Nội dung thông tin thời sự tuần 3 tháng 4/2023
(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 17/4/2023 – 24/4/2023)
1. Tin thế giới
1.1. Diễn đàn Tài chính cho Phát triển 2023
Từ ngày 17 đến 20/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), “Diễn đàn Tài chính cho Phát triển 2023” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) nhằm thảo luận các biện pháp toàn diện giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay và thúc đẩy các chính sách tài chính dài hạn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Lãnh đạo các cơ quan LHQ và các nước đã thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn tài chính cho phát triển bao gồm việc đánh giá lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa để giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời bảo đảm các mục tiêu dài hạn, thúc đẩy quản lý nợ bền vững và giải quyết các vấn đề cấu trúc nợ quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế về thuế, bảo đảm tài chính cho chuyển đổi công nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò của các ngân hàng đầu tư đa phương và đầu tư tư nhân trong gia tăng các nguồn vốn ưu đãi cho các nước đang phát triển. Đại diện các nước cũng kêu gọi tái cấu trúc các thể chế tài chính quốc tế, bảo đảm an ninh lương thực nhằm đạt được các SDG và nhất trí thông qua Tuyên bố chính trị nhấn mạnh cam kết bảo đảm tài chính cho phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ làm Trưởng đoàn đề nghị cần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết khủng hoảng đa chiều toàn cầu hiện nay để bảo đảm nguồn tài chính cho thực hiện các SDG. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính giữa các quốc gia và đề nghị các nước G7, G20 đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi phục vụ các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu.
1.2. Thụy Điển tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong hơn 25 năm
Ngày 17/4, Thụy Điển đã triển khai cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong hơn 25 năm, với sự tham gia của 26.000 binh sĩ đến từ 14 nước. Cuộc tập trận được thực hiện trên không, cũng như trên mặt đất và ngoài khơi nước này, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 11/5. Theo đó, lực lượng quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Litva, Ukraine, Đan Mạch, Áo, Đức và Pháp đều góp mặt. Với sự tham gia của hầu hết các thành viên NATO, cuộc tập trận trở thành tâm điểm sự chú ý trong bối cảnh nỗ lực gia nhập liên minh quân sự của Stockholm vấp phải một số khó khăn.
Phần Lan và Thụy Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hồi năm ngoái. Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6-2022. Để chính thức trở thành thành viên của tổ chức này, đơn gia nhập của Helsinki và Stockholm phải được quốc hội của toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn. Trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO ngày 4-4, nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
2. Tin trong nước
2.1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Cuba
Chuyến thăm Cuba từ ngày 18 đến 23/4 của Chủ tịch Quốc hội diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez. Đây là chuyến thăm có thời gian thăm dài nhất và số lượng hoạt động chính thức nhiều nhất từ trước đến nay, bao gồm hơn 40 hoạt động chính thức bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như: Kỷ niệm 62 năm ngày chiến thắng Bãi biển Giron và Tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cuba, 70 năm cuộc tấn công trại lính Moncada; kỷ niệm 60 năm Cuba thành lập Ủy ban đoàn kết với miền Nam Việt Nam (tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam hiện nay); kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Fidel Castro Ruz lần đầu thăm Việt Nam và tới Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong suốt hơn 60 năm qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hai dân tộc Việt Nam - Cuba đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều thách thức, thăng trầm, song quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba tiếp tục được thúc đẩy và tăng cường trên tất cả các kênh một cách thiết thực và thực chất hơn. Chuyến thăm tái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, mẫu mực thủy chung Việt Nam - Cuba. Đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước và hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
2.2. Công bố đường dây nóng phản ánh tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới
Để kịp thời xử lý các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu phát hiện các hành vi tiêu cực gọi tới số điện thoại đường dây nóng 024.37684702 hoặc 0985961766.
Bên cạnh đó, nhằm giảm ùn tắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo tới các thành viên của hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải và người sử dụng xe nâng cao ý thức trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa xe để duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông. Đặc biệt, chủ phương tiện cần chủ động kiểm tra, khắc phục các lỗi khiếm khuyết, hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đưa xe đi kiểm định; chủ động và linh hoạt trong việc đăng ký đặt lịch hẹn trước qua ứng dụng phần mềm đặt lịch hẹn kiểm định phương tiện của Cục và các hình thức đăng ký trực tiếp nhằm hạn chế ùn tắc và tiết kiệm thời gian khi đến kiểm định; chỉ nên đưa xe sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm để tránh tình trạng nhiều chủ phương tiện lo lắng đưa xe đi kiểm định sớm, trong khi hạn kiểm định vẫn còn nhiều ngày; không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
2.3. Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023
Tối 21/4, tại TP Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Hương trình gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; tinh hoa di sản; khát vọng Lạc Hồng. Tổng đạo diễn Lễ khai mạc Lê Thế Song chia sẻ: "Thông qua Lễ khai mạc, chúng tôi muốn mọi người dân đều thấy tự hào về miền di sản Phú Thọ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật Hát Xoan. Điểm đặc biệt của màn biểu diễn này là có sự tham gia của 100 nghệ nhân dân gian lớn tuổi và 90 học sinh tiểu học từ 4 phường Hát Xoan nổi tiếng của Phú Thọ. Điều này cũng thể hiện ý thức gìn giữ di sản, trao truyền di sản qua các thế hệ, gìn giữ bản sắc của dân tộc, thể hiện sự trường tồn của dân tộc, đó là niềm tự hào không chỉ của Phú Thọ mà của tất cả mọi người dân Việt Nam”.
Chuỗi sự kiện Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ diễn ra từ ngày 21 đến 28/4 với 5 hoạt động chính, gồm: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị-Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.
3. Tin trong tỉnh
3.1. Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023
Sáng ngày 23/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh với chủ đề "Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Trên 400 đại biểu các lực lượng tham gia Lễ phát động.
Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng và năng lượng để con người tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe con người. Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và đã đạt được một số kết quả tích cực. Số vụ ngộ độc thực phẩm, số người ăn, người mắc, người đi viện do ngộ độc thực phẩm giảm qua các năm.
Công tác thông tin, truyền tuyên về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở thực phẩm đã được duy trì triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả. Việc giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm đã được quan tâm. Do đó, đã góp phần phát hiện, cảnh báo nguy cơ các thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Sau Lễ phát động, đoàn viên thanh niên và các lực lượng đã tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 trên các tuyến đường chính tại địa bàn thành phố Lai Châu.
3.2. Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt một số nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương và cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hội nghị được Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức ngày 21/4 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 143 điểm cầu (tỉnh, các huyện, thành phố và tương đương, điểm cầu các xã, thị trấn trong tỉnh), trên 5.000 đại biểu tham gia. Tại Hội nghị, đại biểu được nghiên cứu, học tập, quán triệt các nội dung: Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Việc tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương và cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là khâu quan trọng, là tiền đề để các nghị quyết, kết luận, quy định được triển khai, trở thành hành động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhất là với cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được viết dựa trên nền tảng những đúc rút từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, từ đó tiếp tục khẳng định quyết tâm nhất quán của Đảng, trong đó vai trò chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết, kiên trì của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đảng bộ Khối đã tổ chức các điểm cầu học tập, quán triệt Hội nghị từ cấp Đảng bộ Khối đến cấp cơ sở (gồm 01 điểm cầu của Đảng ủy Khối và của 17 chi, đảng bộ cơ sở) với 27 điểm cầu, 948 người dự.