Với hàng trăm
sông, suối, khe nước lớn, nhỏ, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ban tặng cho nguồn
tài nguyên nước dồi dào. Trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện nay, Sở
Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nỗ lực nâng cao việc quản lý, khai thác, sử
dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả và lâu dài.
Đồng chí Đỗ Văn
Tính - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Để nâng cao việc quản lý, khai
thác, sử dụng tài nguyên nước, hằng năm, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cấp giấy
phép khai thác sử dụng nước; phê duyệt, điều chỉnh phương án cắm mốc hành lang
bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện; ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Ngày Nước thế giới. Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương nâng
cao trách nhiệm tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của tài
nguyên nước và sử dụng nước đúng mục đích thay cho việc sử dụng lãng phí trước
đây. Mỗi người dân cần hiểu rõ “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” để sử
dụng nguồn nước tiết kiệm, đảm bảo nguồn nước sạch và bảo vệ môi trường”.
Năm 2023, Sở
TN&MT tổng hợp thông tin về xả dòng chảy tối thiểu, thực hiện công khai giá
trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy
điện để chính quyền địa phương và người dân nắm bắt theo dõi, giám sát xả dòng
chảy tối thiểu của chủ đập, hồ chứa bảo đảm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế
- xã hội của người dân phía hạ lưu. Kiểm tra, giải quyết việc thực hiện quy định
xả dòng chảy tối thiểu sau đập của các nhà máy thủy điện; triển khai thực hiện
Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
của Luật Tài nguyên nước. Tích cực tham gia ý kiến dự thảo Nghị định quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và văn bản hướng
dẫn thi hành pháp luật về tài nguyên nước của Bộ TN&MT. Đồng thời, phối hợp
với các sở, ngành tỉnh tham gia ý kiến đối với 8 phương án bảo vệ đập, hồ chứa
thủy điện; 7 quy trình vận hành hồ chứa cho một số công trình thủy điện. Cử cán
bộ tham gia hội đồng kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy
điện; tham gia ý kiến đối với 10 hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước
mặt thuộc thẩm quyền cấp phép. Đến nay, sở không có hồ sơ giải quyết quá hạn,
góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.
Dòng suối Nậm Dê (xã Sơn Bình, huyện
Tam Đường) cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phòng Khoáng sản,
Tài nguyên nước (Sở TN&MT) trong năm qua đã chủ động tham mưu, nỗ lực thực
hiện công tác thẩm định hồ sơ, tham gia ý kiến đối với dự án có liên quan đến
khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Chị Bùi Thị Huế -
Trưởng Phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước (Sở TN&MT) cho biết: “Để thay đổi,
nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, phòng phân
công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức rà soát, thẩm định hồ sơ, hướng dẫn tổ
chức, cá nhân đề nghị đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước. Hoàn tất thủ tục
cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước để hoàn thiện hồ sơ theo đúng
hiện trạng nguồn nước đảm bảo quy định của pháp luật”.
Nhờ thúc đẩy sự
thay đổi, nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ sông, suối,
các tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả việc phát điện, sản xuất nông nghiệp,
sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Đối với thượng lưu suối Nậm Dê, xã Sơn Bình
(huyện Tam Đường) có nguồn tài nguyên nước tiềm năng để 3 thuỷ điện có công suất
từ 1,8 - 12 MW hoạt động, tạo điện năng cung cấp cho đời sống hàng ngày, góp phần
vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hàng chục hộ dân, hợp tác xã
trên địa bàn đã khai thác nguồn tài nguyên nước nuôi trồng thủy sản quy mô lớn
đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn
cá tầm, cá hồi. Với đó, dòng suối Nậm Dê còn điều tiết nước cho người dân nơi
đây sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho
người dân địa phương.
Ông Phạm Văn Định
- Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Những năm gần đây, xã Sơn Bình nỗ lực
thay đổi việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Hàng năm, xã phân
công cán bộ tổng hợp thông tin về xả dòng chảy tối thiểu sau đập thủy điện trên
địa bàn; kiểm tra, giải quyết việc thực hiện quy định xả dòng chảy tối thiểu
sau đập của các nhà máy thủy điện. Đồng thời, phối hợp với cán bộ tỉnh, huyện
rà soát, thẩm định hồ sơ, hướng dẫn tập thể, người dân hoàn tất thủ tục theo
đúng hiện trạng nguồn nước. Người dân nâng cao nhận thức tiết kiệm nguồn nước
sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp”.
Ngoài ra, Sở
TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc chính
quyền huyện, xã tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài
nguyên nước theo quy định của pháp luật. Khi UBND tỉnh bố trí kinh phí, sở triển
khai lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ
liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; kiểm kê tài nguyên
nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Nhờ đó, Sở TN&MT góp phần thay đổi, nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng
tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.