ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Thông tin thời sự nổi bật Tuần 4 tháng 3 năm 2024
Lượt xem: 4507

THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 4 THÁNG 03/2024

(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 18-24/3/2024)

 

I. TIN THẾ GIỚI

1. Ít nhất 143 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố

Tối 22/3, nhiều tay súng đã lọt vào phòng hòa nhạc và thực hiện vụ tấn công tại nhà hát Crocus City Hall nằm trên đường vành đai MKAD giữa thủ đô Moskva và tỉnh Moskva của Liên bang Nga. Các đối tượng đã xả súng, sau đó là một vụ nổ xảy ra trong tòa nhà và ngọn lửa bắt đầu lan rộng.

Tính đến tối 23/3 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên là 143 người. Ngoài ra còn có gần 150 người bị thương.

anh tin bai

Hình ảnh vụ tấn công khủng bố  tại nhà hát Crocus City Hall ở Nga (Ảnh: The Journal/TTXVN)

Các lực lượng an ninh Nga đã bắt giữ 11 nghi can thực hiện vụ tấn công đẫm máu này, trong đó xác định được danh tính của 4 đối tượng tham gia trực tiếp và tất cả đều là "công dân Tajikistan". Các điều tra viên Nga cho biết "những phần tử khủng bố" đã sử dụng "chất lỏng dễ cháy" để phóng hỏa sau khi thực hiện vụ xả súng.

Một trong những nghi phạm thực hiện vụ tấn công khủng bố khai nhận được thuê để giết người. Theo đối tượng, cách đây một tháng, y đã liên lạc qua Telegram và được cung cấp vũ khí. Đối tượng thú nhận người điều hành đã giao cho y nhiệm vụ giết tất cả những người trong khán phòng và được hứa trả 1 triệu ruble (gần 11.000 USD).

Phát biểu trên truyền hình quốc gia sau vụ tấn công tại nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ngày 24/3 là ngày Quốc tang, tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu này.

Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới nước Nga đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố gây ra cái chết của hàng trăm người.

2. Khủng hoảng nghiêm trọng ở Haiti

Thủ đô Port-au-Prince của Haiti tiếp tục chìm trong bạo lực ở mức độ chưa từng có. Sáng 22/3 (giờ địa phương), người dân kinh hoàng khi thấy hàng chục thi thể nằm rải rác trên đường phố, nhiều thi thể trong số này đã bị đốt cháy. Những ngày gần đây tình trạng này thường xuyên xảy ra sau các cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng cảnh sát và băng nhóm tội phạm có vũ trang.

anh tin bai

Tình trạng bạo lực đang bao trùm Haiti. (Ảnh: AFP)

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cùng ngày cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực tại Haiti đã lên đến mức chưa từng có, khi 4,97 triệu người trong tổng số 11,5 triệu dân nước này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính, 1,64 triệu người trong số này đang ở mức độ khẩn cấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình sức khỏe và nhân đạo ở thủ đô Port-au-Prince, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do sân bay đóng cửa và việc tiếp cận cảng biển khó khăn, trong bối cảnh khu vực xung quanh đã bị các băng nhóm vũ trang kiểm soát. WHO không loại trừ tình hình sẽ xấu đi đáng kể trong những tuần tới nếu nhiên liệu trở nên khan hiếm và khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế thiết yếu không sớm được cải thiện.

Bất ổn chính trị bao trùm Haiti kể từ khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát vào tháng 7/2021, Thủ tướng Ariel Henry trở thành lãnh đạo lâm thời của đất nước. Tình hình đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng từ ngày 29/2, sau khi làn sóng bạo lực do các băng đảng gây ra ở Port-au-Prince đã dẫn đến việc hàng nghìn thường dân phải di dời, cuộc sống của người dân vốn đã bấp bênh lại càng thêm khốn khó.

3. Liên hợp quốc yêu cầu Houthi chấm dứt các cuộc tấn công trên Biển Đỏ

Ngày 18/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra thông cáo báo chí yêu cầu lực lượng Houthi của Yemen chấm dứt cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi kiềm chế để tránh tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng.

Cũng trong thông cáo, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ, trong đó có vụ tấn công tàu MV True Confidence ngày 6/3 khiến 2 thủy thủ Philippines, 1 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Trước đó, tàu MV Rubymar cũng bị tấn công vào ngày 18/2 và bị chìm vào ngày 2/3 do bị hư hại.

anh tin bai

Trực thăng quân sự của Houthi  bay qua tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ trong bức ảnh được Houthi công bố hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Houthi Military Media/Handout/dpa)

Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tàu MV Galaxy Leader và thuỷ thủ đoàn bị Houthi giam giữ trái phép hơn 100 ngày. Đồng thời yêu cầu Houthi chấm dứt ngay lập tức tất cả các hành vi tấn công nhằm vào các tàu thương mại và buôn bán đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden, phù hợp với luật pháp quốc tế và nghị quyết 2722 (năm 2024).

Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng kêu gọi thiết lập các mối quan hệ hợp tác thực tế, bao gồm cả với chính phủ Yemen, để ngăn chặn lực lượng Houthi được trang bị vũ khí và các thiết bị liên quan cần thiết  để thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng kêu gọi tôn trọng việc thực hiện các quyền và tự do hàng hải của các tàu buôn và thương mại từ tất cả các quốc gia đi qua Biển Đỏ và Eo biển Bab el-Mandeb, dựa trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp quốc tế. Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi hành động thận trọng và kiềm chế để tránh leo thang thêm tình hình trên Biển Đỏ và khu vực rộng lớn hơn.

4. Cùng tắt đèn trong "Giờ Trái Đất" vì một tương lai tươi sáng hơn

Nhằm kêu gọi sự chú ý trước những mất mát của thiên nhiên và  tình trạng biến đổi khí hậu, người dân trên khắp thế giới đã tham gia một chiến dịch thường niên mang tên Giờ Trái Đất vào ngày 23/3. Đó là sự kiện tắt đèn được thực hiện trong 1 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 20h30 (giờ địa phương).

Sự kiện tắt đèn thường niên do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) - một tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn hoang dã và môi trường - khởi xướng từ năm 2007 và giờ đây đã trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường.

anh tin bai

Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất tại Cung điện Hoàng gia Madrid, Tây Ban Nha (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo, sự kiện tắt đèn năm ngoái đã thu hút người ủng hộ tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo đó tích lũy được tổng cộng 410.000 giờ tắt đèn cho hành tinh. Ban tổ chức sự kiện kỳ vọng người dân trên thế giới sẽ dành 60 phút trong sự kiện năm nay để làm điều có ích cho Trái Đất.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Giờ Trái Đất là "lễ hội toàn cầu thể hiện tình đoàn kết với hành tinh của chúng ta". Như một phần của chiến dịch năm nay, nhiều địa danh nổi tiếng của Anh  tham gia ủng hộ Giờ Trái Đất bằng cách tắt đèn.

Tại Ấn Độ, thành phố Hyderabad tham gia Giờ Trái Đất vào tối 23/3 bằng việc tắt đèn tại các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Sự kiện này cũng được hưởng ứng tại các văn phòng và cơ quan chính phủ trên khắp bang Telangana, nơi nguồn điện sẽ bị ngắt trong một giờ.  

II. TIN TRONG NƯỚC

1. Việt Nam là hướng ưu tiên trong các quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc

Chiều 19/3/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam nhân dịp bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam. Đại sứ Choi Young Sam khẳng định Chính phủ Hàn Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong các quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc hiện nay.

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ và Đại sứ quán Hàn Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc; vui mừng khi hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thủ tướng cho rằng hai bên cần tăng cường quan hệ chính trị và hợp tác trên các lĩnh vực phát triển tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt; duy trì các cơ chế hợp tác hiện có cũng như thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc”.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển ổn định theo hướng cân bằng, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh như công nghiệp văn hóa, điện tử, đóng tàu và các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, AI....; xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam bày tỏ vinh dự khi sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quan hệ hai nước có thêm nhiều tiềm năng hợp tác sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

2. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh

Sáng 23/3, tại thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội Văn Miếu năm 2024 tại Khu di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng tham dự buổi Lễ.

anh tin bai

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ tế, dâng hương tại Văn Miếu Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Lễ hội Văn Miếu năm 2024 được tổ chức vào ngày 23 - 25/3 (14 - 15/2 âm lịch) tại khuôn viên Văn Miếu Hà Tĩnh (phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh). Đây là năm thứ 3, UBND thành phố Hà Tĩnh thực hiện khôi phục lại lễ hội văn hóa này nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; tôn vinh đạo học và tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Tại Lễ hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi thức Lễ tế, dâng hương các vị tiên hiền khai nguồn đạo học, các danh nhân văn hóa tại Văn Miếu, các vị đại khoa được khắc tên vào văn bia và lễ dâng “Văn phòng tứ bảo” (dâng bút, giấy, mực, nghiên) để cầu may cho người được tặng chữ.

Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - văn nghệ, cho chữ, viết thư pháp, triển lãm sách… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Văn Miếu Hà Tĩnh là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là nơi thờ phụng đức Khổng Tử, bậc hiền triết sáng lập nên đạo Nho và các học trò sĩ tử như: Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Đây cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn vinh, khuyến khích tinh thần hiếu học của các thế hệ học sinh Hà Tĩnh.

3. Việt Nam kiên quyết bác bỏ tất cả các yêu sách trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

anh tin bai

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Ngày 23/3/2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3/2024 và Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/3/2024 về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách này.

Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

III. TIN TRONG TỈNH

1. Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp năm 2023

Chiều 18/3, tại tỉnh Lai Châu, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Ký kế hoạch phối hợp thực hiện công tác Dân vận năm 2024. Các đồng chí: Lò Văn Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lý Thị Vinh -  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai đồng chủ trì Hội nghị.

anh tin bai

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy 02 tỉnh ký Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác Dân vận năm 2024

Dự Hội nghị có lãnh đạo Ban, lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng, các phòng chuyên môn Ban Dân vận Tỉnh ủy 02 tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Lai Châu, Lào Cai…

Hội nghị đã thông qua dự thảo Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác Dân vận năm 2024 với các nội dung: Tổ chức nắm tình hình Nhân dân các xã giáp ranh 02 tỉnh nằm trong vùng dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu; đường biên giới Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu). Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác như: Tham mưu cho cấp ủy sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác dân tộc. Công tác chuyển đổi số; công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên không gian mạng; việc tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo, nắm, tổng hợp tình hình Nhân dân hằng tháng, quý, năm và các vụ việc đột xuất, phát sinh...

Phát biểu Kết luận Hội nghị, 02 đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu và Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy 02 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp để nâng cao hơn nữa công tác Dân vận ở địa phương; xin ý kiến của Tỉnh ủy 02 tỉnh để ký công tác phối hợp giữa ban dân vận cấp huyện của 02 tỉnh; đẩy mạnh công tác phối hợp nắm tình hình Nhân dân ở địa bàn; tích cực phối hợp trong việc triển khai các chính sách dân tộc, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy 02 tỉnh đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác Dân vận năm 2024.

2. Hội nghị giao ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Ngày 22/3, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024. Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có đồng chí Lò Văn Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy…

Các phong trào thi đua, cuộc vận động được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai thực hiện, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, phù hợp khả năng, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên. Ủy MTTQ Việt Nam tỉnh đã phân bổ kinh phí xây dựng 200 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn; phân bổ 2,5 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ làm 50 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện, thành phố. Hội Nông dân tỉnh trồng mới hơn 200 cây xanh; lắp 50 đèn năng lượng chiếu sáng đường nông thôn giá trị 45 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao 20 thùng rác công cộng, trồng 40 cây đào tại huyện Tân Uyên…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy biểu dương, ghi nhận những kết quả mà MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đạt được thời gian qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình, đề án góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhất là những thông tin xấu độc trên không gian mạng; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2024; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong đoàn viên, hội viên…

3. UBND tỉnh: Phiên họp thường kỳ tháng 3

Sáng 22/3, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quý I; nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

anh tin bai

Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Sỹ Cảnh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận, Ban Nội chính Tỉnh ủy…

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch UBND Lê Văn Lương đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng với nhiều giải pháp đồng bộ và tinh thần quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quý I. Trong quý II/2024, đồng chí yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện Kế hoạch 678/KH-UBND, ngày 29/02/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo chỉ tiêu, thời vụ. Chuẩn bị các phương án phòng, chống lụt bão và các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công…

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI (tổng hợp)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập