NỘI DUNG THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 3 THÁNG 01/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 15-21/01/2024)
-----
I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54
Tuần qua
(15-21/1), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó, Diễn đàn Kinh
tế thế giới (WEF) lần thứ 54 khai mạc với chủ đề “xây dựng lại niềm tin” được
coi là một “điểm nhấn”, với kỳ vọng tìm ra những giải pháp đưa nền kinh tế thế
giới thoát khỏi tác động của nhiều vấn đề hóc búa.
“Xây dựng lại niềm
tin” (Rebuilding Trust) là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần
thứ 54 đã khai mạc vào ngày 15/1 và kéo dài đến ngày 19/1/2024.
Diễn đàn WEF 2024
diễn ra tại thị trấn Davos thuộc quận Prttigau/Davos, bang Graubnden, Thụy Sĩ.
Diễn đàn quy tụ hơn 2.800 đại biểu, cùng nhau thảo luận về “các nguyên tắc cơ bản
của sự tin cậy” - tính minh bạch, mạch lạc và trách nhiệm; chia sẻ ý kiến, trao
đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế thế giới vốn
đang chịu tác động từ nhiều vấn đề hóc búa của thế giới hiện nay.
Tổng thống Thụy Sĩ
Viola Amherd nhấn mạnh, chủ đề của Hội nghị năm nay là “Xây dựng lại niềm tin”,
đây không chỉ là thông điệp mang nhiều ý nghĩa, mà còn là lời kêu gọi về việc cần
phải xây dựng lại niềm tin trên trường quốc tế.
Theo Tổng thống Thụy
Sĩ, không chỉ các quốc gia mà cả các tổ chức quốc tế cũng cần tham gia quá
trình “xây dựng lại niềm tin.” Bà cho rằng mọi người phải ngăn chặn quyền lực
chính trị phá hủy nền tảng của cuộc sống. Do đó, tiến bộ thực sự trong chuyển đổi
sinh thái là rất cần thiết. Tuy nhiên, các thỏa thuận cuối cùng cũng phải được
thực hiện, vì đây là cách duy nhất để tạo dựng niềm tin.
2.
100 ngày xung đột đè nặng lên cuộc sống người dân Gaza
Ngày 15/1, cuộc
xung đột ở Gaza cán mốc 100 ngày liên tiếp. Tình hình vẫn căng thẳng và thương
vong của các bên vẫn cao, khác hẳn với những tuyên bố về một cuộc chiến đã
“chuyển sang giai đoạn ít khốc liệt” hơn.
Tròn 100 ngày chiến
sự, Israel đã thực hiện tổng cộng khoảng 30.000 cuộc tấn công vào các mục tiêu
tại Gaza. Đã có gần 24.000 người Palestine thiệt mạng và trên 60.000 người bị
thương, trong đó đa phần là dân thường; 85% dân số phải rời bỏ nhà cửa; 50% các
công trình dân sự bị phá hủy không thể phục hồi; 100% học sinh phải nghỉ học.
Đáng lo ngại hơn cả,
cuộc tấn công đã gây ra tình trạng thảm họa nhân đạo mà chuyên gia của Liên hợp
quốc ví là “địa ngục trần gian,” khi các bệnh viện không thể hoạt động đầy đủ
chức năng, 26% dân số Gaza đối mặt với thiếu ăn nghiêm trọng, 220 người mới có
một nhà vệ sinh.
Trong thông điệp
nhân 100 ngày chiến sự Hamas-Israel nổ ra, nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi tất
cả các bên chấm dứt mọi hành động thù địch, tránh đổ máu, trả tự do cho các con
tin và ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, các đợt tấn công vẫn diễn ra dữ dội,
các nỗ lực ngoại giao và hòa giải khẩn trương của các bên cho đến nay vẫn chưa
mang lại kết quả.
3.
Căng thẳng ở Biển Đỏ đe dọa kinh tế toàn cầu
Ngày 17/1, Tổng
giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định thương
mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của tình hình căng thẳng tại
Biển Đỏ. Lãnh đạo WTO cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng
thẳng địa chính trị xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh
đào Suez, kênh đào Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan hơn.
Căng thẳng ở Biển
Đỏ đã gia tăng sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến
quân Houthi ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng này vào tàu thuyền
trên Biển Đỏ.
Tuy nhiên, kể từ
giữa tháng 11/2023, các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu
thuyền đi qua khu vực đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại của thế giới khi
nhiều công ty vận tải phải thay đổi lộ trình, làm căng thẳng về nguồn cung đang
gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
II-
TIN TRONG NƯỚC
1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc
hội khóa XV
Đúng 8 giờ sáng
15/1, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng
thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc
được phát thanh, truyền hình trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại
biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên
khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp, Quốc hội
đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận,
xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi);
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc
thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự
phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung
hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn
Điện lực Việt Nam.
2.
Một số hoạt động của Thủ tướng Chính phủ
2.1 Dự Hội nghị WEF Davos
2024
Sáng 16/1, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham
dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy
Sỹ (WEF Davos 2024), theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh
tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab. Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn
đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa
đàm “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”.
Thủ tướng Phạm
Minh Chính nhấn mạnh phương châm: "Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng
thông suốt, quản trị thông minh". Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn
kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước,
người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Thủ tướng
Phạm Minh Chính cho biết chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn
2021-2030 của Việt Nam đã xác định rõ cần phải “huy động mọi nguồn lực, phát
triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập
cao”.
2.2. Thăm chính thức
Hungary
Tại Hungary, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary
Viktor Orbán; hội kiến Tổng thống Hungary - bà Katalin Novak; phát biểu tại Diễn
đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary; tới thăm và có bài phát biểu chính sách
quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary; tiếp đại diện Hội Hữu
nghị Hungary - Việt Nam, lãnh đạo Đảng Xã hội Hungary và lãnh đạo Đảng Công
nhân Hungary.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng
Hungary Viktor Orbán
Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn
nhau, chân thành và trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống gần 75 năm qua,
hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa
Việt Nam và Hungary đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt
kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào năm 2018. Thủ tướng
Phạm Minh Chính tin tưởng, đất nước Hungary sẽ ngày càng phát triển hùng cường,
thịnh vượng; người dân Hungary ngày càng hạnh phúc, ấm no; quan hệ Việt Nam –
Hungary đã tốt đẹp rồi, tốt đẹp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm
năng và đáp ứng mong muốn của nhân dân hai nước.
2.3. Thăm chính thức
Romania
Chiều 20/1 (giờ địa
phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp
cao Việt Nam đã tới thủ đô Bucharest, bắt đầu thăm chính thức Romania theo lời
mời của Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu.
Dự kiến trong chuyến
thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với
Thủ tướng, Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Romania. Cùng với
đó, Thủ tướng sẽ thăm địa phương, trường đại học; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt
Nam - Romania; tiếp đại diện Nhóm Hữu nghị Romania - Việt Nam; gặp gỡ cán bộ,
nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Romania.
Chuyến thăm nhằm làm
sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt
Nam - Romania, tạo động lực thúc đẩy họp tác song phương trên các lĩnh vực thế
mạnh của Romania và phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như nông nghiệp,
công nghiệp chế biến chế tạo, y tế…; đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, thu hút đầu
tư trên nhiều lĩnh vực tiềm năng; góp phần tạo thuận lợi cho quan hệ Việt Nam với
Liên minh châu Âu.
3. Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng đã có những hoạt động tới thăm, chúc Tết, tặng quà tại các tỉnh.
Sáng 17/1, tại Nghệ
An, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc Tết,
tặng quà nhân dân huyện Thanh Chương và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu
Thanh Thủy.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với nhân
dân xã Thanh Thủy
Sáng 19/1, thay mặt
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm, chúc Tết, tặng
quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động huyện Trà
Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Thăm hỏi, tặng quà
cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
Sáng 20/1, Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng đã thăm, tặng quà, động viên quân và dân xã đảo Thổ Châu,
thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đến thăm Trung đoàn 152, Quân khu 9.
3.
Một số hoạt động của Chủ tịch Quốc hội
3.1 Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ thăm, làm việc tại Bắc Giang
Chiều 18/1, Đoàn
công tác của Quốc hội do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch
Quốc hội làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại huyện Việt Yên - Bắc Giang.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và
các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung.
3.2 Làm việc với Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Thái Bình
Sáng 20/1, Ủy viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương
làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình.
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân tỉnh Thái Bình trong hơn nửa nhiệm kỳ qua đã hoàn thành và hoàn thành vượt
mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025; đạt nhiều kết quả
phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an
ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo cho người có
công, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tạo thế và lực để Thái Bình phát triển
mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng
quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng
quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Chương trình "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản"
1.1. Bí thư Tỉnh ủy Giàng
Páo Mỷ thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng và công an xã Hua Bum
Chương trình “Xuân
biên phòng ấm lòng dân bản” là chương trình ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc
của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân trong mỗi dịp
tết đến, xuân về. Chiều ngày 21/1, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự chương
trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” xuân Giáp Thìn 2024 được Đồn Biên phòng
Hua Bum phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Trung Chải tổ
chức cho nhân dân bản Nậm Sảo 2 (xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn).
Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh thăm hỏi, chúc tết nhân dân bản Nậm Sảo 2.
Chúc mừng những
thành tích mà đơn vị đã đạt được trong những năm qua, thông tin một số kết quả
nổi bật của tỉnh Lai Châu trong năm 2023 và một số sự kiện quan trọng của tỉnh,
đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các lực lượng công
an, biên phòng trong việc giữ gìn công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, an ninh biên giới tại địa bàn, giữ vững bình yên cuộc sống cho
Nhân dân.
1.2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Giàng A Tính dự Chương trình "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản" tại
bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ
Sáng nay (21/1), tại
bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ - UBND xã Bản Lang phối
hợp tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” Xuân Giáp Thìn năm
2024 cho Nhân dân bản Thèn Thầu, xã Bản Lang. Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch
UBND tỉnh dự và chúc Tết động viên bà con Nhân dân.
Năm 2023, với sự nỗ
lực, đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương xã Bản Lang; sự đồng
thuận, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, xã Bản Lang
đã giữ vững đà tăng trưởng và phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị
- trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ
vững, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt
51,75%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm; công tác giáo dục
được chú trọng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được duy trì phát triển; an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững…
1.3. Sáng 20/1, tại
bản Hoang Thèn (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ), Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải
phối hợp với UBND xã Vàng Ma Chải tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm
lòng dân bản”. Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và tặng quà
nhân dân, cán bộ, chiến sỹ…
Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch
UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Phong Thổ và cán bộ chiến sỹ, nhân dân gói bánh
chưng.
Phát biểu tại
chương trình, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương tinh
thần đoàn kết, khắc phục khó khăn và những kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và
nhân dân xã Vàng Ma Chải cũng như bản Hoang Thèn đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí mong muốn, bà con nhân dân tiếp tục chấp hành tốt các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia cùng các cấp ủy đảng, chính quyền
thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
2.
Sôi nổi các hoạt động triển khai nhiệm vụ năm 2024
2.1. Chiều 15/01, Văn
phòng Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ
năm 2024.
Bám sát các văn bản
chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành
mới nhiều quy định, quy chế toàn diện trên các lĩnh vực công tác Văn phòng để
triển khai thực hiện, như: Quy chế làm việc, quy trình thẩm định, thẩm tra văn
bản, quản lý tài chính, tài sản của Đảng, quản trị Văn phòng.
Công tác cơ yếu,
công nghệ thông tin có nhiều đổi mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
hoạt động của Tỉnh ủy và quản lý, xử lý văn bản được đẩy mạnh, góp phần nâng
cao chất lượng, hiệu quả công việc. Duy trì trực nghiệp vụ cơ yếu đảm bảo thông
tin mật phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Đồng chí Đào Bích Vân - Tỉnh ủy viên,
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tặng Giấy khen cho các đảng viên hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo
tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà đề nghị, năm
2024, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thực
hiện phương châm “chủ động, chuyên sâu; tận tâm, trách nhiệm; nâng cao chất lượng
tham mưu, phục vụ”; tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể
lãnh đạo văn phòng; tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt
Quy chế, Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa
XIV; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tài chính, tài sản của Đảng đảm bảo
chặt chẽ, đúng quy định; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế tài chính, tài sản
của Tỉnh ủy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ;
tăng cường phối hợp với Văn phòng Trung ương và các văn phòng cấp ủy khác...
2.2. Chiều 16/01, Ban Dân
vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Dân vận năm 2024
Đồng chí Lò Văn
Cương - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây
dựng kế hoạch thực hiện Chương trình công tác Dân vận năm 2024 của cấp ủy; nắm
chắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; rà soát, nắm lại đời
sống Nhân dân ở khu vực tái định cư các công trình thuỷ điện, tranh chấp đất
đai; đặc biệt cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, địa
phương trong thực hiện công tác Dân vận…
2.3. Chiều 16/1, Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm
vụ ngành Ngân hàng Lai Châu năm 2024
Năm 2023, 4/4 chỉ
tiêu ngành đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. So với năm 2022, lãi suất huy động
và cho vay của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm khoản 2,5%/năm;
tổng nguồn vốn hoạt động đạt 22.141 tỷ đồng, tăng 19,58%; tổng dư nợ đến ngày
31/12/2023 đạt 20.889 tỷ đồng, tăng 17,79%. Toàn tỉnh có 11.830 điểm chấp nhận
thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 89,79%. Năm 2023 ngành Ngân hàng Lai Châu
đã ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn trên 27 tỷ đồng…
2.4. Triển khai công tác
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024
Năm 2024, ngành BHXH
đặt ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu cơ bản: Tỷ lệ LLLĐ trong độ
tuổi tham gia BHXH khoảng 42,7%; tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng
34,18%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 94,11%.
2.5. Ngày 18/01, Sở Tài
nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TN-MT
năm 2024
Trong năm 2023, Sở
TN-MT đã quan tâm giải quyết thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển
mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng trình tự pháp
luật. Quan tâm chất lượng thẩm định hồ sơ đất đai, cấp phép tài nguyên nước,
khoáng sản, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ động
thanh tra, kiểm tra thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã từng bước nâng cao ý
thức chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên môi trường của người dân,
doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Kịp thời tiếp nhận, xử lý đơn, thông tin đường
dây nóng không để tình trạng kéo dài thời gian giải quyết gây bức xúc cho công
dân; phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm được thực hiện
đảm bảo. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, trước hạn đạt trên
99,94%. Đề xuất quy trình nội bộ, cắt giảm 35% thời gian giải quyết thủ tục
hành chính của ngành.
2.6. Ngày 18/1, Sở Y tế tổ
chức Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024
Năm 2023 là năm có
nhiều khó khăn, thách thức với ngành Y tế do hậu quả sau đại dịch Covid-19;
nhân lực y tế còn chưa đồng đều, thiếu cán bộ trình độ chuyên môn cao; trang
thiết bị y tế chưa đồng bộ, xuống cấp, lạc hậu; một số bệnh viện, trạm y tế
chưa được đầu tư xây dựng mới, nguồn kinh phí triển khai các chương trình mục
tiêu y tế - dân số tiếp tục bị cắt giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đạt thấp
có nguy cơ bùng phát dịch rất cao... Trước thực trạng đó, được sự quan tâm
lãnh, chỉ đạo của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Y tế từng bước tập
trung lãnh, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành vượt qua khó khăn, thách thức,
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2.7. Ngày 20/1, VNPT địa
bàn Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) năm
2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Năm 2023 các chỉ
tiêu kế hoạch về tổng doanh thu địa bàn; doanh thu viễn thông – Công nghệ thông
tin; di động, băng rộng cố định, MyTV, cố định – Gphone, hạ tầng truyền số liệu...
đều đạt kế hoạch. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, VNPT địa bàn Lai Châu hoàn thành
nhiệm vụ SXKD do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giao. VNPT Lai Châu
không chỉ đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu mà còn tập trung vào việc
chăm sóc toàn diện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Quan tâm lắng nghe
phản hồi từ khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm
sử dụng. Tổ chức các chương trình trúng thưởng đối với khách hàng và điểm bán
như: “Săn quà nóng, cháy mùa bóng”; “Quán quân tết, đón lộc vàng”…
Trưởng đại diện
VNPT địa bàn Lai Châu Pờ Thị Hiền nhấn mạnh: Với mục tiêu “Nâng tầm kết nối, tạo
điểm nhấn cho tương lai, VNPT địa bàn Lai Châu hướng tới mở rộng không gian số
với mục tiêu tăng trưởng doanh thu dịch vụ số; nâng cao chỉ số trải nghiệm
khách hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, yêu cầu mỗi cán
bộ cùng toàn bộ “chiến binh xanh” của VNPT địa bàn Lai Châu phải đoàn kết, quyết
tâm, cùng nhau nỗ lực, đóng góp công sức hoàn thành kế hoạch năm 2024.