Đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động
Lai Châu là địa bàn cư trú của 20 dân tộc, trong đó 19 dân tộc thiểu số (chiếm trên 84% dân số). Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân các dân tộc còn có sự chênh lệch với các tỉnh trong khu vực. Xác định việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là công tác giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ và lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Lai Châu là đơn vị đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề của tỉnh. Từ năm 2019, trường đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình giáo dục đại học sang giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giáo dục và đào tạo, nhất là loại hình đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Toàn trường hiện có 44 mã ngành nghề đào tạo, trong đó 6 mã ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng; 17 mã ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp; 8 mã ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp; 10 mã ngành đào tạo thường xuyên; 3 mã ngành đào tạo bồi dưỡng. Có 5 nghề trọng điểm là: điện công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, vận hành máy thi công nền, tin học ứng dụng, trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Hằng năm, trường tuyển sinh đào tạo 1/6 mã ngành nghề trình độ cao đẳng (cao đẳng Giáo dục mầm non) 14/16 mã ngành nghề trình độ trung cấp; 2/8 mã ngành nghề đào tạo sơ cấp và nhiều mã ngành nghề đào tạo dưới 3 tháng với tổng số trên 4.200 học sinh, sinh viên học viên. Nhà trường đã phối hợp, liên kết đào tạo với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện Sìn Hồ, Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè để tuyển sinh học sinh đang học tại Trung tâm giáo dục đào tạo nghề song song với học văn hóa tại các địa phương. Theo đó học sinh hoàn thành đồng thời chương trình giáo dục phổ thông và chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Trường đã công nhận tốt nghiệp và cấp 1.016 bằng tốt nghiệp trình độ nghề trung cấp với 14 ngành/ nghề cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Đồng thời khi theo học song song hai chương trình, học sinh, sinh viên được hưởng một số chính sách theo quy định như: miễn học phí, được tạo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại ký túc xá; sau khi tốt nghiệp, nhà trường thực hiện phối hợp với các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh trong công tác hướng nghiệp giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên đã liên kết phối hợp với trên 70 doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, giúp nhiều học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định, có thu nhập tốt. Đến nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên đỗ tốt nghiệp có việc làm đạt gần 80%.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 22/01/2024 ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024; Kế hoạch tổ chức Hội giảng nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Lai Châu lần thứ IV năm 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp"; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024. Theo đó, các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật 11 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh, đào tạo được 2.238/8.000 chỉ tiêu, đạt 28% kế hoạch tỉnh giao. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả công việc. Hiện tại, 100% nhà giáo thuộc các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin. Các nhà giáo đều ứng dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, như: xây dựng giáo án, bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm quản lý đào tạo để đánh giá kết quả học tập người học; 11/14 chương trình trình đào tạo được chỉnh sửa bổ sung đáp ứng chuẩn tin học cơ bản đối với các chương trình đào tạo; 100% cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã đưa vào vào khai thác, sử dụng mạng Internet (bao gồm cả mạng không dây Wifi) trong phạm vi trường, các phòng làm việc của Ban giám hiệu, khoa phòng, các giảng đường lý thuyết, xưởng thực hành và khu ký túc xá. Triển khai nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo để kết nối liên thông đồng bộ giữa quản lý học sinh sinh viên với quản lý đào tạo,... từng bước đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu các lớp, các khóa đào tạo trên phần mềm đã nâng cấp. Chuyển từ thủ công sang sử dụng phần mềm quản lý đào tạo; 100% chương trình đào tạo đã được số hóa và cập nhật trên website của cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, đây là nguồn tài nguyên quan trọng để nhà giáo, học sinh, sinh viên có thể khai thác phục vụ dạy và học; Quản lý số và quản trị số từng bước được triển khai, như: xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về Giáo dục nghề nghiệp, phần mềm quản lý đào tạo, giảng dạy, tài chính, tài sản, điều hành, báo cáo.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu lao động qua đào tạo còn bất hợp lý, chưa phù hợp với nhu cầu chung của thị trường lao động, đặc biệt là chưa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp chủ yếu từ ngân sách trung ương, chưa đáp ứng được nhu cầu địa phương. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt.
Để triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư một cách đồng bộ toàn diện hơn, xuất phát từ thực tiễn của Lai Châu cần đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, qua đó, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ công tác rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người chấp hành xong hình phạt tù, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, gắn với tiếp tục thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Kết luận số 209-KL/TU của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.