao động; các lớp đào tạo nghề được tổ chức đến tận thôn, bản, linh hoạt về thời gian, địa điểm... thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ nguồn lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tổ chức tốt công tác đào tạo nghề đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đã tích cực đổi mới mạnh mẽ hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo hứng thú cho người học. Theo đó, hiện các cơ sở có gần 20 ngành, nghề đào tạo giảng dạy theo hướng tích hợp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và gần 80 bộ chương trình đào tạo từ trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên; chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu thị trường lao động; chú trọng đào tạo những ngành nghề trọng điểm, có nhu cầu cao như: điện công nghiệp, công nghệ ôtô, sửa chữa và lắp ráp máy tính…

 Hiện nay, Trường Cao đẳng Lai Châu mỗi năm đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động từ 200 - 300 lao động có tay nghề. Riêng hệ trung cấp nghề, hằng năm trên 80% sinh viên ra trường có việc làm ngay, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong giai đoạn 2019-2023, nhà trường có 2.777 học sinh, sinh viên được đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp; đa số các em có việc làm ổn định tại các cơ quan, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với đoàn công tác thành phố Mungyeong tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc thời vụ tại thành phố Mungyeong, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc; chỉ đạo, triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cố gắng vươn lên của nhân dân. Năm 2023, thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm; chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết việc làm cho 9.842/8.440 người đạt 116,6 % kế hoạch. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực; thành lập Tổ công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; triển khai các nội dung “Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động thời vụ tại Hàn Quốc”; thực hiện chỉ tiêu người lao động đi xuất khẩu lao động 317/150 lao động, đạt 211,33% kế hoạch, tăng gấp 1,45 lần so với cùng kỳ năm 2022 (nổi bật đưa được 46 lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp theo chương tình hợp tác giữa tỉnh Lai Châu và Thành phố Mungyeong, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc), góp phần quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập gắn với giảm nghèo bền vững.

Tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 8.845/8.000 chỉ tiêu, đạt 110,56% kế hoạch tỉnh giao, trong đó: Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn 8.152/7.450 chỉ tiêu, đạt 109,42% kế hoạch giao (Thành phố Lai Châu 250/250 chỉ tiêu; Nậm Nhùn: 1.154/600 chỉ tiêu; Tam Đường 1.100/1.000 chỉ tiêu; Tân Uyên: 670/1.000 chỉ tiêu; Than Uyên: 1.100/1.100 chỉ tiêu; Mường Tè: 1.045/1.100 chỉ tiêu; Sìn Hồ: 1.200/1.200 chỉ tiêu; Phong Thổ: 1.260/1.200 chỉ tiêu); đào tạo trình độ trung cấp 693/550 chỉ tiêu, đạt 126% kế hoạch giao. Thông qua các hoạt động đào tạo đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ hợp tác, các nhóm hộ gia đình sản xuất để giải quyết việc làm ngay tại địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ; chất lượng đào tạo một số nghề còn hạn chế. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và mở rộng thị trường lao động ngoài nước còn chậm. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài ít, chưa tương xứng với nguồn lực lao động của tỉnh.

Thời gian tới, để hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8% cần gắn đào tạo nghề với triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ sở đào tạo. Thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Quan tâm làm tốt công tác xã hội hoá trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề; mở rộng đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm dịch vụ việc làm, hội chợ việc làm; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp tại địa phương góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Nguồn bài viết: Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu
Lù Phái
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập