NỘI DUNG THÔNG TIN
THỜI SỰ TUẦN 3 THÁNG 12/2023
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 11/12/2023-17/12/2023)
-----
1. Tin quốc tế
1.1. Xung đột
Hamas-Israel: Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn
nhân đạo ngay lập tức ở Gaza
Chiều 12/12 theo
giờ New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 78 đã thông qua một nghị
quyết kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza. Nghị quyết được
thông qua tại Phiên họp khẩn cấp thứ 10 của ĐHĐ LHQ về khủng hoảng Gaza.
Nghị quyết kêu gọi
các bên ngừng bắn vì nhân đạo ở Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin
ngay lập tức. Các điều khoản bổ sung của Áo và Mỹ vào bản nghị quyết, trong đó
lên án trực tiếp phong trào Hamas, đã không nhận được số phiếu ủng hộ cần thiết.
1.2. Thượng viện Mỹ
duyệt ngân sách quân sự gần 900 tỷ USD
Với 87/100 phiếu ủng
hộ, ngày 13-12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc
phòng (NDAA), dự luật chi tiêu quốc phòng hằng năm, với số tiền kỷ lục lên đến
886 tỷ USD cho năm sau, tăng 3% so với năm nay. Đây là một trong những đạo luật
quan trọng mà Quốc hội Mỹ cần thông qua mỗi năm.
Dự luật năm nay
dài gần 3.100 trang, quyết định về ngân sách liên quan tới mọi lĩnh vực của quốc
phòng của Mỹ, từ tăng lương cho quân nhân (tăng 5,2%) đến mua sắm tàu, đạn dược
và máy bay cũng như các chính sách như các biện pháp hỗ trợ Ukraine.
Trước khi bỏ phiếu,
lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer cho rằng NDAA sẽ bảo
đảm những chính sách quốc phòng của Mỹ và bảo đảm rằng quân đội Mỹ luôn là lực
lượng hiện đại nhất thế giới.
Dự kiến, Hạ viện Mỹ
sẽ xem xét và thông qua dự luật trên vào cuối tuần này, sau đó gửi đến Nhà Trắng
để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
1.3. EU đạt thỏa
thuận lịch sử về quản lý AI
Nghị viện châu Âu
(EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận chính
trị liên quan tới những quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý
trí tuệ nhân tạo (AI).
Tờ The Guardian
ngày 9/12 đưa tin, thỏa thuận đạt được sau 37 giờ đàm phán. AFP cho biết, thỏa
thuận chính trị về đạo luật AI của EU gồm cách tiếp cận hai cấp, trong đó yêu cầu
minh bạch đối với các mô hình AI nói chung và yêu cầu khắt khe hơn đối với các
mô hình AI “mạnh hơn”. Theo thỏa thuận, việc nhận diện khuôn mặt theo thời gian
thực bị cấm với “một số lượng hạn chế các trường hợp ngoại lệ”. EU sẽ tiến hành
giám sát việc thực thi đạo luật AI thông qua Văn phòng AI EU, một cơ quan mới
trực thuộc Ủy ban châu Âu (EC). Văn phòng AI EU sẽ có quyền phạt tới 7% doanh
thu của một doanh nghiệp vi phạm. Theo AFP, mặc dù đạo luật AI vẫn cần được EP
và các nước thành viên EU phê chuẩn chính thức, song việc đạt được thỏa thuận
chính trị nói trên đồng nghĩa rào cản lớn cuối cùng đã được gỡ bỏ. Trong một
thông cáo báo chí, EP khẳng định đạo luật AI nhằm bảo đảm rằng các quyền cơ bản,
dân chủ, pháp quyền được bảo vệ trước những công cụ AI “gây rủi ro cao”, đồng
thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa châu Âu trở thành nơi dẫn đầu về lĩnh vực
này.
Reuters nhấn mạnh,
với thỏa thuận chính trị nói trên, EU tiến gần tới việc trở thành “cường quốc
thế giới đầu tiên” thực thi các quy định toàn diện nhằm quản lý AI. Tờ The
Guardian dẫn lời ông Thierry Breton, quan chức phụ trách thị trường nội địa của
EU gọi đây là thỏa thuận lịch sử. Quan chức này cho rằng với việc đạt được thỏa
thuận, EU trở thành lục địa đầu tiên lập ra những quy định rõ ràng về việc sử dụng
AI. “Châu Âu đã định vị mình là người tiên phong, hiểu được tầm quan trọng của
vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu”, ông Thierry Breton phát biểu với
báo giới…
2. Tin trong nước
2.1.Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình
Chiều 12/12, tại
Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì lễ đón trọng thể Tổng Bí
thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Tham dự lễ đón có
các đồng chí là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều đồng chí Ủy viên
Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố
Hà Nội, Văn phòng Tổng Bí thư. Đông đảo các cháu thiếu nhi và quần chúng nhân
dân Thủ đô đã nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận
Bình và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc.
Trong chuyến thăm,
Việt Nam dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân
cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc những nghi thức lễ tân cao nhất, thể hiện
sự coi trọng đối với việc phát triển, nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp
Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Chuyến thăm diễn
ra đúng vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm triển khai khuôn khổ
Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023).
Trên nền tảng mối
quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và tinh thần “vừa là đồng
chí, vừa là anh em”, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong những năm gần đây tiếp tục
cho thấy sự gắn kết đặc biệt trên mọi lĩnh vực hợp tác, từ chính trị, ngoại
giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư đến du lịch, giao lưu
nhân dân, giao lưu giữa các địa phương hai nước...
Chiều 13/12,
chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã cất
cánh từ sân bay Nội Bài lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà
nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ
tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là dấu mốc quan trọng trong lịch
sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng vào phát huy tình hữu nghị
truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
trong thời kỳ mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế
giới.
2.2. Trân trọng,
tôn vinh những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 12/12, tại Phủ
Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt gần 70 người có uy tín tiêu biểu,
xuất sắc đại diện cho gần 500 người có uy tín được lựa chọn từ khắp các tỉnh,
thành phố trong cả nước về dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên
tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm
2023.
Hoan nghênh các điển
hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch nước
Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
là đường lối chiến lược của Đảng ta. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều
chính sách chăm lo đồng bào các dân tộc; trong đó, có các chương trình mục tiêu
quốc gia để nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Chủ tịch nước nhắc
lại những đóng góp to lớn của đồng bào DTTS đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang
của Đảng và toàn dân ta, cả trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, tự do, thống
nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch nước biểu
dương, đánh giá cao người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn nỗ lực không ngừng,
gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động
nhân dân tìm hiểu và tuân thủ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội;
nỗ lực vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng, góp phần quan trọng duy trì,
bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Chủ tịch nước đề
nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách,
chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS,
huy động sự tham gia cũng như phát huy vai trò giám sát của người dân, khuyến
khích sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, cá nhân đồng bào DTTS.
Chủ tịch nước mong
muốn các già làng, trưởng bản tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng
bào DTTS giữ gìn, bảo tồn, lưu truyền, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc
đáo, góp phần tạo sức hấp dẫn chung của sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Cùng với
đó, phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân chăm lo, quan tâm tạo
điều kiện cho con em đến trường; nâng cao trình độ và là động lực để phát triển
quê hương, đất nước; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước để tuân thủ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự,
an toàn xã hội, phòng, chống và loại trừ các thói hư, tật xấu cũng như các luận
điệu, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đánh giá cao Ủy
ban Dân tộc tổ chức các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy
tín trong đồng bào DTTS toàn quốc, Chủ tịch nước mong muốn Ủy ban tiếp tục có
các biện pháp tuyên truyền, lan tỏa để mỗi năm lại có thêm nhiều người có uy
tín trong xã hội.
2.3. Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao
kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản
Trưa 15/12 (giờ Việt
Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp
cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Haneda ở thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến công
tác dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành
các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 đến 18-12, theo lời mời của
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đón Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay có Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro; Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại
giao Nhật Bản Takehiro Shimada; Liên lạc viên của Thủ tướng Nhật Bản Hiroto; Đại
sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại
diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Dự kiến trong chuyến
công tác, cùng với việc tham dự các hoạt động, hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ
ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thượng
đỉnh cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng không (AZEC) do Thủ tướng Nhật Bản chủ
trì. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các cuộc gặp song phương với
lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế dự hội nghị.
Bên cạnh đó, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với
lãnh đạo cấp cao Nhật Bản; thăm địa phương của Nhật Bản; làm việc, tọa đàm với
các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản; xúc tiến hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản...
Chuyến công tác của
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc
lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; khẳng định vai trò, trách nhiệm
và đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng và quan hệ
ASEAN - Nhật Bản ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, chuyến
công tác cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh,
ứng phó với biến đổi khí hậu; cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của Việt
Nam; truyền đi thông điệp về một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn
sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng
môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.
Đặc biệt, chuyến
công tác cũng cụ thể hóa, triển khai giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Đối
tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới
giữa Việt Nam và Nhật Bản; tạo động lực mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa hợp
tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đưa
quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đem lại nhiều lợi ích
thiết thực cho hai đất nước, nhân dân hai nước.
2.4. Ủy ban Thường
vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28
Sáng 13/12, tại
Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28. Phát biểu
khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có thể Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên không thường kỳ để chuẩn bị Kỳ họp bất thường của
Quốc hội, nếu có.
Cụ thể, Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 28 là phiên họp thường kỳ tháng
12, cũng là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong
năm 2023. Tuy nhiên, có một số nội dung Quốc hội quyết định chưa thông qua tại
Kỳ họp thứ 6, mà lùi lại để chuẩn bị thêm, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc
sống, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng cho các dự án rất quan trọng
này. Đó là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Do vậy, tính đến
khả năng sẽ triệu tập Kỳ họp bất thường của Quốc hội để thông qua các nội dung
còn tồn đọng từ Kỳ họp thứ 6 và một số dự án rất quan trọng khác (như chính
sách thí điểm cơ chế đặc thù triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hay một
số dự án rất quan trọng khác có thể Chính phủ sẽ trình bổ sung), Ủy ban Thường
vụ Quốc hội cũng có thể sẽ họp thêm một số phiên họp không thường kỳ để chuẩn bị
cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội, nếu có.
Phiên họp thứ 28
được tiến hành trong 3 ngày, gồm ngày 13, 14/12 và ngày 18/12, để cho ý kiến
vào 19 nội dung quan trọng, với 5 nhóm vấn đề chính…
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm
việc để bảo đảm chất lượng cao nhất. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan
hữu quan sớm hoàn thiện các phần công việc để trình ký chứng thực một số dự án
luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trình Chủ tịch nước ký lệnh
công bố theo quy định của pháp luật.
3. Tin trong tỉnh
3.1.Tổng kết và
trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Lịch sử 115 năm thành lập tỉnh; 75 năm
thành lập Đảng bộ tỉnh; 20 năm chia tách, thành lập tỉnh
Sáng 11/12, tại
Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ tổng kết
và trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Lịch sử 115 năm thành lập tỉnh
(28/6/1909-28/6/2024); 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024);
20 năm chia tách, thành lập tỉnh (01/01/2004-01/01/2024). Dự Lễ trao giải có
các đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy; Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự Lễ trao giải có các đồng chí Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực, ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy,
đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh;
đại diện các tập thể và các cá nhận đạt giải…
Cuộc thi trực tuyến
tìm hiểu Lịch sử 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2023); 75 năm thành lập
Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024); 20 năm chia tách, thành lập tỉnh
(01/01/2004-01/01/2024) trên Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu và ứng dụng
di động Công dân số Lai Châu diễn ra trong 4 tuần, từ 9h00' ngày 06/11 đến
22h00' ngày 03/12/2023. Mỗi tuần thi có 15 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu dự đoán
số người trả lời đúng 15 câu hỏi.
Sau 4 tuần thi, đã
có 132.252 người đăng ký thi với 366.469 lượt thi, trung bình mỗi tuần thi có
khoảng 91.617 lượt thi, trong đó số người trả lời đúng cả 15 câu hỏi mỗi tuần
là 21.290 người; một số địa phương, đơn vị có số lượt người tham gia cao như: Đảng
bộ huyện Tam Đường (87.307 lượt người); Đảng bộ huyện Than Uyên (50.942 lượt
người); Đảng bộ huyện Tân Uyên (28.943 lượt người); … đặc biệt Cuộc thi đã thu
hút 868 cá nhân ngoài tỉnh tham gia thi với 73.749 lượt thi; cá nhân có số lượt
thi nhiều nhất là 1.215 lượt thi; người có số tuổi nhỏ nhất tham gia thi là 8
tuổi; người cao tuổi nhất là 76 tuổi…
Phát biểu chỉ đạo
tại Lễ trao giải, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Lịch sử 115 năm thành lập tỉnh; 75 năm thành lập Đảng
bộ tỉnh; 20 năm chia tách, thành lập tỉnh là cuộc thi trực tuyến đầu tiên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức phát động và triển
khai, là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 115 năm thành lập
tỉnh; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh; 20 năm chia tách, thành lập tỉnh; Cuộc thi
thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống rộng khắp, thu
hút đông đảo sự tham gia của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và
các tầng lớp nhân dân.
Kết thúc Cuộc thi,
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho 48 cá nhân đạt giải trong 4 tuần thi,
trong đó có 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 24 giải Khuyết khích và trao 1
giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyết khích cho các tập thể. Trong
đó Đagnr ủy Khối các cơ quan và daonh nghiệp tỉnh tập thể đạt giải nhì, cá nhân
đạt 01giải nhì và 01 giải khuyến khích.
3.2. Hội thảo khoa
học “Lời dặn của Bác mãi soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai
Châu”
Ngày 12/12, Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học
cấp tỉnh với chủ đề “Lời dặn của Bác mãi soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân các
dân tộc Lai Châu”.
Các đồng chí:
Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trường
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS, TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí
Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Đức Dục,
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Tăng
- Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đại
diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, các đồng chí Ủy viên Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị
- xã hội tỉnh và tương đương; đại diện thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng
ủy trực thuộc; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí
Minh và các lãnh tụ của Đảng; Trưởng Ban Tuyên giáo - Giám đốc Trung tâm chính
trị các huyện, thành phố ...
Tại Hội thảo, đồng
chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông qua Báo cáo đề dẫn Hội thảo, trong
đó nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa của thư Bác Hồ gửi chia vui, động viên đồng bào
và cán bộ Lai Châu nhân dịp sự kiện trọng đại - thị trấn Lai Châu được giải
phóng (ngày 12/12/1953). Khái quát kết quả chặng đường 70 năm thực hiện lời dặn
của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn nêu cao ý
chí tự lực, tự cường, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách và có những đóng
góp quan trọng trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 20 năm chia tách,
thành lập tỉnh, từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, đến nay, Lai Châu đã ra khỏi
tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về
mọi mặt với các địa phương trong cả nước. Hội thảo khoa học nhằm phân tích sâu
sắc thêm về nội dung, ý nghĩa lịch sử quan trọng của sự kiện; góp phần nâng cao
nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân
trong tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị
khóa XIII gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
3.3. Hội nghị quán
triệt, triển khai các văn bản của Trung ương và Tỉnh uỷ
Sáng 13/12, Tỉnh uỷ
Lai Châu tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, quy định,
chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Tỉnh ủy. Hội
nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng chí Vũ Mạnh
Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và chủ
trì Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy; dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị tỉnh; báo cáo viên Trung ương tại tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh công
tác trên địa bàn thành phố...
Tại điểm cầu các
huyện, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp
hành Đảng bộ; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; lãnh đạo các phòng,
ban, văn phòng cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trung
tâm chính trị cấp huyện; lãnh đạo các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn; bí
thư các chi, đảng bộ cơ sở; báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn... và
136 điểm cầu cấp cơ sở với 4.832 đại biểu tham dự.
Trong thời gian ½
ngày, các đại biểu được quán triệt, triển khai 6 văn bản mới của Trung ương, của
tỉnh với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có 4 văn bản của Bộ Chính trị: Nghị
quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ
doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về
kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra,
giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định
số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết luận số
62-KL/TW ngày 02/10/2023 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và
quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
công lập; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng
cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới;
Kết luận số 584-KL/TU, ngày 13/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 11/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường
lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và
tài sản khác gắn liền với đất”.
Nhiệm vụ phải thực
hiện để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống là rất nặng nề, để các chủ trương,
nghị quyết của Đảng được triển khai thực hiện khẩn trương, đạt kết quả, là cơ sở
quan trọng để phát huy vai trò lãnh đạo và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh
toàn diện, các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt kỹ
đến cán bộ, đảng viên của đơn vị; kịp thời cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
trong thực tiễn triển khai thực hiện./.