ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Lai Châu: Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Lượt xem: 371
Xác định việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, là giải pháp quan trọng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp quan tâm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
anh tin bai
Người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay hỗ trợ để phát triển kinh tế
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 3 công văn, 1 thông báo để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị; Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, công văn và quyết định tổ chức, triển khai thực hiện kịp thời; các huyện ủy, thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện ở địa phương, đơn vị.

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đặc biệt, trong các phiên họp của Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã vào Nghị quyết nội dung về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trọng tâm là: Bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội…

Công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội được tăng cường, triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng qua đó giúp nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về nguồn vốn tín dụng chính sách có sự chuyển biến tích cực. Việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách được các cấp, các ngành triển khai toàn diện, nghiêm túc, sát với thực tế, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 3.848.105 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2014, trong đó ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 194.221 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 5,05%/tổng nguồn vốn, tăng 179.221 triệu đồng, gấp 12,9 lần so với năm 2014. Nguồn vốn cho vay luôn được đón nhận, đặc biệt là các hộ dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các hộ chưa có việc làm ổn định; đến 30/6/2024, tổng dư nợ đạt 3.843.291 triệu đồng với 53.921 khách hàng còn dư nợ, tăng 2.748.353 triệu đồng so với cuối năm 2014.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu triển khai đến các đối tượng chính sách, đã giải ngân cho 179.762 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền 7.690.010 triệu đồng. Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp cho 35.981 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 412 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng số tiền 7.612 triệu đồng; tạo việc làm cho 21.826 lao động; 552 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hỗ trợ xây dựng 69.171 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 3.209 căn nhà với tổng số tiền 365.583 triệu đồng (trong đó 2.393 hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay làm nhà với số tiền 39.830 triệu, 816 khách hàng được vay làm nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với số tiền 325.753 triệu đồng)…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện điểm giao dịch tới địa bàn các xã; đến nay, toàn tỉnh có 106/106 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn hoạt động với phương thức “Phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” đã giải quyết hầu hết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, giúp tăng cường sự giám sát, chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội đảm bảo công khai, dân chủ, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay khi hồ sơ vay được cung cấp miễn phí và giải ngân, thu nợ, thu lãi tại xã, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó cho thấy điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng, đã, đang phát huy hiệu quả trong hoạt động chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các địa bàn.

Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng xã hội đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết của đại hội đảng bộ tại địa phương, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2014 - 2024, hỗ trợ tăng trưởng GRDP hằng năm bình quân trên 10%/năm, tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm, xây dựng được 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TU vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chưa huy động được nguồn lực do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn vốn. ..

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội, làm chuyển biến thực sự rõ nét về nhận thức, tổ chức thực hiện tốt ở tất cả các khâu. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu lồng ghép, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội gắn với các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác phối hợp giữa Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch xã; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của ngân hàng chính sách xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
 

 

Nguồn bài viết: laichau.dcs.vn
Tác giả: Bùi Đức Phong ​
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập