THÔNG TIN THỜI SỰ
TUẦN THỨ 4 THÁNG 03/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 25-31/3/2024)
-----
I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza
Toàn cảnh phiên họp
Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)
Ngày 25/3, Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại
Gaza.
Nghị quyết đã nhận
được sự ủng hộ của 14 ủy viên Hội đồng Bảo an, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị
quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cho tháng Lễ Ramada. Nghị quyết
trên được đánh giá mang tính đột phá, do 10 nước ủy viên không thường trực Hội
đồng Bảo an đưa ra và được đàm phán căng thẳng cho đến phút chót. Đây là lần đầu
tiên kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ và vượt qua nhiều bất đồng, Hội đồng Bảo
an đã tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn lâu
dài ở Gaza.
Theo thống kê của
cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 32.333 người Palestine đã thiệt mạng và
74.694 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza vào tháng 10/2023.
Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến 1.160 người thiệt
mạng, chủ yếu là dân thường tại nước này. Xung đột cũng khiến hàng triệu người
dân ở Gaza trên bờ vực nạn đói.
2.
Bất ổn gia tăng, nhiều nước sơ tán công dân khỏi Haiti
Bạo lực lan tràn ở thủ đô
Port-au-Prince của Haiti. (Ảnh: Reuters)
Ngày 25/3, Trung
Quốc xác nhận đã sơ tán an toàn 24 công dân nước này từ Haiti sang Cộng hòa Dominica.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã kích hoạt cơ chế bảo vệ lãnh sự để
bảo hộ công dân trong cuộc khủng hoảng tại Haiti.
Cùng ngày, Bộ Ngoại
giao Pháp thông báo sẽ thuê các chuyến bay đặc biệt cho công dân nước này muốn
rời Haiti trong bối cảnh kết nối hàng không thương mại giữa Port-au-Prince và
phần còn lại của thế giới bị gián đoạn.
Bộ Ngoại giao và Bộ
Các Lực lượng Vũ trang Pháp đang tổ chức các chuyến bay đặc biệt để tạo điều kiện
cho “những công dân dễ bị tổn thương nhất” rời Haiti.
Trước đó, Chính phủ
Mỹ cũng sơ tán 15 công dân bằng trực thăng trong khi Cộng hòa Dominica cho biết
đã hỗ trợ nhiều nước và tổ chức quốc tế sơ tán khoảng 300 người.
Haiti đang chìm
trong vòng xoáy bạo lực trong bối cảnh xung đột leo thang giữa chính phủ và các
băng nhóm vũ trang tại thủ đô Port-au-Prince kể từ khi Tổng thống nước này
Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các
băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3/3 và giải thoát gần 3.600 tù
nhân.
Bạo lực đường phố
leo thang khiến người dân bị hạn chế di chuyển và khó có thể tiếp cận các dịch
vụ thiết yếu. Người dân Haiti đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực
nghiêm trọng trong thời gian chờ đợi chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập.
3.
Châu Âu cảnh giác trước mối đe dọa khủng bố
Cảnh sát tuần tra Quảng trường
Trocadero, thủ đô Paris (Pháp), ngày 25/3/2024. (Ảnh: VCG)
Sau vụ tấn công khủng
bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall ở Nga, trong tuần qua, nhiều nước châu
Âu đã triển khai các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh.
Các nước như
Italy, Pháp, Đan Mạch và Anh cũng đã siết chặt an ninh trong nước. Bộ Nội vụ
Italy yêu cầu lực lượng cảnh sát tăng cường hoạt động giám sát trong Lễ Phục
sinh, nhất là những nơi tập trung đông người như nhà ga, sân bay, các địa điểm
văn hóa, tôn giáo. Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch và Khách sạn
Federalberghi của Italy, ít nhất 10,5 triệu người Italy dự kiến sẽ đi du lịch
trong dịp Lễ Phục sinh từ ngày 29/3 đến ngày 1/4. Nhiều du khách nước ngoài dự
kiến cũng sẽ đến Italy trong thời gian này, ước tính khoảng 3,3 triệu người.
Lực lượng an ninh
và tình báo Italy cũng có nhiệm vụ giám sát thận trọng các hoạt động trên mạng
Internet nhằm phát hiện sớm bất kỳ nguy cơ rủi ro nào.
Các biện pháp
tương tự cũng được áp dụng tại Pháp. Thủ tướng Gabriel Attal đã quyết định nâng
cảnh báo khủng bố theo kế hoạch an ninh quốc gia “Vigipirate” lên mức cao nhất
là “tấn công khẩn cấp”. Quyết định này được đưa ra chỉ vài tháng trước khi diễn
ra Olympic Paris 2024 vào tháng 7 tới.
Tại Đan Mạch, cảnh
báo an ninh cũng được nâng lên mức tối đa. Trong khi đó, Chính phủ Anh duy trì
mức độ đe dọa quốc gia hiện tại ở mức "đáng kể" hoặc mức trung bình,
cao thứ ba trong hệ thống 5 cấp của nước này.
4.
Mỗi ngày có 1 tỷ bữa ăn bị vứt bỏ trong khi 800 triệu người chịu đói
Mỗi ngày có 1 tỷ bữa ăn bị lãng phí
trong khi có hàng trăm triệu người bị đói trên khắp thế giới (Ảnh minh họa. Nguồn
ảnh: AP)
Một số liệu chính
thức được Liên hợp quốc công bố hôm 27/3 cho thấy các hộ gia đình trên thế giới
vứt bỏ 1 tỷ bữa ăn mỗi ngày trong năm 2022 - hồi chuông cảnh báo về “thảm kịch”
lãng phí lương thực toàn cầu.
Phần lớn sự lãng
phí này tới từ các hộ gia đình trên toàn thế giới. Các hộ gia đình vứt bỏ 60%
trong đó, tương đương 631 triệu tấn. Ngoài ra, thực phẩm từ các cơ sở dịch vụ
như nhà hàng, căng tin và khách sạn cũng chiếm tới gần 30% tổng số thực phẩm bị
lãng phí.
Báo cáo cho rằng
việc lãng phí như vậy không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn gây hại cho môi trường.
Lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ rác thải thực phẩm cao gấp 5 lần so với
khí thải của ngành hàng không.
Giám đốc điều hành
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh: Lãng phí
thực phẩm là một thảm kịch toàn cầu. Đối lập với sự lãng phí này là có hàng
trăm triệu người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn, đói kém mỗi
ngày.
Trong khi đó, ông
Richard Swannell thuộc tổ chức phi lợi nhuận WRAP nêu rõ, con số 1 tỷ bữa ăn là
một ước tính rất thận trọng. Trên thực tế, có thể còn cao hơn nhiều. Ông cho rằng
việc có sự phối hợp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ đã giúp giảm lãng
phí, chuyển thực phẩm tới cho những người cần và thế giới hiện cần nhiều hơn nữa
những hành động như vậy.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm
với Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin
Ngày 26/3/2024, tại
trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống
Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin.
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng Tổng thống Pu-tin được nhân dân Nga tín nhiệm bầu
lại làm Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2024-2030 với số phiếu cao kỷ lục
trong lịch sử hiện đại của Liên bang Nga, thể hiện niềm tin và sự ủng hộ của
nhân dân Nga đối với Tổng thống Pu-tin trong việc lãnh đạo nước Nga phát triển
trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gửi lời thăm hỏi và lời
chia buồn sâu sắc đến Tổng thống Pu-tin, nhân dân Nga và thân nhân những người
bị nạn trong vụ khủng bố tại Mát-xcơ-va vào chiều tối ngày 22/3/2024.
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga
trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay đối với đất nước và nhân dân Việt
Nam, nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên
bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của
mình.
Tổng thống Pu-tin
trân trọng cảm ơn lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự thăm hỏi,
chia sẻ kịp thời của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Khẳng định Việt Nam
luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga, Tổng thống Pu-tin bày tỏ vui
mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ song phương trên tất cả
các lĩnh vực. Hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí về một số định hướng lớn
nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới trên các lĩnh vực như an
ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, văn hóa, du lịch… Nhân dịp này, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng thống Pu-tin sớm thăm chính thức Việt
Nam. Tổng thống Pu-tin đã vui vẻ nhận lời và thống nhất hai bên sẽ phối hợp thu
xếp thời điểm phù hợp.
2.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
Sáng 27/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ tiếp Thượng Nghị sĩ Kirsten Gillibrand, Chủ tịch Tiểu ban các mối
đe dọa mới nổi, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ và Đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với
Chủ tịch Tiểu ban về các mối đe dọa mới nổi của Ủy ban Quân vụ thuộc Thượng viện
Hoa Kỳ Kirsten Gillibrand. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Thay mặt Quốc hội
Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh bà Kirsten Gillibrand,
các Thượng Nghị sĩ, Hạ Nghị sĩ Hoa Kỳ... thăm, làm việc tại Việt Nam. Đây là
chuyến thăm thứ hai của các Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ tới Việt Nam trong năm 2024
sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội
bày tỏ tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn sẽ góp phần tăng
cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ giữa hai Quốc hội cũng như hợp
tác giữa hai nước phát triển sâu sắc và thực chất hơn.
Bà Kirsten
Gillibrand cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành sự đón tiếp nồng hậu;
bày tỏ vui mừng quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn
diện, điều này cho thấy Việt Nam là đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương. Thượng Nghị sĩ cảm ơn Chính phủ, người dân Việt Nam
đã hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh, tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa
Kỳ, hài cốt liệt sĩ Việt Nam, hỗ trợ người khuyết tật; tiếp tục thực hiện cam kết
trong giải quyết hậu quả chiến tranh; mong muốn thúc đẩy hợp tác trong những
lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, thú y; thúc đẩy giao
lưu nhân dân thông qua hợp tác giáo dục…
Tại cuộc tiếp, các
Thượng Nghị sĩ, Hạ Nghị sĩ đến từ một số tiểu bang của Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng
trở lại đất nước Việt Nam tươi đẹp, khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hai
nước trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh như: năng lượng, cao tốc, khí tự
nhiên hoá lỏng, nhiên liệu sạch, chế biến than thành vật liệu xây dựng, chuyển
dịch năng lượng xanh, lĩnh vực bán dẫn, môi trường, thể thao thành tích cao…
3.
Phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch bản sắc Việt Nam, tầm cỡ quốc tế
Sau khi khảo sát
tình hình thực tế, chiều 30/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và
lãnh đạo thành phố Phú Quốc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố
và giải quyết các đề xuất để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững trong thời
gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang
(Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
Cùng dự có Bộ trưởng
Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn
Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí
thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng ghi nhận,
biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà thành phố Phú Quốc đã đạt được;
đồng thời chỉ rõ, Phú Quốc phải giải bài toán phát triển nóng, chưa thực sự bền
vững và chưa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; giải
quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường…
Nhấn mạnh cần xây
dựng thành phố đảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, sinh thái, trở thành
trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp
văn hoá mang tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng
tâm thời gian tới để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Theo Thủ tướng,
Phú Quốc phải huy động và khơi thông mọi nguồn lực phát triển, kết hợp nguồn lực
bên trong với nguồn lực bên ngoài; kết hợp giữa nguồn lực Trung ương, ngân sách
địa phương, vốn vay, vốn tài trợ và nguồn vốn xã hội, nhất là cơ chế hợp tác
công tư. Thủ tướng cũng chỉ rõ, Phú Quốc phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà,
hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân
và doanh nghiệp để giải quyết.
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Đề án 06
Sáng 27/3, UBND tỉnh
tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Quyết
định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án
phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ
chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh
ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 trao Bằng khen cho các
cá nhân
Các đồng chí: Lê
Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án
06; Đại tá Nguyễn Viết Giang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an
tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có
các đồng chí Ủy viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh;
lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và tại điểm cầu các huyện, thành phố, các
xã, phường, thị trấn.
2 năm qua, Đề án
06 trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt, hiệu quả, các nhiệm vụ trọng
tâm của Đề án cơ bản được duy trì, bảo đảm đúng tiến độ, trong đó có nhiều nhiệm
vụ hoàn thành trước hạn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc kết nối
tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của
tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu
đã được số hóa trong toàn quốc thống nhất, hiệu quả.
Phát biểu kết luận
Hội nghị, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề
án 06 nhấn mạnh: Năm 2024, Chính phủ xác định là năm “Hoàn thiện hạ tầng công
nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số,
xã hội số, công dân số”. Do đó, đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố;
các xã, phường, thị trấn và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh
tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, tham mưu triển khai, thực hiện Đề án 06 đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.
2.
Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
Sáng 25/3, Chủ tịch
UBND tỉnh Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên tỉnh Lai Châu
năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới
điểm cầu các huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương tặng
lẵng hoa chúc mừng nhân dịp 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh
Dự Hội nghị đối
thoại có đồng chí Sùng A Hồ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban
MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các
doanh nghiệp và trên 250 đoàn viên thanh niên tiêu biểu đại diện cho lực lượng
đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh.
Với chủ đề “Thanh
niên tỉnh Lai Châu - Khát vọng phát triển”, Hội nghị đối thoại đã tập trung
trao đổi các nội dung về hỗ trợ đào tạo tay nghề, kỹ năng chuyên môn; hỗ trợ
tìm việc làm, tạo việc làm, hướng nghiệp; khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ vốn;
hỗ trợ chính sách để thanh niên phát triển kinh tế; phát triển thanh niên tỉnh
Lai Châu thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021
-2030; xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu
niên.
Phát biểu khai mạc
Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương khẳng định, Hội nghị đối thoại có ý
nghĩa rất quan trọng để UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe những ý kiến,
chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp
và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Phát biểu kết luận
Hội nghị, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao
những ý kiến được nêu tại Hội nghị và nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân
luôn gửi trọn niềm tin yêu vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
3.
Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây
truyền từ động vật sang người năm 2024
Sáng 27/3, tại Hà
Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)
tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh
lây truyền từ động vật sang người năm 2024.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Các đồng chí: Nguyễn
Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế; Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm
cầu tỉnh có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện tuyến tỉnh, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và các
phòng, đơn vị liên quan trực thuộc Sở NN&PTNT.
Phát biểu kết luận
Hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc
kiểm soát nguồn bệnh lây truyền từ động vật sang người khó khăn nên công tác
phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người cần có sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng chí đề nghị 2 Bộ: Y tế, NN&PTNT cần
rà soát lại cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương
tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc phòng chống
dịch bệnh.
UBND các tỉnh,
thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng,
chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ
NN&PTNT. Đồng thời, chỉ đạo huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban,
ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch
bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người.