ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Thông tin thời sự nổi bật tuần 4 tháng 02/2023
Lượt xem: 1013

Nội dung thông tin thời sự tuần 4 tháng 02/2023

(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 20/02/2023 – 26/02/2023)


1. Tin thế giới

 1.1. Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu

 Ngày 24/02, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã nhất trí thông qua 2 nghị quyết về phương thức tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh và Phiên họp cấp cao về phòng, chống bệnh lao, dự kiến sẽ được tổ chức trong Tuần lễ cấp cao khóa 78 ĐHĐ LHQ tháng 9/2023. Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó dịch bệnh được tổ chức nhằm mục đích rút ra các kinh nghiệm, bài học của thế giới trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, qua đó thúc đẩy cách tiếp cận đa chiều nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về phòng, chống bệnh lao nhằm mục tiêu huy động ý chí chính trị và tăng cường các biện pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tài chính và đổi mới để nhanh chóng chấm dứt đại dịch lao toàn cầu, thông qua đảm bảo tiếp cận bình đẳng cho các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị. 

Trên cương vị nước chủ trì xây dựng Nghị quyết của ĐHĐ LHQ về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2020 và là nước nòng cốt đưa ra Nghị quyết về tổ chức Phiên họp cấp cao của ĐHĐ về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh năm 2022, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước nòng cốt khác dẫn dắt tiến trình thương lượng để ĐHĐ đồng thuận thông qua 2 nghị quyết nói trên.

1.2. Thủ tướng Đức tới Ấn Độ thúc đẩy quan hệ song phương

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 25 đến 26/02. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ, năng lượng sạch, thương mại và đầu tư. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Scholz tới quốc gia Nam Á sau khi trở thành Thủ tướng Đức. Sự kiện này cũng đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Đức tới Ấn Độ kể từ khi cơ chế tham vấn liên chính phủ (IGC) giữa hai nước diễn ra hai năm một lần bắt đầu từ năm 2011.

Trong chuyến thăm lần này, ông Scholz cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận bán cho Ấn Độ 6 tàu ngầm thông thường trị giá 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực của một cường quốc sản xuất vũ khí phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào vũ khí Nga có thể sẽ không có kết quả ngay lập tức. Ngoài ra, ông Scholz còn có nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Ấn Độ.
Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz cho thấy tầm quan trọng của New Delhi đối với các nước châu Âu nói chung và Đức nói riêng. Bên cạnh việc nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, ông Scholz còn muốn gắn kết Ấn Độ chặt chẽ hơn với phương Tây trong bối cảnh vị thế của quốc gia Nam Á ngày càng tăng trên trường quốc tế.

1.3. Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột quân sự, tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

Sáng 23/02 (theo giờ Việt Nam), Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, đúng một năm kể từ khi bắt đầu xung đột quân sự. Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột quân sự tại Ukraine trong một năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột quân sự, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam kêu gọi LHQ, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của LHQ và Tổng Thư ký LHQ trong tìm kiếm giải pháp. Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.

2. Tin trong nước

2.1. Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công

Sáng 21/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội trị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, là nước đang phát triển, có độ mở lớn, sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi phải bản lĩnh, linh hoạt để điều hành phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện bị tác động kép từ bên ngoài và những khó khăn nội tại. Chính phủ xác định, đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực của sự phát triển. Nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 nhấn mạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia là những nhiệm vụ trọng tâm. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là hơn 711.684 tỷ đồng. Đến hết ngày 17/02/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 ước thanh toán đến 31/01 là hơn 12.819 tỷ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...

2.2. Tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Chiều 24/02, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923/01/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một sự kiện chính trị lớn, nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là dịp thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với công lao to lớn của Trung tướng.

3. Tin trong tỉnh

3.1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI của Tỉnh uỷ Lai Châu

Sáng ngày 24/02, Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị. 

Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra và đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế từng bước tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2011-2021 đạt gần 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; lực lượng vũ trang tỉnh được củng cố kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng và phát triển, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết với nhiều kết quả quan trọng.

3.2. Lễ phát động “Tết trồng cây" Xuân Quý Mão 2023

Sáng ngày 23/02 tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây" Xuân Quý Mão 2023. Thấm nhuần triết lý sống gần gũi với thiên nhiên và vai trò quan trọng của cây xanh trong cuộc sống con người, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân tham gia “Tết trồng cây”. Người đã phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một nét đẹp truyền thống của Nhân dân ta. Trong năm 2022, việc trồng rừng, trồng cây xanh, thảm cỏ đô thị luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Toàn tỉnh đã trồng được trên 279 nghìn cây phân tán; trồng rừng mới được 2.992 ha, đạt 149% kế hoạch giao; thực hiện quản lý bảo vệ tốt hơn 474 nghìn ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 51,7%, tăng 0,26% so với năm 2021. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện tốt; cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có thu nhập từ rừng, góp phần cải thiện đời sống; ngành Lâm nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.


Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối tổng hợp
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập