Những tháng cuối năm, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa ở các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mường Tè.
Để đáp ứng tốt nhu cầu của
thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn huyện, đặc biệt vào các
dịp lễ, tết, Cửa hàng bách hóa tổng hợp Giang Huyền ở khu phố 1 (thị trấn Mường
Tè) đều nhập tăng số lượng các mặt hàng thiết yếu. Chị Hoàng Thị Thanh Huyền,
chủ cửa hàng cho biết: “Năm nào cũng vậy, dịp cuối năm, gia đình tôi nhập đa dạng
các mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát, đồ chơi trẻ em… có nguồn gốc,
xuất xứ rõ ràng và giá cả niêm yết, đảm bảo về chất lượng nên bà con yên tâm
mua sắm. Doanh thu bình quân đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm; trong đó, các tháng cuối
năm đạt khoảng 200 triệu đồng/tháng”.
Nhằm quản lý, kiểm soát tốt
thị trường trong dịp cuối năm, Đội QLTT số 5 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng
chức năng như: Trung tâm Y tế, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn huyện, công an, biên phòng, các xã, thị trấn trên địa bàn
huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân vùng sâu, xa, khu vực biên giới về
phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả,
kém chất lượng. Hướng dẫn người dân nhận biết và phân biệt giữa hàng thật với
hàng giả; vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu,
khi phát hiện cá nhân, tổ chức có các hành vi buôn lậu, bán hàng giả, không rõ
nguồn gốc, không theo giá niêm yết kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng. Từ
đầu năm đến nay, đội phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về
công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được 383 buổi cho các tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm và người dân trên địa bàn huyện; phát thanh
trên loa, sóng truyền hình, treo băng zôn tuyên truyền tại các khu chợ, nơi
đông người qua lại.
Người dân huyện Mường Tè
lựa chọn, mua sắm các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Chủ động tham mưu chính
quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, xây dựng kế hoạch, tiến
hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các
hình vi vi phạm. Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu
tiêu dùng nhiều trong dịp cuối năm như: quần áo, giày dép, bánh kẹo, hoa quả,
rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát... Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý
nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; giám sát chặt
chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng,
tăng giá bất hợp lý. Tổ chức ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về
kinh doanh thương mại, không bán hàng kém chất lượng, hàng hóa phải theo giá
niêm yết, không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng
ghi trên bao bì cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Ông Phạm Văn Khương - Đội
trưởng Đội QLTT số 5 cho biết: “Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đội tăng
cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Qua đó, thu giữ các loại hàng hóa không đảm bảo về chất lượng, hàng không rõ
nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường, góp phần giảm thiểu tác hại đối với
sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân
sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, đội tiến hành kiểm
tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn; đã phát hiện 7 cơ sở
vi phạm hành chính với số tiền xử phạt gần 7 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng
không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu trị giá trên 2,2 triệu đồng.
Dự kiến thời điểm tháng
12 và tháng cận tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa của người dân
tăng cao, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng
nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến quyền
lợi người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Đội QLTT số 5 tiếp tục tăng cường công
tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện niêm yết và giá bán theo niêm yết, giá cả
thị trường, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, phát hiện,
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên
truyền đến các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện đúng các quy định của
Nhà nước, không đầu cơ tăng giá, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo
vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Qua đó, giúp người
tiêu dùng ở huyện Mường Tè mua sắm hàng hóa yên tâm, không lo về chất lượng sản
phẩm cũng như giá cả, góp phần đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa, ổn định thị
trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất,
kinh doanh.