THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 4
THÁNG 8/2024
(Các
sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 19- 25/8/2024)
-----
I. TIN THẾ GIỚI
1. Bà Kamala
Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ
Bà Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng
thống của đảng Dân chủ. (Ảnh: TTXVN)
Sau kết quả bỏ phiếu chính thức diễn ra
vào tối 20/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được phê chuẩn là ứng cử viên
của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Ngày 22/8, bà Harris đã đón nhận thông
tin tích cực từ khối cử tri da màu, khi kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy
các cử tri người Mỹ gốc Phi ủng hộ bà đang cao hơn so với ứng cử viên Donald
Trump bên phía đảng Cộng hòa. Cụ thể, có tới 77% số cử tri da màu được hỏi nói
rằng họ sẽ bỏ phiếu hoặc có xu hướng ủng hộ bà Harris, trong khi đó tỷ lệ này
dành cho cựu Tổng thống D.Trump và ứng cử viên Tổng thống độc lập Robert F.
Kennedy Jr. lần lượt là 13% và 7%. Dự kiến ứng cử viên Kennedy sẽ sớm chính thức
tuyên bố rút khỏi chiến dịch tranh cử.
2. Hội đồng bảo
an Liên hợp quốc hối thúc chấm dứt xung đột ở Trung Đông
Một người đàn ông ngồi trước một tòa nhà bị phá hủy ở
thị trấn Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 22/8/2024. (Ảnh: Xinhua)
Ngày 22/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
đã triệu tập cuộc họp để thảo luận tình hình thực tế tại khu vực Trung Đông giữa
lúc cuộc xung đột ở Gaza đã bước sang tháng 11 liên tiếp. Đây là cuộc họp mới
nhất của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, tiếp sau
phiên họp khẩn cấp hôm 14/8.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện ngoại
giao nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện
các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tìm kiếm giải pháp hòa bình
cho cuộc xung đột ở Gaza. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thiết lập lệnh
ngừng bắn nhân đạo để đảm bảo việc vận chuyển vắc-xin bại liệt vào Gaza một
cách an toàn. Hiện Gaza đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bại liệt sau
khi dịch bệnh này đã bị xóa sổ 25 năm trước.
Theo số liệu thống kê do Cơ quan phụ
trách y tế ở Gaza công bố ngày 22/8, số người Palestine thiệt mạng trong các vụ
tấn công đang diễn ra của Israel hiện đã lên tới 40.265 người, với 93.144 người
bị thương. Con số thương vong trên thực tế có thể còn cao hơn do vẫn còn một số
nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và nằm rải rác trên đường, do xe cứu
thương và đội phòng vệ dân sự không thể tiếp cận được họ.
3. WHO kêu gọi
các nước chung tay ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Một trung tâm điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở thành phố
Goma, CHDC Congo. (Ảnh: Saipan Tribune)
Ngày 20/8, Giám đốc phụ trách khu vực
châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge đã kêu gọi các nước châu Âu
và các nước khác cùng phối hợp các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát và
"xóa sổ" bệnh đậu mùa khỉ (mpox) trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo, ông Kluge cho rằng
cho dù là chủng mới hay cũ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ không lặp lại kịch bản tương tự
như những gì thế giới trải qua khi ứng phó với đại dịch COVID-19, bởi cơ quan y
tế các nước đã biết cách khống chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Vì vậy,
quan chức này cho rằng việc các nước lựa chọn cách thức chung tay khống chế bệnh
đậu mùa khỉ hiện nay và trong những năm tới sẽ là một phép thử quan trọng đối với
cả châu Âu nói riêng và thế giới nói chung về năng lực ứng phó với đại dịch.
4. Iran phê chuẩn
toàn bộ 19 thành viên Nội các của tân Tổng thống M.Pezeshkian
Quốc hội Iran ngày 21/8 đã phê chuẩn
toàn bộ 19 bộ trưởng trong Nội các của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Đây là
lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua, Quốc hội Iran thông qua toàn bộ danh
sách Nội các được một tổng thống đề cử.
Trái ngược với Nội các theo đường lối cứng
rắn của người tiền nhiệm Ebrahim Raisi, các thành viên trong chính phủ mới của
Iran gồm những nhân vật theo đường lối cải cách, trong đó có Bộ trưởng Y tế
Mohammadreza Zafarqandi. Trong bài phát biểu trước 285 nghị sỹ có mặt tại quốc
hội, Tổng thống Pezeshkian đã nhắc lại sự cần thiết của đoàn kết và thống nhất.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Iran ở Tehran. (Ảnh:
AFP/TTXVN)
Trong Nội các của Tổng thống Pezeshkian,
ông Abbas Araqchi giữ chức Ngoại trưởng, ông Mohsen Paknejad giữ chức Bộ trưởng
Dầu mỏ. Đáng chú ý, bà Farzaneh Sadeq đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Đường bộ và
Giao thông. Bà là nữ bộ trưởng thứ 2 kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo thành lập
vào năm 1979.
II. TIN TRONG NƯỚC
1. Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc
Chiều 20/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết
thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày
18 đến 20/8, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và
Phu nhân.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình; chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước; dự tiệc trà; hội kiến
Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính
hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường; hội kiến Bí thư
Tỉnh ủy Quảng Đông; gặp gỡ đại diện nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc; thăm Nhà tưởng
niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông; thăm và làm việc tại Trường Đảng Trung ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc; tham quan Công ty MEGVII.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dâng hoa, dâng
hương tưởng niệm Liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa
Cương và thăm Khu di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (thành phố
Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông); thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt
Nam tại Trung Quốc...
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tiễn Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên
đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến
và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt
- Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay. Nhân dịp này, hai bên ký kết 14
văn kiện hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương...
2. Thủ tướng Phạm
Minh Chính: Quan tâm giáo dục đào tạo để tạo động lực phát triển đất nước nhanh
và bền vững
Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học
2024 – 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu
cầu chính tại Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng
yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm
trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là
điểm tựa; xã hội là nền tảng”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm
Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng
tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục
trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học
2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2024-2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu
đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới,
tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục
rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo
dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết,
đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục
phổ thông.
3. Bế mạc Phiên
họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 23/8, phát biểu bế mạc phiên họp,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi)
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân
dân.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để
trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp
với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc
phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, tại Kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua
13 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật thông qua theo quy trình một kỳ họp là:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; cho ý kiến 13 dự
án luật khác, chưa kể các dự thảo nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia,
các vấn đề quan trọng và một số dự án luật khác Chính phủ dự kiến đề nghị bổ
sung.
Nhấn mạnh khối lượng công việc rất nặng,
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực,
khẩn trương chuẩn bị đúng theo thời hạn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật, theo đó, gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp 20 ngày. Các cơ
quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ một cách chặt chẽ, đồng
bộ, tích cực, khẩn trương để các nội dung chuyển đến đại biểu Quốc hội sớm theo
quy định…
III. TIN TRONG TỈNH
1. Hội nghị báo
cáo viên cấp tỉnh tháng 8/2024
Hội nghị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ
chức sáng 23/8. Dự và trực tiếp thông tin chuyên đề tại hội nghị có đồng chí:
Lê Chí Công - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Các đại biểu dự hội nghị.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm
cầu tỉnh đến cơ sở với 51 điểm cầu, hơn 2.000 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại
điểm cầu tỉnh có các đồng chí báo cáo viên
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông
tin các chuyên đề: Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước
về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời
gian tới; kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban
Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; một
số điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp
thứ 7, Quốc hội khóa XV; thông tin về chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với người
tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
Lai Châu; thông tin một số vấn đề tác động đến tư tưởng, dư luận xã hội thời
gian gần đây và định hướng tuyên truyền trong thời gian tới.
Phát biểu định hướng tuyên truyền thời
gian tới, đồng chí Lê Chí Công - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy đề nghị, Ban Tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp tham mưu cấp ủy
thông tin kịp thời tuyên truyền các văn bản của trung ương, tỉnh về lĩnh vực
văn hóa gắn với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng
nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tập trung tuyên truyền,
quán triệt, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của nhà nước, trọng tâm là các chủ trương, chính sách mới; tuyên truyền, phản
ánh thông tin thời sự về tình hình thế giới và khu vực. Việc thực hiện công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng
Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam (2/9/1945-2/9/2024); tuyên truyền đậm nét sự kiện Tết Độc lập năm 2024 được
tổ chức tại huyện Than Uyên với quy mô cấp tỉnh; tuyên truyền các hoạt động kỷ
niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024)…
2. Kỳ họp thứ
hai mươi hai (Kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV: Kịp thời triển
khai các quy định của Trung ương
Sáng ngày 20/8, tại Hội trường lớn Trung
tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ hai
mươi hai (Kỳ họp chuyên đề) nhằm kịp thời triển khai các quy định của Trung
ương và xem xét quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định. Đồng
chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Kỳ họp.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã xem
xét, thảo luận 4 tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra các dự thảo nghị quyết
của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh). Bao gồm: Tờ trình đề nghị ban hành Nghị
quyết quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định
việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lai Châu; Tờ
trình đề nghị ban hành Nghị quyết bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai
đoạn 2021-2025, nguồn UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ; Tờ trình đề nghị ban hành
Nghị quyết phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, nguồn UBND Thành
phố Hà Nội hỗ trợ; Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu
tư dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và xây mới một số hạng mục của Trung tâm
Huấn luyện dự bị động viên.
Kỳ họp cũng đã thông qua tờ trình và biểu
quyết miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Hán Đức Nhu, nguyên Chỉ huy trưởng
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (do chuyển công tác) và thông qua tờ trình về bầu bổ
sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Vĩnh Thụy - Chỉ huy
trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu
khai mạc
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Bí thư
Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Páo Mỷ đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo
triển khai các Nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm đúng trình tự, quy định của
pháp luật; chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn thực hiện và
triển khai thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng; thường xuyên
kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai, đảm bảo các nghị quyết thực sự đi vào
cuộc sống, phát huy hiệu quả. Đề nghị Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại
biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện
nghị quyết của HĐND tỉnh.
3. Khai giảng lớp
Bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2024
Sáng ngày 19/8, Trường Chính trị tỉnh phối
hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức Lễ Khai giảng lớp Bồi dưỡng đối với
lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2024.
Dự Khai giảng có các đồng chí: Nguyễn Tiến
Tăng - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, TS Nguyễn Hoài Thu - Phó Trưởng ban
Quản lý bồi dưỡng theo chức vụ, chức danh, Học viện Hành chính quốc gia.
Quang cảnh Lễ Khai giảng
Phát biểu Khai giảng lớp bồi dưỡng, TS
Nguyễn Hoài Thu - Phó Trưởng ban Quản lý bồi dưỡng theo chức vụ, chức danh, Học
viện Hành chính Quốc gia; đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng Trường Chính
trị tỉnh khẳng định vai trò quan trọng của việc đào tạo cán bộ, công chức, viên
chức, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ lãnh đạo, quản lý
cấp sở. Đồng chí nhấn mạnh, chương trình lớp bồi dưỡng ngoài việc cập nhật, bổ
sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức đang là lãnh đạo, quản lý cấp sở
và tương đương, còn góp phần chuẩn hóa đội ngũ này trước và sau khi được bổ nhiệm.
Đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của các học viên.
4. Họp báo cung
cấp thông tin tổ chức các hoạt động Tết Độc lập
Chiều ngày 23/8, UBND tỉnh tổ chức họp
báo cung cấp thông tin các hoạt động Tết Độc lập 2/9.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Tết Độc lập của Việt Nam chính thức ra
đời vào ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng
trường Ba Đình, Hà Nội, đánh dấu chấm dứt hơn 80 năm thực dân Pháp cai trị và
chính thức tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Ngày 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc ta,
ngày có "ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của
dân tộc". Từ đó, Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam được tổ chức hằng năm
dưới tên gọi Tết Độc lập.
Quang cảnh buổi họp báo.
Đặc biệt, từ cuối những năm 50 thế kỷ XX
đến nay, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, đồng bào các dân tộc huyện
Than Uyên lại tập trung về thị trấn huyện hân hoan chào đón ngày Tết Độc lập.
Năm 2012, thực hiện chủ trương của tỉnh, UBND huyện Than Uyên tổ chức điểm Ngày
hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông lần đầu tiên với chủ đề "Người Mông ơn
Đảng" gồm nhiều hoạt động phong phú. Kể từ đó đến nay huyện Than Uyên đã đẩy
mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn với
phát triển du lịch.