Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo việc học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên có ý nghĩa quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, coi trọng. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21/02/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”, hay trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên, tháng 8/1959, Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng” …
Trong giai đoạn hiện nay, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo: Kết luận 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” nhấn mạnh: "Đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị, bảo đảm sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường"; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu mục tiêu: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả".
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nêu yêu cầu: "Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nề nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương".
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030", đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh có chuyển biến tích cực, đa số học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, học sinh được trải nghiệm thực tế và có kiến thức, kỹ năng, biết vận dụng kiến thức đã học và thực tiễn đời sống. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo. 100% cán bộ quản lý, giáo viên tích cực tham gia và hoàn thành các nội dung bồi dưỡng được đánh giá kết quả từ đạt trở lên qua bài khảo sát cuối đợt bồi dưỡng.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập và kiểm tra, đánh giá việc học tập lý luận chính trị, việc giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động giáo dục; phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên, đặc biệt pháp luật về phòng chống ma túy, chấp hành an toàn giao thông, kỹ năng phòng tránh lừa đảo khi tham gia mạng xã hội…
Các cơ sở giáo dục đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng công tác giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng lý luận chính trị cho giáo viên. Cân đối, hài hòa giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng và phát triển thái độ tích cực của học sinh; thông qua các môn học, trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh việc tích hợp nội dung giáo dục lý luận chính trị, đạo đức vào các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động trải nghiệm, hoạt động Đoàn, Đội,... Tích hợp nội dung "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong quá trình giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời có sự vận dụng, liên hệ kiến thức môn học với thực tế ở nhà trường và địa phương, góp phần củng cố niềm tin, ý thức và việc làm cụ thể của học sinh góp phần hình thành nhân cách cho học sinh.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhiều giáo viên đã đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, thi đua dạy tốt, học tốt; nhiều học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi đấu thể dục thể thao các cấp và phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Để đạt được các kết quả trên, Ngành GD&ĐT triển khai thực hiện tốt các công việc sau:
Làm tốt công tác tham mưu, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về Kết luận số 94-KL/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử của ngành, đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung, tinh thần Nghị quyết, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh luôn nêu cao tinh thần tự nghiên cứu, học tập lý luận chính trị. Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan toả. Đồng thời cũng có giải pháp kịp thời để ngăn chặn, răn đe những trường hợp vi phạm.
Luôn xác định việc học tập lý luận chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013.
Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị.
Chỉ đạo các đơn vị trường triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị; đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như việc định hướng chính trị, tư tưởng. Đội ngũ giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực tiếp cận với phương tiện, công cụ hỗ trợ hiện đại, bài giảng sát với thực tế ở địa phương, đảm bảo tính định hướng chính trị.
Những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 94- KL/TW đã góp phần tạo sự chuyển biến về chất trong công tác dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân tại các trường học trên địa bàn; tạo ra “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trong giai đoạn bùng nổ thông tin toàn cầu và sự giao thoa văn hóa như hiện nay, giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên có nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, tạo niềm tin, sự thống nhất về tư tưởng chính trị và hành động, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Tuy nhiên, công tác học tập lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân của tỉnh Lai Châu hiện nay vẫn còn khó khăn, hạn chế: Việc tổ chức học tập, quán triệt Kết luận 94-KL/TW; Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW ở một số cơ sở giáo dục chất lượng chưa cao; tài liệu, nội dung giảng dạy một số chủ đề, bài học lý luận chính trị đôi khi còn nặng về lý thuyết, việc gắn lý luận với thực tiễn đôi khi còn hạn chế; đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật còn thiếu; chưa có giáo viên được đào tạo chuyên về dạy môn Đạo đức (cấp tiểu học), giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (cấp trung học phổ thông) chưa được đào tạo nội dung về kinh tế; việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học ở một số giảng viên, giáo viên mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; khả năng cập nhật, ứng dụng dụng công nghệ thông tin, sử dụng kỹ thuật dạy học hiện đại trong giảng dạy còn hạn chế.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế tiếp tục đổi mới dạy việc học tập lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân của tỉnh Lai Châu trong thời gian tiếp theo, Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, nhân rộng những cách làm hay, đồng thời triển khai thực hiện thêm một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chú trọng gắn thực hiện Kết luận số 94-KL/TW với Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030".
Hai là, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân về vị trí, vai trò của học tập lý luận chính trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Ba là, rà soát, đánh giá về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Bốn là, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư về tài liệu, trang thiết bị dạy và học để đội ngũ giảng viên, giáo viên có thể vận dụng những phương pháp dạy học tích cực vào trong công tác giảng dạy theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình mới.
Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả. Kịp thời phát hiện và giới thiệu những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình tiên tiến trong đổi mới dạy và học, nhất là dạy học lý luận chính trị, đạo đức, lối sống, nhằm khơi dậy nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sáu là, chỉ đạo các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức giảng dạy các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân lồng ghép việc giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chú trọng hướng dẫn giảng viên, giáo viên tích cực sử dụng, khai thác, phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ với công nghệ, phương tiện hiện đại trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho học sinh; đồng thời chú trọng đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền lịch sử truyền thống, phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm giàu cho quê hương của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên.
Bảy là, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến, xây dựng và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên.
Tám là, chỉ đạo các cơ sở giáo, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”.