Nội dung thông tin thời sự tuần
4 tháng 6/2023
(Các sự kiện thời sự nổi bật
diễn ra từ ngày 19/6/2023 – 25/6/2023)
----
1. Tin thế
giới
1.1. Hiệp định về Biển cả - Văn kiện thứ 3 thực thi
UNCLOS 1982
Ngày 19/6 tại
Liên hợp quốc (LHQ), đa số các nước đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông
qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài
quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả và thể hiện ý định sớm
ký và phê chuẩn để Hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Đây là hiệp định thứ 3
thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI
của Công ước. Hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước LHQ về Luật biển 1982
(UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi
hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương, là một dấu mốc mới trong
sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ LHQ về khoa
học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về
bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ
phát triển bền vững.
Ảnh: TTXVN
Hiệp định
gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề
gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển;
(iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công
nghệ; và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành
viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải
quyết tranh chấp, cơ chế tài chính...
1.2. Chuyến thăm chiến lược trong quan hệ Mỹ - Ấn
Từ
20 - 24/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đầu
tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức năm 2014. Đây là chuyến thăm rất quan trọng,
được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thương mại và công nghệ
song phương Mỹ-Ấn.
Các
cuộc hội đàm, trao đổi giữa hai bên tập trung vào việc tăng cường quan hệ quốc
phòng, quan hệ đối tác về công nghệ và vai trò của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đang tiến gần hơn đến việc mua những
máy bay không người lái được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất trị giá từ 2 đến 3
tỷ USD nhằm tăng cường giám sát biên giới và cải thiện các hoạt động tình báo chống
khủng bố. Chính quyền Mỹ tin rằng đây là một lộ trình tham vọng cho sự hợp tác
giữa Ấn Độ và Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, viễn thông
thế hệ tiếp theo, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng. Bên cạnh đó, phía Ấn Độ cũng
hy vọng các công ty tư nhân của Mỹ sẽ có thể mở rộng đầu tư vào Ấn Độ, trong
bối cảnh hai nước nhất trí hợp tác sản xuất động cơ máy bay chiến đấu tại Ấn
Độ.
2. Tin trong
nước
2.1. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân thăm Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng
thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee cùng đoàn đại biểu Hàn
Quốc đã có chuyến thăm Cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6. Đây là chuyến
thăm Cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và
Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên ông tới thăm sau khi nhậm chức hồi
tháng 5/2022. Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên Đối
tác chiến lược toàn diện vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao (năm 2022). Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol không chỉ thể hiện sự
coi trọng của chính phủ Hàn Quốc và cá nhân tổng thống đối với quan hệ Việt Nam
- Hàn Quốc; mà còn thể hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ và tạo ra xung
lực mới, góp phần mở rộng không gian hợp tác cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ra
tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào
tháng 12/1992 và trở thành Đối tác hợp tác chiến lược vào tháng 10/2009. Hai
nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Hàn Quốc là một
trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư,
thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm
2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021. Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc
có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký.
Tổng thống Yoon Suk-yeol
và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động trong
chuyến thăm như: Đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội
kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; dự lễ đón chính thức, hội đàm, gặp gỡ báo
chí với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và chứng kiến lễ ký kết; cùng với Thủ tướng
Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc; Hội kiến Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ...
2.2. Tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc
hội khóa XV: Thông qua một số luật, nghị quyết
Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5 (từ
ngày 19 đến 24-6), Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết.
Thông qua Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa
đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi);
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Công an nhân dân; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất
cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân
sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường
giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa-kết nối với Lâm
Đồng và Ninh Thuận; Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm
vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều
chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai
đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của
Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát
chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ
phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu
hoặc phê chuẩn (sửa đổi)...
3. Tin trong tỉnh
3.1. Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung
học phổ thông năm 2023 tại tỉnh Lai Châu
Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở
Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã chuẩn bị bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng triển khai tổ
chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều
kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi theo đúng kế hoạch và lịch công tác
của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các
ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6 làm thủ tục dự thi; ngày 28
và 29/6 tổ chức coi thi, ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Toàn tỉnh có 3.838 thí sinh đăng ký dự thi (tăng
164 học sinh so với năm 2022), trong đó: 1.077
thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp; 2.553
thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học; 209 thí sinh đã tốt
nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển sinh Đại học. Giáo dục THPT: 3.442
thí sinh; Giáo dục thường xuyên: 174 thí sinh; Thí sinh tự do: 222 thí sinh.
- Số lượng thí sinh đăng ký dự thi: Bài thi Ngữ văn:
3.796 thí sinh, Toán: 3.689 thí sinh,
Ngoại ngữ: 3.455 thí sinh (Tiếng Anh:
3.454, Tiếng Trung: 01); Môn thi Khoa học tự nhiên: 744 thí sinh, Môn thi Khoa
học xã hội: 3.087 thí sinh.
- Tỉnh Lai Châu có 01 Hội đồng thi; 21 điểm thi, 212
phòng thi (tăng 09 phòng so với năm 2022); 01 phòng thi ghép (Bài thi Ngoại
ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Trung); 20 phòng chờ thi, 21 phòng thi dự phòng.
3.2. Hội nghị giao ban tình hình Nhân dân và công tác
dân vận 6 tháng đầu năm 2023
Hội nghị được Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức vào sáng ngày 21/6. 6 tháng đầu năm, công tác dân vận của hệ thống
chính trị tỉnh đạt được kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt
trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cơ bản đã ban hành chương trình,
kế hoạch thực hiện công tác dân vận năm 2023 bám sát vào nhiệm vụ chính trị của
địa phương, đơn vị, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; nâng cao
tinh thần, trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác dân vận. Một số cấp ủy đã
có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, đem
lại kết quả thực chất, rõ nét; quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo giải quyết những
việc mới, việc khó ở địa phương.
Chính
quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước trong tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, đảm
bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động; tăng
cường quảng bá du lịch gắn với thực hành công tác dân vận, thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, xây dựng
chính quyền điện tử, chính quyền số, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin,
cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ
chức trong giao dịch, giải quyết công việc với cơ quan Nhà nước. Tỷ lệ hài lòng
của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước
(SIPAS) tỉnh Lai Châu năm 2022 xếp thứ 35/63, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ
số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2022 có nhiều bứt phá, xếp thứ
24/63, tăng 7 bậc so với năm 2021
Lực
lượng vũ trang bám địa bàn, nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý những vấn đề nảy
sinh, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; xây
dựng và thực hiện kế hoạch giám sát, từng bước nâng cao chất lượng phản biện xã
hội, tham gia, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; hoạt
động Đoàn, Hội đi vào thực chất, hiệu quả hơn...