Thông tin thời sự
nổi bật Tuần 4 tháng 5 năm 2024
(Từ ngày 20
-26/5/2024)
-----
I. TIN THẾ GIỚI
1. Nhiều nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine
Việc một số nước
châu Âu gồm Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland thông báo chính thức công nhận nhà nước
Palestine sẽ phần nào thúc đẩy những nỗ lực của Palestine để gia nhập Liên hợp
quốc.
Theo các nhà
lãnh đạo Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha, việc công nhận nhà nước Palestine sẽ tạo
“động lực” giúp khởi động một tiến trình đàm phán mới cho cuộc xung đột Israel
- Palestine dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Điều này phù hợp với Sáng kiến hòa
bình Trung Đông do các nước Arab đề xuất.
Các nghị sĩ đứng
dậy vỗ tay sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez có bài phát biểu thông báo Tây Ban
Nha sẽ công nhận Nhà nước Palestine. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 22/5, Tổng
thống Palestine đã lên tiếng hoan nghênh sự công nhận này. Trong một tuyên bố
được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức WAFA, các nhà lãnh đạo Palestine
cho biết họ đánh giá cao sự đóng góp của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha trong việc
thúc đẩy quyền tự quyết của người dân Palestine trên vùng đất của mình, cũng
như thực hiện các bước đi thực tế để hỗ trợ việc thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Tuy nhiên, trái
với sự đón nhận của Palestine, Ngoại trưởng Israel Israel Katz, ngày 22/5 cho
biết ông đã chỉ thị triệu hồi ngay lập tức các Đại sứ Israel tại Ireland và Na
Uy để tham vấn về quyết định của các nước này về việc công nhận Nhà nước
Palestine.
2. Tổng thống Iran thiệt mạng vì tai nạn máy bay
Ngày 20/5, sau
cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều giờ do điều kiện thời tiết xấu, lực lượng cứu hộ
Iran đã tìm thấy thấy thi thể của Tổng thống Ebrahim Raisi cùng đoàn tháp tùng
trong vụ rơi máy bay một ngày trước đó và tuyên bố kết thúc công tác tìm kiếm.
Hình ảnh tại hiện
trường chiếc trực thăng gặp nạn. Ảnh: (ISNA)
Ngay sau khi
thông tin về sự ra đi của Tổng thống Raisi được công bố, nhiều nhà lãnh đạo thế
giới đã gửi lời chia buồn, bày tỏ tinh thần đoàn kết với Chính phủ và người dân
Iran.
Cùng ngày, nội
các Iran tuyên bố chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà "không có sự
gián đoạn dù là nhỏ nhất" sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ
rơi máy bay trực thăng. Theo quy định của Hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất
Mohammad Mokhber sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng thống trong 50 ngày cho tới khi
Iran tiến hành một cuộc bầu cử Tổng thống mới.
Vào tối 20/5,
các quan chức hàng đầu của Iran đại diện các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư
pháp đã tổ chức một cuộc họp với sự chủ trì của Tổng thống lâm thời Mohammad
Mokhber – người tạm thời tiếp quản vị trí của Tổng thống Ebrahim Raisi.
3. Hơn 111,3 triệu cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu trong
Giai đoạn 6
Từ 7 giờ sáng
25/5 (giờ địa phương, tức 8 giờ 30" cùng ngày theo giờ Việt Nam), cử tri từ
6 bang và 2 vùng lãnh thổ liên minh Ấn Độ đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong Giai đoạn
6 của cuộc tổng tuyển cử kéo dài 7 giai đoạn để bầu ra 58 thành viên Lok Sabha
(Hạ viện). Cuộc bầu cử kết thúc lúc 18 giờ cùng ngày.
Một điểm bỏ phiếu
ở New Delhi ngày 25/5 (Ảnh: AFP
Cuộc tổng tuyển
cử ở Ấn Độ đang tiến tới những giai đoạn nước rút với 889 ứng cử viên tranh cử.
Trong ngày 25/5, cử tri Ấn Độ tiến hành bầu chọn toàn bộ 10 ghế ở bang Haryana
và 7 ghế ở vùng lãnh thổ thủ đô New Delhi.
Trong giai đoạn
này, khoảng 1,14 triệu nhân viên bầu cử sẽ hỗ trợ hơn 111,3 triệu cử tri trên
khắp 114.000 điểm bỏ phiếu.
Để đảm bảo an
ninh, 20 chuyến tàu đặc biệt đã được triển khai để vận chuyển nhân viên an
ninh. Tổng cộng có 184 quan sát viên, bao gồm 66 quan sát viên chung, 35 quan
sát viên cảnh sát và 83 quan sát viên chi tiêu, có mặt tại hiện trường để đảm bảo
quy trình bầu cử diễn ra công bằng. Hơn 5.900 đội giám sát đang tích cực theo
dõi cuộc bầu cử để ngăn chặn hành vi xúi giục cử tri và đảm bảo tuân thủ quy định
bầu cử.
Năm giai đoạn
trước đó của cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ đã được tiến hành suôn sẻ trên 25 bang
và vùng lãnh thổ liên minh để bầu ra 428 hạ nghị sỹ.
Giai đoạn 7 -
giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng - sẽ diễn ra vào ngày 01/6 tới để bầu ra 57 thành
viên còn lại trong 543 thành viên Lok Sabha. Việc kiểm phiếu và công bố kết quả
dự kiến diễn ra vào ngày 04/6.
4. Lở đất khiến 100 người thiệt mạng ở Papua New
Guinea
Hãng truyền
thông ABC của Australia đưa tin khoảng 100 người có thể đã thiệt mạng trong một
vụ lở đất nghiêm trọng xảy ra tại Papua New Guinea.
Hiện trường vụ lở
đất tại Maip Mulitaka, tỉnh Enga, Papua New Guinea ngày 24/5/2024.(Ảnh:
AFP/TTXVN)
Theo ABC, tai nạn
xảy ra vào khoảng 3h sáng 24/5 (giờ địa phương) tại làng Kaokalam, thị trấn
Porgera, ở tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600 km về phía Tây Bắc.
Nhiều nhà cửa bị san phẳng khi một bên của ngọn núi gần khu vực sạt xuống. Vụ
việc xảy ra vào đầu giờ sáng, khi người dân đang ngủ nên gần như vùi lấp cả
ngôi làng.
Sáng 25/5, một đội
phản ứng nhanh gồm các nhân viên y tế, quân đội và cảnh sát đã tiếp cận được
vùng thảm họa sau hành trình phức tạp bằng đường bộ do địa hình hiểm trở và những
con đường lớn bị hư hại. Các lực lượng đang khẩn trương triển khai công tác tìm
kiếm các nạn nhân.
Cơ quan nhân đạo
CARE cho biết mặc dù khu vực này không có mật độ dân cư đông đúc, nhưng điều
đáng lo ngại là số người chết có thể khá cao. Ngoài ra, thảm họa cũng đã chôn
vùi các đàn gia súc, rau màu và xóa sổ nguồn nước sạch của làng Kaokalam.
II. TIN TRONG NƯỚC
1. Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa
XV: Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Sáng ngày
(20/5), dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó
chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
và Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ bảy tại Nhà Quốc hội,
Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh phiên
khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI
Tại phiên họp
trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội
dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp.
Theo đó, Quốc hội
làm việc trong 26,5 ngày (từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024; chia làm 2 đợt: Đợt
1 từ ngày 20/5 đến 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến 28/6).
Đồng chí Trần
Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội
dung quan trọng. Thứ nhất, về công tác lập pháp, Thứ hai, về kinh tế - xã hội,
ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, Thứ ba, về giám sát tối cao,
tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ bảy;
xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến
Kỳ họp thứ sáu; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
2. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động vi phạm
chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa
Chiều 23/5, tại
họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày
15/5, nhà chức trách Trung Quốc đã ban hành một quy định trong đó cho phép lực
lượng hải cảnh nước này áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày đối với người
nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải/vùng biển Trung Quốc
tuyên bố chủ quyền mà không qua xét xử, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc
Việt cho biết:
Phó phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt trả lời những vấn đề được báo chí trong nước
và quốc tế quan tâm.
“Như đã nhiều lần
khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử cũng như cơ sở pháp lý để khẳng
định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với
luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với
các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển
năm 1982.
Việt Nam luôn
kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt
Nam tại các vùng biển cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt
Nam, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp
của Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi
của phóng viên về việc truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 22/5 cho biết gần
đây nước này đã đưa một tàu bệnh viện của Hải quân đến các thực thể thuộc quần
đảo Hoàng Sa của Việt Nam để kiểm tra sức khỏe, điều trị cho các binh sĩ đồn
trú trái phép, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu: "Việt Nam kiên quyết phản
đối mọi hoạt động liên quan mà vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo
Hoàng Sa".
3. Đồng chí Trần Thanh Mẫn được Quốc hội bầu giữ chức
vụ Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm
kỳ 2021-2026
Chiều ngày 20/5,
với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch
Quốc hội đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn.
Trước đó, Quốc hội
đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố
kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Trần
Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tán
thành. Lễ tuyên thệ trang trọng trước Quốc hội đã được tiến hành ngay sau đó.
Chủ tịch Quốc hội
Trần Thanh Mẫn tuyên thệ
Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức vụ Chủ tịch
nước nhiệm kỳ 2021-2026
Sáng 22/5, tại
Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ
Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Chủ tịch
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Cụ thể, theo kết quả
kiểm phiếu, với 472/473 đại biểu bỏ phiếu tán thành (bằng 96,92% tổng số 487 đại
biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Đại tướng Tô Lâm giữ chức
vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi
được bầu, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Chủ tịch nước Tô
Lâm tuyên thệ nhậm chức.
Phát biểu nhậm
chức, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu và giao
cho đồng chí trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trân
trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy giới thiệu đồng chí đảm nhận
trọng trách cao cả này.
III. TIN TRONG TỈNH
1. Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển văn
hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa
bàn tỉnh Lai Châu”
Chiều ngày
(24/5), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh, Trường Chính trị tỉnh tổ
chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng
yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu". Đồng chí
Vũ Mạnh Hà - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo
tại Hội thảo, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định:
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu tiếp tục là nhiệm vụ
quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, Nhân
dân trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội
thảo.
Đồng chí Phó Bí
thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học tập trung đánh
giá, làm rõ hơn những cơ sở lý luận và thực tiễn, kết quả và những vấn đề đặt
ra trong phát triển văn hoá, con người Việt Nam nói chung và việc phát triển,
văn hóa con người Lai Châu nói riêng; đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để
cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lai Châu; bổ sung những
tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người Lai
Châu, từ đó chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn để Đảng bộ tỉnh tập
trung triển khai thực hiện. Đây sẽ là cơ sở để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng
kết, đánh giá, xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.
2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải dự Hội thảo
Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2024
Chiều ngày
(24/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải và Đoàn công tác tỉnh Lai Châu đã
tham dự Hội thảo Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm
2024. Đây là hoạt động trước thềm khai mạc Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu
quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ,
ngành, các địa phương và doanh nghiệp có thế mạnh về Sâm và hương liệu, dược liệu.
Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải (người ngồi hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) tham
gia Hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, việc tham gia các hoạt động tại Lễ hội Sâm và
hương liệu, dược liệu quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 nhằm quảng bá các
sản phẩm từ dược liệu của tỉnh Lai Châu nói chung và thương hiệu Sâm Lai Châu
(Sâm Việt Nam) của tỉnh Lai Châu nói riêng đến với Nhân dân trong nước và bạn
bè quốc tế; tiếp tục xây dựng và khẳng định giá trị thương hiệu Sâm Lai Châu
(Sâm Việt Nam). Đây cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý,
bảo tồn và phát huy giá trị Sâm Lai Châu (Sâm Việt Nam) giữa các địa phương
trong nước và các quốc gia trên thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào tỉnh Lai Châu.
3. Hội nghị phân tích các Chỉ số PAR INDEX, PCI,
PAPI, SIPAS của tỉnh Lai Châu năm 2023 và Công bố Chỉ số cải cách hành chính,
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở,
ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2023
Sáng ngày
(23/5), Hội nghị được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch
UBND tỉnh Lê Văn Lương.
Hội nghị được tổ
chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu tỉnh đến điểm
cầu cấp huyện, cấp xã. Tại các điểm cầu có đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ
Việt Nam tỉnh, huyện, xã; Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; đại diện lãnh đạo
các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh;
lãnh đạo các phòng chuyên môn liên quan và các công chức tham mưu Chỉ số PAR
INDEX, Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số DDCI của cấp tỉnh, huyện; công chức
chuyên môn thuộc UBND cấp xã và tuyên truyền viên pháp luật của xã; Bí thư, trưởng
thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã…
Quang cảnh Hội
nghị ở điểm cầu tỉnh.
Theo Báo cáo tại
Hội nghị, công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 có những bước đột phá
về thứ hạng so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Chỉ số hiệu quả quản
trị và hành chính công (PAPI) đạt 43,6223 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố
và đứng trong tốp 20 toàn quốc, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc;
tăng 09 bậc so với năm 2022. Trong 08 chỉ số thành phần điều tra, có 7/8 chỉ số
thành phần tỉnh Lai Châu tăng điểm so với năm 2022, mức tăng từ 0,11 đến 0,39
điểm.
Kết quả chỉ số
PAPI những năm qua
Chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,48 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng
22 hạng so với năm 2022. Trong số 10 Chỉ số thành phần được đánh giá, thì có 07
chỉ số thành phần tăng hạng.
Chỉ số hài lòng
của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt
79,82% (tăng 0,48% so với năm 2022)…