Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới
Hội nghị được trực
tuyến từ Trung ương đến các huyện, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu
BHXH tỉnh Lai Châu có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, BHXH tỉnh, Sở Y tế, Sở
Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bưu điện tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố Lai
Châu.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc
hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Mạnh - Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH
Việt Nam nhấn mạnh: Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động
trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 07/9/2009 Ban Bí thư đã ban
hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Sau 15
năm triển khai thực hiện Chỉ thị, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị,
đã tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển
khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người
dân. Hội nghị tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của ngành BHXH
Việt Nam nhằm đánh giá các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm
trong tổ chức thực hiện cũng như đề xuất, kiến nghị để chính sách BHYT ngày
càng hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Theo đánh giá, việc
triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW được ngành BHXH thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ
Trung ương đến địa phương; 100% cấp ủy Đảng,
đơn vị trực thuộc, BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đã phổ biến quán triệt tới từng đảng
viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Sau 15 năm triển khai,
BHXH Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao tại Chỉ thị số
38, cụ thể: Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị
sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và người tham gia về vị trí, vai
trò và ý nghĩa của BHYT. Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách
về BHYT. Đổi mới công tác thông tin truyền thông và tuyên truyền về BHYT.
Kết quả công tác
xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để pháp quy hóa Chỉ thị: Với vai trò là
cơ quan tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),
BHYT, cơ quan BHXH nắm bắt rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nên thường
xuyên, chủ động đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện chính sách, pháp
luật, tổng hợp từ địa phương tới Trung ương về những vướng mắc, bất cập trong
quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động, đề xuất, kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT cho phù hợp.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng (đặc biệt
là Ban Tuyên giáo Trung ương); các bộ, ban, ngành; tổ chức chính trị, xã hội,
đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương để tuyên truyền
phổ biến Chỉ thị và chính sách BHYT tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội
trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.
Độ bao phủ BHYT đã
tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư có Chỉ thị 38, năm
2008, toàn quốc mới chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt
46,1% dân số. Đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần
so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số.
Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị tại
điểm cầu BHXH tỉnh Lai Châu
Bên cạnh số người
tham gia BHYT đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra, công tác quản lý và sử dụng quỹ
BHYT được thực hiện hiệu quả. Quỹ BHYT được cân đối thu - chi; quyền lợi của
người tham gia BHYT được đảm bảo. Hàng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt
người KCB, quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 có trên 174 triệu
lượt KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương,
bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch
vụ KCB của người có thẻ BHYT.
Công tác giám định,
công tác thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản trong hoạt động góp phần
nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT. Trong đó, chỉ đạo BHXH
các tỉnh, thành phố phối hợp với sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện các giải
pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, đảm quyền lợi của người tham
gia BHYT. Qua đó, phát hiện nhanh chóng,
kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng quỹ BHYT không hợp
lý, góp phần giảm chi quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng. Từ khi đưa vào triển khai, sử
dụng (tháng 1/2017) đã góp phần giảm chi từ quỹ BHYT qua các năm gần 10.000 tỷ
đồng, góp phần phục vụ nhân dân KCB trong những trường hợp cần thiết hơn. Số dư
quỹ BHYT được duy trì ổn định bền vững (trước khi có Chỉ thị 38, vào năm 2009,
quỹ BHYT mất cân đối thu - chi với số tiền là 2.444 tỷ đồng thì đến năm 2015,
lũy kế kết dư đạt 49.330 tỷ đồng; đến hết năm 2023, kết dư Quỹ BHYT đạt 57.284
tỷ đồng)
Về ứng dụng công
nghệ thông tin, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số của
ngành BHXH tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi BHYT cho người tham gia
BHYT để người dân được bảo vệ, chăm sóc, KCB, nâng cao sức khỏe. BHXH Việt Nam
hiện đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung và đảm bảo an toàn
thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của
ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng. Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống
thông tin giám định BHYT kết nối trực tuyến với các cơ sở KCB từ tuyến xã đến
Trung ương. Ứng dụng trên thiết bị di dộng VssID - Bảo hiểm xã hội số cung cấp
các dịch vụ công, công khai, minh bạch thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; đến
nay VssID đã thu hút khoảng 35 triệu người sử dụng và nhận được nhiều phản hồi
tích cực, đánh giá cao từ phía người dân. Phối hợp với Bộ Công an kết nối chia
sẻ, xác thực, đồng bộ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN với cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư; triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi KCB bằng căn cước
công dân, VssID – BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VneID.
Đến nay, 100% cơ sở
KCB BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip,
với hơn 55 triệu lượt người sử dụng CCCD thay thẻ BHYT để làm thủ tục KCB BHYT,
góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ người
dân, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Về cải cách thủ tục
hành chính của ngành BHXH đã giảm từ 115 TTHC (2015) xuống còn 25 TTHC (2023);
trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 (người dân, doanh
nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7).
Trong thời gian tới,
ngành BHXH tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung như sau: Tiếp tục bám
sát các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư để tổ chức
thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT; tập trung các nguồn lực để
phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT
toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Phối hợp chặt chẽ với
các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị,
chính trị - xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT.
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHYT.
Đẩy mạnh việc phát
triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, người thuộc
hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người
tham gia BHYT hộ gia đình; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHYT cho người
tham gia. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về BHYT. Quản lý an toàn, hiệu quả các nguồn thu, chi tài chính; tăng cường
công tác giám định BHYT, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ
nhân tạo trong hoạt động giám định BHYT; kiểm soát, quản lý chặt chẽ, sử dụng
hiệu quả quỹ BHYT.
Đẩy mạnh cải cách
TTHC trong thực hiện chính sách BHYT; từng bước thực hiện cơ chế một cửa liên
thông trong giải quyết chế độ, chính sách. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, thống kê, khảo
sát, lập danh sách tham gia BHYT hộ gia đình, quản lý và cấp thẻ BHYT tạo thuận
lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC về BHYT. Hoàn thiện hệ
thống các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với
các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.