THÔNG
TIN THỜI SỰ TUẦN 4 THÁNG 12/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 23-29/12/2024)
-----
I. TIN THẾ GIỚI
1. Đại hội đồng Liên hợp quốc
thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng
Chiều 24/12 (giờ New York), Đại
hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua bằng đồng thuận Công ước LHQ về
Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở
ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước
Hà Nội”.
Công ước LHQ về Tội phạm mạng
(Công ước Hà Nội) gồm 9 Chương và 71 Điều là kết quả sau gần 4 năm đàm phán,
“Công ước Hà Nội” ra đời là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng
quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng.
Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của
nhân loại, công nghệ số cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe dọa
sự phát triển bền vững của hầu hết các quốc gia. Sự gia tăng đáng báo động của
tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây
thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên
đến 10.500 tỷ vào năm 2025, lớn hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết
các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, “Công ước Hà Nội” góp
phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc
tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng. Việc LHQ lựa chọn thủ đô Hà
Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng
trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt
Nam - LHQ
2. Tổng thống đắc cử Mỹ đề nghị
tạm hoãn lệnh cấm TikTok
Ngày 27/12, Tổng thống đắc cử Mỹ
Donald Trump đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu tạm hoãn lệnh cấm TikTok cho
đến khi chính quyền của ông có thể theo đuổi một "giải pháp chính
trị" cho vấn đề này. Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh TikTok và
chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đệ trình những bản tường
trình đối lập lên tòa. Trong đó, TikTok cho rằng tòa nên bác bỏ đạo luật có thể
cấm nền tảng này vào ngày 19/01/2025, trong khi Chính phủ Mỹ nhấn mạnh quan
điểm rằng đạo luật này là cần thiết để loại bỏ nguy cơ an ninh quốc gia.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình,
ông Donald Trump đã từng tìm cách cấm TikTok do lo ngại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông đã tham gia TikTok và
nhóm của ông sử dụng nền tảng này để kết nối với cử tri trẻ, đặc biệt là nam
giới.
3. Tai nạn máy bay tại Hàn Quốc
179 người thiệt mạng, 2 người được cứu
Tai nạn máy bay xảy ra lúc 9
giờ 7 phút sáng, theo giờ địa phương (tức 7 giờ 7 phút cùng ngày, theo giờ Hà
Nội) khi chiếc máy bay của hãng Jeju Air (Hàn Quốc) không thể bung càng, phải
hạ cánh bằng bụng, sau đó trượt dài trên đường băng, đâm vào hàng rào và phát
nổ tại sân bay quốc tế Muan ở tỉnh Nam Jeolla, cách thủ đô Seoul 288 km. Trên
máy bay có 175 hành khách và tổ bay 6 người, khởi hành từ thủ đô Bangkok của
Thái Lan. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử của Jeju Air, một
trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, được thành lập năm 2005. Quyền
Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp khẩn
cấp, được tổ chức vài giờ sau vụ tai nạn. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc nhất
tới gia đình các nạn nhân. Quốc tang sẽ bắt đầu từ ngày 29/12 kéo dài đến đêm 4/1/2025.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Hà Nội được chọn đăng cai Lễ mở ký Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng
Việc
Liên hợp quốc lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm
2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47
năm quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc. Lần đầu tiên một địa điểm của
Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến
một lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Lựa chọn này phản ánh vị
thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp
tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm
phán Công ước. Đăng cai Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” cũng sẽ là cơ hội để Việt
Nam tiếp tục phát huy vai trò một thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng
đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình
xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng
và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công
chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là bước cụ thể góp phần triển khai kịp
thời và hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột
phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị
quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV
Hội
nghị được tổ chức chiều 25/12, bằng hình thức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở
Chính phủ, trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội
nghị. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình
tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông
qua tại Kỳ họp thứ tám; nghe những yêu cầu cần triển khai đối với các luật vừa
được Quốc hội thông qua và một số kiến nghị về việc triển khai công tác xây
dựng pháp luật trong thời gian tới.
Hội
nghị cũng được giới thiệu một số nội dung trọng tâm, những điểm mới, đáng chú ý
trong các luật và công tác chuẩn bị triển khai thi hành luật gồm: Luật Công
đoàn (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
Luật Đấu thầu; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiếm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà
nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập
cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Dữ liệu;
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người
(sửa đổi); Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế…
3. Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương
Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy
Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau một thời
gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình
cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ
trần vào hồi 21 giờ 9 phút ngày 23/12/2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội
108.
Đại tướng Nguyễn Quyết sinh năm 1922, quê quán xã
Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Tham gia cách mạng, đến năm 18
tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 23 tuổi trở thành
Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Hà Nội nổi dậy, tiến hành
thành công tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần rất quan trọng để Cách
mạng Tháng Tám thành công, đóng góp vào sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, đồng chí đã được
Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao
Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân
chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương
Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng...
và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn
bè quốc tế trao tặng. Lễ viếng đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết được tổ chức ngày
27/12, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Họp Ban Chỉ đạo tỉnh về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW
Sáng 27/12, Ban Chỉ đạo tỉnh về
tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” họp thảo luận về dự
thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Đề án kết thúc hoạt
động các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh
nghiệp tỉnh; thành lập Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh
và Đảng bộ chính quyền tỉnh; Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan đảng,
đoàn thể cấp tỉnh. Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh
ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo
chủ trì cuộc họp.
Thực hiện
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy đã
lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị, bảo đảm đồng bộ, bài bản với cách làm thận trọng, quyết liệt, chất
lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả. Việc thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức, đơn
vị được thực hiện bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình
thực tế của địa phương. Toàn tỉnh đã tinh giản 2.149 biên chế; giảm 01 đảng
ủy khối, 09 phòng và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị, giảm 15 lãnh đạo,
quản lý cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; giảm 277 tổ
chức, đơn vị, giảm 261 lãnh đạo, quản lý chính quyền địa phương; giảm 02 xã, 34
cán bộ, công chức, 52 người hoạt động không chuyên cấp xã. Sau sắp xếp các cơ
quan, đơn vị, tổ chức bộ máy mới đã sớm ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ
quan, tổ chức được phân định, điều chỉnh, bổ sung kịp thời; cơ bản đã
khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ.
Ban Chỉ
đạo nhất trí với Đề án kết thúc hoạt động các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp
tỉnh, Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và thành lập Đảng bộ cơ
quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh; Đảng bộ chính quyền tỉnh. Thống
nhất về tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, biên chế, tài
sản, tài chính các đảng bộ được thành lập. Về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ
chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện: Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương trình Ban
Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hợp nhất 02 ban đảng tỉnh; các ban chuyên
môn và công đoàn ngành trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Sáp nhập, hợp nhất
một số cơ quan chuyên môn UBND tỉnh; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ giữa các
sở để tránh chồng chéo, trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ; thành lập
Ban Dân tộc - tôn giáo tỉnh trực thuộc UBND tỉnh. Phương án sắp xếp các cơ quan
chuyên môn cấp huyện sẽ thực hiện tương tự như ở cấp tỉnh. Dự kiến sau sắp xếp,
các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh sẽ giảm 06 cơ quan cấp tỉnh, 24
phòng, đơn vị thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và 09 phòng thuộc chi cục, 05
hoặc 06 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, 05 phòng thuộc
đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành, 24 phòng, ban cấp huyện.
2.
Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Lai Châu tại thành phố Đồng Hới, tỉnh
Quảng Bình
Với mong muốn đưa hình ảnh về “Miền đất – Thiên nhiên – Văn hoá – Con
người Lai Châu” đến gần hơn với nhân dân, du khách tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh
Trung-Nam Bộ; tạo điểm nhấn thu hút khách đến với Lai Châu trong thời gian tới.
Từ ngày 27 - 28/12/2024 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hoá Thể thao tỉnh
Quảng Bình tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch với chuỗi các hoạt động
Văn hoá – Du lịch đặc sắc. Chương trình lần này sẽ giúp người dân, du khách tại
Quảng Bình và các tỉnh Trung – Nam Bộ hiểu rõ hơn về miền đất nơi biên cương Tổ
quốc (Lai Châu), những nét đẹp trong văn hóa của 20 dân tộc cũng như những danh
lam thắng cảnh, những điểm du lịch hấp dẫn mà tỉnh Lai Châu đang sở hữu, khai
thác.
3. 300 học viên tham dự tập huấn khôi phục,
bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít
người
Lớp
tập huấn diễn ra trong 03 ngày (từ 27 đến 29/12/2024) do Vụ Văn hóa dân tộc -
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tỉnh Lai Châu tổ chức tập huấn khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc
văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người. Lớp tập huấn là một
trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các
dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Lớp
tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lự
gắn với phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ tổ chức khôi phục, bảo tồn và
phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người. Tham gia tập
huấn, học viên được nghe các nội dung: Khái quát về công tác bảo tồn, phát huy
bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc
thiểu số; thực trạng hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc
thiểu số tỉnh Lai Châu nói chung và dân tộc Lự nói riêng; các yếu tố ảnh hưởng đến
sự biến đổi trong văn hóa truyền thống dân tộc Lự và vai trò của cộng đồng dân
tộc Lự trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; phương pháp, kỹ
năng chung để bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số
nói chung, dân tộc Lự nói riêng; hướng dẫn và thực hành sử dụng các thiết bị
điện tử ghi âm, ghi hình, chụp hình và các phần mềm, ứng dụng công nghệ, trí
tuệ nhân tạo để sản xuất các sản phẩm truyền thông hiện đại phát hành trên các
tài khoản mạng xã hội...