Nhìn lại chặng đường sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, đến nay, ngành Nông nghiệp đã từng bước khẳng định được vai trò là trụ cột kinh tế. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa và có nhiều sản phẩm thế mạnh. Nông nghiệp phát triển, “tam nông” ngày càng khởi sắc.
Nỗ lực vượt khó
Năm 2004, khi tỉnh mới chia tách, thành lập, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, phần lớn tự cung, tự cấp; cơ cấu cây trồng chủ yếu là những cây trồng truyền thống như: lúa ngô, chè và rau màu. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp chỉ đạt 523,86 tỷ đồng, chiếm 35,1% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 2,29 triệu đồng/người/năm (bằng 50,6% thu nhập bình quân khu vực nông thôn của cả nước).
Xác định tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo, tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển nông nghiệp. Trong từng giai đoạn, tỉnh đề ra các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững. Đồng thời, khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả, không phù hợp với địa phương để thu hút đầu tư phát triển mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực. Vì vậy, nhiều địa phương tận dụng tiềm năng, lợi thế, nỗ lực hình thành vùng sản xuất chuyên canh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả.
Chè là một trong những cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Những năm qua, huyện Than Uyên chủ động xây dựng bản đồ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xác định rõ cây, con chủ lực phù hợp với thực tế của huyện. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn thông qua chính sách hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện từng bước vượt qua khó khăn và thu những kết quả tích cực. Đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: Nhờ có những giải pháp đồng bộ trong phát triển nông nghiệp, đến nay, huyện đã xác định được 3 sản phẩm chủ lực gồm: lúa, chè, cá. Huyện còn có 1.500ha lúa sản xuất hàng hóa với 3 nhãn hiệu sản phẩm “Gạo tẻ tròn Than Uyên”, “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”, “gạo nếp tan pỏm đặc sản Than Uyên”. Trong đó, 19ha lúa tẻ tròn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; trên 1.830ha chè, sản lượng đạt trên 6.000 tấn búp tươi/năm; 825 lồng cá, tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm ước đạt trên 800 tấn. Ngoài 3 sản phẩm chủ lực, Than Uyên phát triển thêm được gần 1.400ha mắc-ca, 2.600 thùng ong, trên 300ha cây ăn quả, sản lượng 1.000 tấn/năm. Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng nuôi khép kín, an toàn sinh học với quy mô đàn lớn, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Công tác bảo vệ, phát triển rừng luôn được huyện Than Uyên quan tâm, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 39%.
Không chỉ huyện Than Uyên, các huyện trong tỉnh cũng nỗ lực vượt khó, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 6.107 tỷ đồng (năm 2023), tăng 5.582 tỷ đồng so với năm 2004. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 20,78 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,3%. Chăn nuôi có bước tăng trưởng khá, tổng đàn tăng hàng năm, hình thức chăn nuôi chuyển dần sang hướng hàng hóa.
Tự hào những sản phẩm thế mạnh
Từ những quyết sách đúng đắn của tỉnh và sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành; đặc biệt là ngành Nông nghiệp và nhân dân; đến nay, Lai Châu có nhiều sản phẩm nông nghiệp đáng tự hào. Đơn cử như cây chè, toàn tỉnh có 9.816ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700ha. Cây chè được trồng tập trung ở các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ… với các giống shan tuyết, kim tuyên, PH8. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Tỉnh khuyến khích người dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện để nâng cao thu nhập.
Bên cạnh cây chè, toàn tỉnh có 3.859ha lúa hàng hóa tập trung sử dụng các giống lúa chất lượng cao và đặc sản như: tẻ râu, séng cù, J02...; sản lượng trung bình ước đạt 20.060 tấn. Xã Bình Lư (huyện Tam Đường) hiện đã xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa hơn 200ha cấy 2 vụ, với cơ cấu giống lúa: séng cù, hương thơm số 1, tám thơm Điện Biên… Anh Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Trong hơn 200ha lúa của xã được sản xuất theo hướng hàng hóa có hơn 40ha cấy lúa séng cù. Tuy năng suất không cao như lúa lai, nhưng cơm dẻo, thơm, thường xuyên được thương lái, người tiêu dùng tìm mua. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ giống lúa này, từ nguồn hỗ trợ theo đề án của tỉnh, xã vận động bà con sản xuất theo hướng hàng hóa. Thời gian qua, xã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù, sản lượng đạt 5,2 tấn/ha/vụ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân”.
Các địa phương cũng phát huy tiềm năng, lợi thế tại một số vùng có điều kiện thuận lợi để nuôi cá tầm, cá hồi và mặt nước trên các hồ thủy điện nuôi cá lồng. Từ đó, thúc đẩy nghề thuỷ sản từng bước phát triển, có kỹ thuật tiên tiến, năng suất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có khoảng 1.000ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng ước đạt 10.690 tấn, nhiều hộ chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất chế biến và tiêu thu sản phẩm. Qua đó, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Đồng chí Đặng Văn Châu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Những thành tựu đạt được trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp từng bước khẳng định vai trò là trụ cột kinh tế của tỉnh. Để từng bước đưa nông nghiệp Lai Châu phát triển bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, bảo đảm quy mô sản xuất đủ lớn trên cơ sở thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng cơ giới hóa trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, đặc biệt hướng dẫn người dân áp dụng, thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… để tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng các thị trường khó tính.