Cột cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn - cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo
Tỉnh Quảng Ngãi định hướng xây dựng hình ảnh Lý Sơn là biểu tượng lịch sử, là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến với núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hình ảnh lá cờ tung bay trong gió trên chiếc cột cờ đứng sừng sừng giữa không gian bao la khiến ai nhìn thấy cũng có cảm giác vô cùng tự hào.
Cách đây tròn 10 năm, vào ngày 16-12-2013, Cột cờ Tổ quốc được xây dựng trên núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã hoàn thành sau gần 3 tháng xây dựng. Nằm trong chương trình “Hướng về biển đảo quê hương”, cột cờ được xây dựng từ đóng góp của đoàn viên, thanh niên cả nước với tổng kinh phí khoảng 850 triệu đồng. Việc xây dựng cột cờ nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, đảo Tổ quốc, đồng thời thể hiện tấm lòng của tuổi trẻ cả nước hướng về biển đảo quê hương.
Cột cờ có chiều cao 20m, đường kính 3m, lá cờ có kích thước 4x6m, mặt chính cột cờ hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh có 4 bức phù điêu hình ngọn lửa dựa trên biểu trưng của Hội Sinh viên Việt Nam. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Đài cột cờ cao 5m, có thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.
Du khách tới tham quan cột cờ Tổ quốc đảo Lý Sơn sẽ được đắm mình vào không gian bao la, thoáng mát, rộng mở ngay trước mắt. Phía xa xa là hướng biển lớn, bên dưới là bãi biển trong xanh.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới ở đảo Lý Sơn không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn được ví như cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Đây là công trình thể hiện sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc của thế hệ trẻ cả nước.
Tỉnh Quảng Ngãi định hướng xây dựng hình ảnh Lý Sơn là biểu tượng lịch sử, là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lý Sơn đón khoảng 700.000-800.000 lượt khách, trong đó có khoảng 30.000-40.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 3 lần so với năm 2019); tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 6.000-7.000 lao động trực tiếp.
Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn đón khoảng 1,5-1,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100.000-150.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch 3.000-3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 20.000-25.000 lao động trực tiếp.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.
Có 5 nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh đề ra nhằm thu hút nguồn lực phát triển huyện đảo. Đó là, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, cùng với nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn trong tương lai sẽ là đòn bẩy tạo sự bứt phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển đảo; đưa Lý Sơn trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo của Lý Sơn. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí kết nối khu đô thị-dịch vụ tại Lý Sơn; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các lễ hội truyền thống đặc sắc của địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các nước trong khu vực để quảng bá du lịch...