Những
năm qua, Tỉnh đoàn tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ
thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều gương đoàn viên,
thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh tế từ sản phẩm của
địa phương.
Lai
Châu hiện có 112.814 thanh niên, chiếm khoảng 23,58% dân số toàn tỉnh, trong đó
thanh niên nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 87,58%.
Các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách
để hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và bước đầu đạt kết quả
tích cực. Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh cơ bản được hình thành và phát triển.
Nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh
doanh. Tư duy, nhận thức về khởi nghiệp trong ĐVTN có nhiều thay đổi, nhiều bạn
trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra cơ hội phát triển bản thân,
đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Những
năm qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” được
Tỉnh đoàn triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ
đầu năm 2024 đến nay, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 37 dự án thanh niên phát triển kinh tế,
với hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn;
250 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn; nhận ủy
thác trên 950 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Toàn tỉnh xây dựng được
44 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi,
có thu nhập trên 10 triệu đồng/năm. Một số mô hình tiêu biểu như: Nuôi cá lăng
đuôi đỏ thương phẩm, nuôi trâu thương phẩm (huyện Sìn Hồ); nuôi ong mật, trồng ớt
lai F1 Red Devil (huyện Than Uyên)… Các mô hình không chỉ giúp tăng thu nhập
còn giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên, người dân địa phương. Tính đến
nay, đã có 45/204 sản phẩm OCOP của 23/89 chủ thể được chứng nhận đạt tiêu chuẩn
3 sao do thanh niên làm chủ.
Đoàn
công tác Huyện đoàn Than Uyên tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên của đoàn
viên, thanh niên tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Anh
Nguyễn Tiến Thịnh - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tổ chức đoàn giữ
vai trò khơi dậy khát vọng vươn lên, thắp sáng và lan tỏa được ngọn lửa, tinh
thần khởi nghiệp, lập nghiệp đến đông đảo thanh niên các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh xây dựng
chương trình, triển khai hoạt động cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, khơi nguồn ý
tưởng sáng tạo của thanh niên mong muốn khởi nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng
cao nhận thức cho ĐVTN về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh,
địa phương đối với vấn đề khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền
gương ĐVTN điển hình khởi nghiệp thành công thông qua báo chí, các phương tiện
truyền thông của đoàn. Một trong những cách làm hay, hiệu quả trong công tác
tuyên truyền mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang triển khai là phối hợp tổ chức
diễn đàn đối thoại trực tiếp để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về chính
sách khuyến khích, ưu đãi đối với thanh niên tiên phong khởi nghiệp, qua đó tiếp
thêm động lực cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp phấn đấu thực hiện. Đồng
hành cùng thanh niên về kiến thức, kỹ năng, vốn, khoa học kỹ thuật; duy trì Tổ
tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp tỉnh nhằm tăng cường hoạt động hỗ trợ
tư vấn chính sách, giải quyết những vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, lập
nghiệp.
Để
khuyến khích thanh niên có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp, ươm mầm những ý tưởng
có tính khả thi, mang lại ý nghĩa, hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội, hằng
năm, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên Lai Châu”. Từ năm
2022 đến nay, đã tổ chức 2 cuộc thi, thu hút trên 50 dự án tham gia. Chỉ đạo
các cấp bộ đoàn trong tỉnh chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu
việc làm cho ĐVTN; tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học
sinh THPT. Đã có 80.752 lượt ĐVTN được tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc
làm, trong đó 7.776 ĐVTN có việc làm.
Nhằm
phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của ĐVTN trong phát triển kinh tế, giảm
nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh,
thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô
hình giảm nghèo” cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại 2 huyện: Nậm
Nhùn, Mường Tè. Đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ
sản phẩm ớt lai F1 Red Devil với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Phúc An HP và
Công ty TNHH Eco Footprint, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ĐVTN các huyện:
Tân Uyên, Than Uyên…
Anh
Lò Văn Vượng - Phó Bí thư Đoàn xã Mường Than (huyện Than Uyên) là một trong những
thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình trồng ớt lai F1 Red Devil. Anh Vượng
chia sẻ: “Năm 2019, khi bắt tay thực hiện mô hình, với số vốn ít ỏi, tôi đã vay
400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và thành lập HTX Nông nghiệp sạch
và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên. Với quyết tâm của tuổi trẻ, tôi tích cực tìm
tòi, nghiên cứu cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng ớt. Không chỉ
trồng, HTX còn thu mua sản phẩm ớt quả của các hộ dân trong huyện bán cho Công
ty Cổ phần xuất nhập khẩu Phúc An HP. Nhờ đó, HTX có nguồn thu ổn định, tạo việc
làm cho từ 300-500 lao động thời vụ, doanh thu 60-80 triệu đồng/1.000m2 ớt”.
Phát
huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ
đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ; hướng
dẫn thành lập và nhân rộng mô hình câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế,
trang trại trẻ, tổ hợp tác, HTX thanh niên… nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất,
kinh doanh hiệu quả, khởi nghiệp thành công.