NỘI DUNG THÔNG TIN
THỜI SỰ TUẦN 4 THÁNG 11/2023
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 20/11/2023 –26/11/2023)
-----
1. Tin Quốc tế
1.1. Qatar thiết lập
trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza
Người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Qatar Majed Al-Ansari cho biết một trung tâm điều hành tại thủ đô Doha của
nước này sẽ giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Israel và phong
trào Hồi giáo Hamas, cũng như việc thả 50 con tin Israel.
Trung tâm trên cũng sẽ
thu thập thông tin về các con tin còn đang bị giam giữ. Ông Majed Al-Ansari cho
biết thêm Qatar sẵn sàng đóng vai trò điều phối giữa Israel, Văn phòng Chính trị
Hamas tại Doha và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế.
Qatar là trung gian hòa
giải cho thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và phong trào
Hamas. Ngày 23/11, Qatar cho biết lệnh ngừng bắn toàn diện tại Dải Gaza sẽ
bắt đầu từ 7 giờ sáng 24/11 (giờ địa phương) và đợt đầu tiên gồm 13 dân thường
sẽ được rời Gaza từ lúc 16 giờ cùng ngày theo thỏa thuận trao trả con tin giữa
hai bên.
Cùng ngày, Iran đã hoan
nghênh thỏa thuận tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo kéo dài 4 ngày ở Dải Gaza
giữa Israel và phong trào Hamas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser
Kanaani mô tả thỏa thuận trên là bước đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn
toàn xung đột. Quan chức này đồng thời khẳng định Iran sẽ tham gia các nỗ lực bảo
toàn thỏa thuận tạm ngừng bắn, cũng như bảo đảm chuyển hàng viện trợ nhanh
chóng cho người dân ở Gaza.
Đến ngày 26/11, Abigail
Edan, cô bé 4 tuổi mang 2 quốc tịch Mỹ-Israel bị Hamas bắt cóc hôm 7/10, đã
được trả tự do cùng với 16 con tin khác, qua đó đánh dấu kết quả giải cứu thành
công con tin người Mỹ đầu tiên kể từ khi bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn giữa
Israel và Hamas.
1.2. Campuchia đặt mục
tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030 và có thu nhập cao năm
2050
Thủ tướng Campuchia Hun
Manet cho biết nước này đã đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung
bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Phát biểu ngày 23/11 tại
“Hội nghị Tầm nhìn Campuchia năm 2023” về “Tầm nhìn Campuchia đến năm 2030 và
những năm tiếp theo: Xác định con đường thịnh vượng, bền vững và bao trùm”, Thủ
tướng Campuchia Hun Manet cho biết nước này đã đặt ra mục tiêu trở thành quốc
gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.
Theo nhà lãnh đạo
Campuchia, nước này đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong ASEAN+3
(với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), giảm dần sự phụ thuộc gần như hoàn toàn
vào thị trường Mỹ và châu Âu. Tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 10%, khoảng cách bất
bình đẳng xã hội được thu hẹp, cơ cấu kinh tế chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp
truyền thống sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao
hơn.
1.3. Bộ Quốc phòng Triều
Tiên ra tuyên bố về thỏa thuận quân sự liên Triều
Ngày 23/11, Triều Tiên
tuyên bố nước này sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự mà
đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, sau khi Hàn
Quốc đình chỉ một phần của thỏa thuận này sau vụ phóng vệ tinh do thám quân sự
của Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên
bố họ sẽ “không bị kiềm chế” bởi thỏa thuận quân sự nêu trên nữa, cảnh báo rằng
Seoul sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình. Theo hãng thông tấn trung
ương Triều Tiên (KCNA), tuyên bố của Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh rằng kể
từ nay quân đội nước này sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự
liên Triều ký ngày 19/9/2018.
Triều Tiên nêu rõ: “Chúng
tôi sẽ hủy bỏ các biện pháp quân sự vốn được thực thi nhằm ngăn ngừa căng thẳng
quân sự và xung đột ở tất cả khu vực, như trên bộ, trên biển và trên không, và
sẽ bố trí lực lượng vũ trang hùng mạnh cùng thiết bị quân sự tiên tiến tại các
khu vực biên giới”.
Trước đó, hãng tin Yonhap
ngày 22/11 đưa tin chính phủ nước này đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa
thuận quân sự liên Triều ký kết hồi năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Triều
Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự.
Theo Yonhap, quyết định
trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bất thường do Thủ tướng Han Duck-soo chủ
trì. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo sẽ thực hiện các bước để tạm
đình chỉ một phần thỏa thuận trên cũng như nối lại các hoạt động do thám và
giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều.
Thỏa thuận quân sự toàn
diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018, kêu gọi dừng mọi
hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên
biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình, và nhiều biện
pháp khác.
1.4. Ukraine "tiến gần
hơn" tới EU
Reuters đưa tin, Chủ tịch
Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá Ukraine tiếp tục "tiến gần
hơn" tới Liên minh châu Âu (EU) và xem những tiến bộ của Kiev là
"đáng chú ý".
Theo ông Michel, vào giữa
tháng 12 tới đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ
họp bàn về vấn đề liệu rằng có nên chính thức khởi động tiến trình đàm phán gia
nhập khối đối với Ukraine hay không. "Đó sẽ là một cuộc họp khó khăn nhưng
tôi sẽ không từ bỏ. Thế giới cần một EU mạnh mẽ nhằm bảo đảm sự ổn định
và thịnh vượng", Reuters ngày 22/11 dẫn lời ông Michel nhân dịp thăm Kiev.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelensky cảnh báo sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU liên quan tới việc chính
thức khởi động tiến trình đàm phán "sẽ gây hoài nghi về những vấn đề
khác". Ukraine đã đệ đơn xin gia nhập EU vào tháng 3/2022 và được
trao quy chế ứng cử viên vào tháng 6 cùng năm, một quyết định nhanh chưa từng
có trong lịch sử EU.
2.
Tin trong nước
2.1. Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực
Ngày 22/11, tại Trụ sở
Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với: Kết
quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo;
kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân
hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái
phiếu doanh nghiệp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Cuộc
họp.
Từ sau Phiên họp thứ 23 của
Ban Chỉ đạo (tháng 01/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực,
cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ
án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt,
đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Tiến độ điều tra, xử lý
các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu
cầu của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra.
Từ sau Phiên họp 24 đến
nay, đã khởi tố mới 3 vụ án/9 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án;
kết luận điều tra 7 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 3 vụ án/21 bị
can; truy tố 5 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc
thẩm 5 vụ án/11 bị cáo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm ngày càng tốt,
có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học; cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Về nhiệm vụ thời gian tới,
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp
tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những
việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra,
giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến
các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân
Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…
Tại Cuộc họp này, Thường
trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm các
kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo kết quả chỉ đạo giám sát của Đảng đoàn Quốc hội;
chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo
cáo kết quả về Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 25.
2.2. Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hòa
Sáng 23/11, tại tỉnh Long
An, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp
Hòa (23/11/1963/ 23/11/2023). Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ
tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân tỉnh Long An vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc
trong sự nghiệp của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm,
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Chiến thắng trận Hiệp
Hòa đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ
đạo của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy Long An; là thành quả của tinh thần chiến
đấu dũng cảm, kiên cường, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân
dân tỉnh Long An; đồng thời thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam
lúc bấy giờ.
Trên tinh thần đó, Đồng
chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang
và nhân dân tỉnh Long An, những người con của Long An đang sinh sống, làm việc,
công tác, học tập ở trong và ngoài nước hãy tiếp tục phát huy truyền thống yêu
nước của cha ông, tăng cường tình đoàn kết gắn bó, ra sức thi đua, quyết tâm thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội XI,
góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng.
2.3. Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính: Tăng cường đôn đốc, kiểm tra các công trình, dự án quan trọng
quốc gia
Sáng 25/11, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án
quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban chỉ đạo) chủ trì
họp Phiên thứ 8 của Ban chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện
theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với
45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng
quốc gia, trọng điểm ngành Giao
thông vận tải.
Dự phiên họp có các thành
viên Ban chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập
đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
tại Phiên họp thứ 8, Ban chỉ đạo tập trung rà soát, nắm bắt tình hình; đề xuất
các giải pháp thúc đẩy các dự án và triển khai các dự án mới; đồng thời rà soát
cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo cơ chế thông thoáng không chỉ cho các công
trình, dự án quan trọng quốc gia mà cho cả các công trình dự án khác trong thời
gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là đẩy mạnh
phân cấp, ủy quyền; phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới;
tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các công trình, dự án quan trọng
quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
2.4. Quốc hội thông qua
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với tỷ lệ tán thành
cao
Với tỷ lệ tán thành cao,
chiều 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình
quốc phòng và khu quân sự.
Tiếp tục chương trình Kỳ
họp thứ sáu, chiều 24/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ
tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu
quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công
trình quốc phòng và khu quân sự.
Kết quả, với tỷ lệ tán
thành cao (95,14% tổng số đại biểu), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản
lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Luật gồm 6 chương, 34 điều,
có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
3.
Tin trong tỉnh
3.1.
Điều tra xã hội học về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị
của tỉnh năm 2023
Để có những thông tin khách quan từ cán bộ, đảng
viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đánh giá về
tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2023, từ đó có thêm cơ sở để
các cấp, các ngành rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra mục
tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp trong năm 2024.
Cuộc điều tra được thực hiện từ ngày 21/11/2023 đến ngày
10/12/2023 (việc tổ chức thăm dò lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân thực hiện
từ ngày 21/11 đến hết ngày 27/11/2023).
3.2. Tăng cường đưa chính
sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến với người dân hưởng
thụ
Thực hiện chương trình
công tác của UBND tỉnh, chiều 24/11, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng Đoàn công tác của UBND tỉnh đã có buổi làm
việc với huyện Tân Uyên về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm
xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2023 tại
huyện Tân Uyên.
Tham gia Đoàn công tác có
đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các sở, ngành: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Y tế,
Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh.
Thảo luận tại buổi làm việc,
các đại biểu tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao
chất lượng dịch vụ trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân
của các cơ sở y tế; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
trong tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhất là bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến
đời sống kinh tế của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn…