THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 3
THÁNG 8/2024
(Các
sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 12- 18/8/2024)
-----
I. TIN THẾ GIỚI
1. Châu Phi ghi
nhận hơn 18.700 ca mắc, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Ngày 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu
Phi (AU) cho biết, tổng cộng châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 18.737 ca nghi
mắc hoặc đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) kể từ đầu năm, trong đó
có 1.200 ca được báo cáo chỉ trong một tuần. Châu lục này cũng ghi nhận 541 ca
tử vong (tỷ lệ tử vong là 2,89%).
Bệnh nhi mắc bệnh đậu mùa khỉ được điều trị tại bệnh
viện ở Nyiragongo, CHDC Congo ngày 15/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đây là số ca nghi mắc hoặc mắc 3 biến thể
của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có biến thể 1b mới nguy hiểm hơn và dễ
lây truyền hơn. Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do biến thể này gây ra đã khiến
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/8 vừa qua phải ban bố tình trạng khẩn cấp về
sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của cơ quan
này.
Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là
CHDC Congo, nơi biến thể 1b được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2023. Tất cả
26 tỉnh ở CHDC Congo đều đã phát hiện các ca mắc bệnh. Nước này đã phát hiện
1.005 ca, trong đó 222 ca được xác nhận và 783 ca mắc, với 24 ca tử vong trong
một tuần. Nước láng giềng Burundi đã phát hiện 173 ca, trong đó 39 ca được xác
nhận và 134 ca nghi mắc - đánh dấu mức tăng 75% trong một tuần.
Theo CDC châu Phi, số ca mắc và nghi mắc
đậu mùa khỉ được báo cáo ở châu lục nay từ đầu năm đến nay còn cao hơn tổng số
ca của cả năm 2023 (14.383 ca). Trong tuần này, các ca mắc mpox đầu tiên bên
ngoài châu Phi cũng đã được phát hiện ở Thụy Điển và Pakistan. WHO sẽ sớm công bố
các khuyến nghị đầu tiên của ủy ban khẩn cấp và mới đây đã cùng với các tổ chức
phi chính phủ cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine.
2. Thái Lan có
Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử
Ngày 16/8, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan
Wan Muhamad Noor Matha đã triệu tập phiên họp toàn thể Hạ viện 493 thành viên để
bầu thủ tướng mới thay thế ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành Thủ tướng trẻ nhất
trong lịch sử Thái Lan. (Ảnh: TTXVN)
Ứng cử viên duy nhất tại cuộc bỏ phiếu
này là bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, lãnh đạo của đảng Vì nước Thái (Pheu
Thai) đứng đầu liên minh cầm quyền hiện nắm 314/493 ghế Hạ viện. Theo luật bầu
cử của Thái Lan, bà Paetongtarn cần đa số tối thiểu, tức 247 phiếu ủng hộ để được
bầu làm thủ tướng.
Kết quả, bà Paetongtarn nhận được 319
phiếu ủng hộ, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Có 2 thành viên Hạ viện không
tham dự cuộc họp. Như vậy, bà Paetongtarn đã trúng cử, trở thành thủ tướng thứ
31 và là thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay ở Thái Lan. Bà cũng là nữ thủ tướng
thứ hai trong lịch sử “xứ sở Chùa Vàng” và là thành viên thứ ba trong gia đình
Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha của bà là ông Thaksin Shinawatra và cô ruột
Yingluck Shinawatra.
Nữ Thủ tướng đắc cử Thái Lan Paetongtarn
Shinawatra ngày 16/8 cho biết chính phủ của bà sẽ có một đội ngũ mạnh mẽ và
giàu kinh nghiệm để đưa đất nước tới thành công. Bà cũng cam kết cống hiến cho
đất nước Thái Lan và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đang dẫn đầu liên minh cầm
quyền.
3. Hy vọng đạt
được thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn ở Gaza
Trong một tuyên bố chung ngày 16/8, Ai Cập,
Qatar và Mỹ tuyên bố rằng các quan chức cấp cao từ ba nước sẽ gặp lại nhau tại
Cairo trước khi kết thúc tuần sau trong một vòng đàm phán mới, với hy vọng sẽ đạt
được thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn ở Gaza theo các điều khoản đã đề xuất
với Hamas và Israel ngày 16/8 tại Doha.
Người dân rời khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung
đột ở Gaza. (Ảnh: The Straits Times)
Tuyên bố chung nêu rõ trong 48 giờ qua tại
Doha, các quan chức cấp cao từ chính phủ 3 nước đã tham gia vào các cuộc đàm
phán chuyên sâu với tư cách là những nhà trung gian nhằm đảm bảo một thỏa thuận
ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho các con tin và những người bị bắt giữ. Các cuộc
đàm phán này có sự tham gia của phái đoàn Israel diễn ra nghiêm túc, mang tính
xây dựng và trong bầu không khí tích cực. Vòng đàm phán vừa kết thúc vào ngày
16/8 tại Doha diễn ra sau lời kêu gọi của Ai Cập, Qatar và Mỹ đối với Hamas và
Israel nhằm nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn, thu hẹp mọi khoảng cách còn lại
và bắt đầu thực hiện thỏa thuận mà không được trì hoãn thêm.
Các cuộc đàm phán này nằm trong nỗ lực rộng
lớn hơn nhằm giải quyết tình trạng bạo lực leo thang đã khiến hơn 40.000 người
thiệt mạng ở Gaza trong 10 tháng qua. Trong các tuyên bố với truyền thông vào
ngày 13/8, lãnh đạo Hamas Osama Hamdan tuyên bố rằng phong trào này sẽ chỉ tham
gia nếu các cuộc đàm phán tập trung vào việc thực hiện đề xuất do Tổng thống Mỹ
Joe Biden nêu chi tiết vào tháng 5 và được quốc tế ủng hộ.
4. Nga sơ tán
thêm hàng nghìn người tại tỉnh Kursk
Tối 14/8, quyền Thống đốc tỉnh Kursk của
Nga, ông Alexei Smirnov cho biết chính quyền đã quyết định sơ tán người dân tại
huyện Glushkov - khu vực tiếp giáp với Ukraine và có dân số khoảng 20.000 người
- trong bối cảnh lực lượng Ukraine tiếp tục tiến vào khu vực biên giới.
Người dân được sơ tán khỏi thị trấn Rylsk ở vùng
Kursk của Nga. (Ảnh: AFP)
Trên ứng dụng Telegram, ông Smirnov cho
biết cảnh sát và các cơ quan nhà nước khác sẽ phối hợp thực hiện công tác sơ
tán. Trước đó, Thống đốc tỉnh biên giới Belgorod của Nga, ông Vyacheslav
Gladkov cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh, đồng thời xác nhận
tiến hành sơ tán dân thường đến những khu vực an toàn hơn. Ukraine đã triển
khai chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào tỉnh Kursk của Nga từ ngày 6/8.
Ngày 9/8, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia của Nga áp dụng các biện pháp an ninh
tại Kursk, Bryansk và Belgorod để đảm bảo an toàn cho dân thường và ngăn chặn
các cuộc tấn công. Các biện pháp này có thể bao gồm di dời người dân đến các
khu vực an toàn, đình chỉ hoạt động sản xuất liên quan đến vật liệu nguy hiểm.
II. TIN TRONG NƯỚC
1. Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Tô Lâm đến thủ đô Bắc Kinh, tiếp tục các hoạt động thăm cấp Nhà
nước tại Trung Quốc
Chiều ngày 18/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thành phố
Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến thủ đô Bắc Kinh tiếp tục chuyến
thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8, theo lời mời
của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân.
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân
tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.
Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và
Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh, về
phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối
ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Hùng Ba.
Đồng chí Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm
Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ ngoại giao đón Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.
Đặc biệt, lễ đón còn có sự tham gia biểu
diễn múa hát chào mừng của đông đảo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Trung Quốc.
Sân bay quốc tế Bắc Kinh rực rỡ Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Trung Quốc. Hai
hàng tiêu binh dọc thảm đỏ. Đồng chí Vương Nghị và các quan chức Trung Quốc nồng
nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu
cấp cao Việt Nam.
Chiều tối cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm Đại sứ
quán Việt Nam tại Bắc Kinh, gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán, đại diện
cộng đồng và lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới; là hoạt động đối ngoại đặc biệt
quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024, có tác động to lớn đối với
xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
2. Thủ tướng Phạm
Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 9 Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương
Sáng ngày 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Ủy
viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng Trung ương (Hội đồng) chủ trì Phiên họp lần thứ 9, nhiệm kỳ
2021-2026 của Hội đồng đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước từ năm 2021
đến nay; các nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2025, đặc biệt xem xét tổ chức
phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh, khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn
của đất nước trong 2 năm 2024 – 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ
9 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Theo Hội đồng Thi đua – Khen thưởng
Trung ương, từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua
- Khen thưởng Trung ương đã phát động 4 phong trào thi đua phạm vi toàn quốc gồm:
“Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng, chống và chiến thắng đại
dịch Covid-19", “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy
mạnh học tập suốt đời”, “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm
2025”; đồng thời tiếp tục triển khai 3 phong trào thi đua: “Cả nước chung sức
xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025", “Vì người nghèo - Không để
ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, “Cán bộ, công chức, viên chức thi
đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025.
3. Chủ tịch Quốc
hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper
Chiều ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch
Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định,
Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược; hoan nghênh
Hoa Kỳ tiếp tục cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Kể từ khi quan hệ song phương được nâng
cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 9/2023), các cơ quan hữu quan của
hai nước đã tích cực phối hợp triển khai khuôn khổ quan hệ mới. Thời gian qua,
hai nước đã tăng cường trao đổi đoàn các cấp và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 111 tỷ USD; thương mại song
phương 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 66,1 tỷ USD. Nghị sĩ Quốc hội hai nước thường
xuyên trao đổi đoàn, hợp tác trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ
tại Việt Nam Marc Evans Knapper. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới,
hai bên tăng cường triển khai hiệu quả Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động Việt
Nam - Hoa Kỳ hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào
năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đại sứ Marc
Evans Knapper tiếp tục thúc đẩy cơ quan của Hoa Kỳ xem xét sớm công nhận Quy chế
Kinh tế thị trường của Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước
bị hạn chế xuất khẩu về công nghệ cao; ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế
quan trọng như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN...; tăng ngân sách khắc phục các điểm
nóng dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và tìm kiếm, định danh hài
cốt liệt sĩ Việt Nam.
III. TIN TRONG TỈNH
1. Hội thảo khoa
học: “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tỉnh Lai Châu
giai đoạn hiện nay - Những vấn đề đặt ra trong thời gian tới”
Chiều ngày 13/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng
công tác giáo dục lý luận chính trị tỉnh Lai Châu giai đoạn hiện nay - Những vấn
đề đặt ra trong thời gian tới”. Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch
UBND tỉnh Lê Văn Lương nhấn mạnh: Công tác giáo dục lý luận chính trị là một phần
quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán
bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng. Với
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ,
đảng viên và Nhân dân công tác giáo dục của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng
khích lệ; nhận thức của cấp ủy các cấp về ý nghĩa, vai trò, giá trị bền vững của
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng
được nâng lên rõ rệt; đội ngũ cán bộ, đảng viên có sự phát triển về trình độ lý
luận, năng lực tư duy và vận dụng vào thực tiễn công tác khá tốt; học sinh,
sinh viên được trang bị những kiến thức phổ thông, cơ bản về các giá trị đạo đức,
pháp luật, lối sống, đồng thời hình thành và phát triển nhân sinh quan, thế giới
quan theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng...
2. Ra mắt Câu lạc
bộ "Nông dân phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Lai Châu"
Chiều ngày 13/8, Hội Nông dân tỉnh tổ chức
Hội nghị công bố Quyết định và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) "Nông dân khởi nghiệp
phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Lai Châu.
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyến Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng CLB
Các đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự
khuyến Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lò Văn Cương - Ủy viên
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy dự.
Phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định
và ra mắt CLB “Nông dân khởi nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Lai Châu”,
đồng chí Vũ Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc thành lập
và ra mắt CLB nhằm tạo diễn đàn cho hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hợp
tác xã, chủ doanh nghiệp, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư
nghiệp, chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm,
liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thị các sản phẩm. Đồng
chí mong muốn, thời gian tới CLB “Nông dân khởi nghiệp phát triển sản phẩm chủ
lực tỉnh Lai Châu” đi vào hoạt động sẽ phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ,
giúp nhau sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập; Hội Nông dân tỉnh, các ban
ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, giúp đỡ CLB để có nhiều sản phẩm chủ lực được
đưa ra thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành viên CLB được gặp gỡ,
trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm,
nhất là thị trường ngoài tỉnh.
3. Lai Châu: Tổng
kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; trao danh hiệu
“Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 16
Hội nghị được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ
chức chiều ngày 16/8. Đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tiết mục văn nghệ tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí
Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã biểu dương và ghi nhận kết
quả của ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong năm học 2023 - 2024. Ngành
đã duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, vừa qua Bộ Giáo dục
và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra, thẩm định và công nhận Lai Châu là 1 trong 34 tỉnh
đạt phổ cập Tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất)...
Để năm học 2024 - 2025 đạt được kết quả
toàn diện hơn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, ngành Giáo
dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính
quyền các cấp về công tác giáo dục và đào tạo; chuẩn bị thật tốt các điều kiện
để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới 2024 - 2025; các điều kiện về
cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ, giáo viên để triển khai đối với
lớp 5, lớp 9, lớp 12; nâng cao chất lượng các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá, đặc
biệt là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT; tiếp tục đổi mới
công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phố thông; tiếp tục
quán triệt, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ
Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo, phấn đấu đưa
chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; thực
hiện tốt kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; nâng
cao trách nhiệm thực thi công vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý các
cấp, trách nhiệm của người đứng đầu…