Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực |
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) đã tổ chức Tọa đàm về Hiệp định Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ), với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, cùng nhiều diễn giả, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực luật biển và đại dương.
Dưới sự điều phối của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Tổng Thư ký VSIL, Tọa đàm đã tiến hành thảo luận về nhiều khía cạnh của Hiệp định này. Bà Charlotte Salpin (Cố vấn pháp lý cao cấp, Văn phòng các vấn đề về Biển và Đại dương của Liên hợp quốc) đã cung cấp tổng quan về Hiệp định BBNJ, từ lịch sử hình thành cho tới các nội dung chủ yếu của Hiệp định. Thảo luận sâu hơn về từng vấn đề cụ thể, Tiến sĩ Nilufer Oral (Thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore) giải thích về cơ chế thực thi và tuân thủ Hiệp định; Giáo sư Kentaro Nishimoto (Đại học Tohoku, Nhật Bản) làm rõ về nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường; và Tiến sĩ Sarah Lothian (Đại học Wollongong, Úc) trình bày về cơ chế xây dựng năng lực, tài chính và chuyển giao công nghệ trong Hiệp định BBNJ và so sánh với quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Qua phiên thảo luận, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ hơn việc thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường và cơ chế tài chính và xây dựng năng lực trong Hiệp định BBNJ, và qua đó diễn giả cung cấp thêm các ví dụ điển hình về các dự án, hợp tác xây dựng năng lực và hỗ trợ cho các quốc gia.
Được mệnh danh là “Hiệp ước biển cả”, Hiệp định BBNJ là văn kiện pháp lý mới nhất được xây dựng nhằm thực thi Công ước Luật biển. Hiệp định BBNJ là thành quả của quá trình thương lượng, đàm phán kéo dài nhiều năm kể từ năm 2004 và chính thức được thông qua và mở ký trong năm 2023. Nội dung chính của Hiệp định xoay quanh các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay, như chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển, thiết lập vùng bảo tồn biển, đánh giá tác động môi trường, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ… Hiệp định cũng thiết lập cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, xây dựng cơ chế tài chính...
Hiệp định BBNJ được coi là cột mốc mới trong phát triển của luật biển quốc tế, thể hiện quyết tâm của các quốc gia chung tay xây dựng một văn kiện quốc tế về quản trị vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc tế, hướng tới thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 14 của Liên hợp quốc. Thành quả này một lần nữa khẳng định ý nghĩa phổ quát của Công ước Luật biển là “Hiến pháp của đại dương”, là minh chứng sống động cho thấy Công ước vẫn là khuôn khổ pháp lý nền tảng để giải quyết các vấn đề mới nổi trong quản trị biển và đại dương.
Là một quốc gia ven biển luôn đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình thương lượng, đàm phán xây dựng Hiệp định thứ ba thực thi Công ước. Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định và hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ phê duyệt Hiệp định. Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nước tham gia vào quá trình chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định khi chính thức có hiệu lực.
Tọa đàm này là một trong các nỗ lực của Bộ Ngoại giao và Hội Luật quốc tế Việt Nam nhằm tuyên truyền rộng rãi hơn về Công ước Luật biển nói chung và Hiệp định BBNJ nói riêng tới các bộ, ngành, cơ quan trong nước, cũng như giới nghiên cứu luật pháp quốc tế tại Việt Nam, qua đó làm rõ hơn nghĩa vụ của các quốc gia cũng như những lợi ích mang lại từ các cơ chế hỗ trợ trong Hiệp định này, bao gồm chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và hỗ trợ tài chính./.