Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo Bác vốn là công việc thường xuyên và tất yếu của Đảng ta trong suốt 94 năm qua. Từ khi thành lập Đảng và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927.
Trường Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trọng tâm là truyền tải hệ thống tri thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chi bộ, lãnh đạo nhà trường xác định phải gắn liền với nhiệm thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để từ đó, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên (học viên) vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, trên tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát huy vai trò của mỗi cá nhân góp phần đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh) tham gia thi giảng viên
dạy giỏi cấp trường.
Ngay sau khi Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 29/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện, Cấp ủy, lãnh đạo Trường đã phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và học viên. Việc học tập và làm theo Bác được cán bộ, đảng viên, người lao động, học viên nhà trường hưởng ứng mạnh mẽ, với mục tiêu trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đạt được một số kết quả nhất định.
Đối với công tác giảng dạy và học tập, Cấp ủy, lãnh đạo Trường luôn chú trọng nhiệm vụ xây dựng và đào tạo đội ngũ giảng viên, thường xuyên cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cần thiết đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị. Hiện nay, gần 100% giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm của Trường có trình độ thạc sỹ, một đồng chí lãnh đạo Trường đang làm hồ sơ nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ; đặc biệt, 19/22 giảng viên được bồi dưỡng kiến thức kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong công tác giảng dạy, Ban lãnh đạo Trường thường xuyên quán triệt tinh thần, phương châm về lan tỏa những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức cho học viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, dân chủ XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam… nhằm xây dựng và củng cố nềm tin của cán bộ, học viên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
Trong quá trình nghiên cứu, soạn giảng, mỗi giảng viên đều chọn lọc những vấn đề có liên quan, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn sinh động của đất nước, của Tỉnh để đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch nhằm bảo vệ tính khoa học, cách mạng và những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao bản lĩnh, lý tưởng, trách nhiệm của học viên đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp, phương tiện hiện đại vào giảng dạy, thực hiện phương châm lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tính tự giác, tinh thần trách nhiệm tự học tập, tự nghiên cứu của người học; đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá (tự luận, trắc nghiệm và hướng tới vấn đáp) kết hợp với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị đảm bảo nghiêm túc, thực chất....
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo Trường đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động dự giờ (gồm dự giờ theo kế hoạch và đột xuất), thao giảng cấp khoa, Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, giảng viên dạy giỏi toàn quốc, xây dựng, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhà trường đã chọn cử 08 lượt giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả có 08 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi, trong đó có 03 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Từ năm 2021 đến nay, nhà trường đã mở 23 lớp Trung cấp lý luận chính trị (trong đó 14 lớp tập trung với 641 học viên) với 1066 học viên, 68 lớp bồi dưỡng với 3952 học viên (trong đó có 21 Bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ và tương đương quản lý (đối tượng 4) với 1246 học viên). Hàng năm, nhà trường xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện của học viên, đẩy mạnh phong trào thi đua “Giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt, học tập tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”, tạo diễn đàn để học viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, rèn luyện…
Đối với công tác nghiên cứu, trong năm qua, Nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Cụ thể, thực hiện và nghiệm thu đạt 07 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa và đang tiếp tục triển khai 01 đề án cấp tỉnh về xây dựng Trường Chính trị Lai Châu đạt chuẩn; 01 đề tài khoa học cấp tỉnh; 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thành ủy Lai Châu, Viện Văn hóa phát triển (HVCTQGHCM) tổ chức thành công 04 hội thảo khoa học cấp tỉnh, 10 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường và 14 hội thảo khoa học cấp khoa.
Cán bộ, đảng viên nhà trường thường xuyên nghiên cứu viết bài nghiên cứu khoa học và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đăng trên nội san, trang thông tin điện tử nhà trường các tạp chí trong nước, số lượng và chất lượng bài viết tham gia cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng được nâng cao (năm 2021: 09 bài, năm 2022: 37 bài; năm 2023: 40 bài), trong đó 01 giảng viên của Trường đạt giải cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng toàn quốc lần thứ III năm 2023. Số giờ nghiên cứu khoa học hàng năm của giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm của nhà trường có xu hướng ngày càng tăng và luôn vượt cao hơn so với quy định giờ nghĩa vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2021: 7130/4570; năm 2022: 10555/4258; năm 2023: 16686/4410) và có những đóng góp quan trọng trong hai công trình nghiên cứu khoa học lớn của tỉnh là Văn kiện Đảng bộ tỉnh Lai Châu toàn tập và bộ Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu 1949 - 2020.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, việc đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đa số cán bộ, đảng viên đã hiểu và nắm vững được nền tảng tư tưởng của Đảng, xác định và kiên định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có tinh thần trách nhiệm hơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt là sau khi được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, xác lập và củng cố niềm tin, tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể trên địa bàn công tác của mình góp phần tích cực vào việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị của địa phương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà trường xác định sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 với những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Trường Chính trị. Bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án xây dựng Trường Chính trị Lai Châu đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu chuẩn mức độ 1 vào năm 2026. Đẩy mạnh việc hưởng ứng cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đại bộ phận cán bộ đảng viên, viên chức, học viên nhà trường.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chuyên môn như: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, soạn giảng, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, học tập của học viên thông qua các hoạt động dự giờ, thao giảng, hội thi giảng viên dạy giỏi, học viên giỏi lý luận chính trị. Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có năng lực và kỹ năng làm việc hiệu quả, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có phong cách làm việc mẫu mực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời kỳ mới. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho mỗi giảng viên về vai trò và trách nhiệm của mình, tinh thần đổi mới, sáng tạo thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bài giảng, thực hiện tốt phương châm gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động thảo luận, tương tác với học viên, kiên quyết khắc phục lối dạy nặng về truyền đạt lý thuyết, thông tin một chiều, lý luận không gắn liền với thực tiễn; gắn đổi mới phương pháp giảng dạy với đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên.
Tăng cường định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên về động cơ, thái độ học tập đúng đắn, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng với rèn luyện phẩm chất, thái độ cho cán bộ, đảng viên. Chú trọng yêu cầu về thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp học tập Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo phương châm cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với từng đối tượng. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ cán bộ trẻ hiện nay.