NỘI DUNG THÔNG TIN
THỜI SỰ TUẦN 3 THÁNG 11/2023
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 13/11/2023 – 19/11/2023)
-----
1.
Tin Quốc tế
1.1. Cuộc gặp thượng đỉnh
Mỹ - Trung Quốc
Ngày 15/11, Tổng
thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh
bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)
2023, đang diễn ra tại San Francisco (Mỹ), để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan
trọng trong quan hệ song phương và quốc tế cùng quan tâm.
Phát biểu mở đầu
cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nước này và Trung Quốc cần đảm bảo cạnh
tranh giữa hai bên sẽ không biến thành xung đột. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần
quản lý mối quan hệ song phương một cách có trách nhiệm.
Về phần mình, Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi quan hệ Trung - Mỹ và mối quan hệ song phương
quan trọng nhất trên thế giới đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo hai bên mang trên
mình trách nhiệm nặng nề đối với người dân hai nước, thế giới cũng như lịch sử.
Bên cạnh đó, hai
nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và phối hợp chặt chẽ
hơn trong vấn đề khí hậu. Ngay sau phát biểu mở đầu, hai nhà lãnh đạo đã tiếp tục
họp kín để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng khác, trong đó có những vấn
đề gai góc trong quan hệ song phương, vấn đề Triều Tiên cũng như tình hình xung
đột Trung Đông và Ukraine.
Đây là cuộc gặp
thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong 1 năm trở lại đây sau
cuộc gặp thượng đỉnh hồi cuối năm ngoái tại Bali, Indonesia.
1.2. Hợp tác Mỹ -
Nhật - Hàn đạt "tầm cao chưa từng có tiền lệ"
Trong cuộc gặp với
những người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nhấn mạnh hợp
tác giữa 3 nước đã đạt "tầm cao chưa từng có tiền lệ".
Yonhap ngày 15/11
đưa tin, Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc gặp 3 bên nhân
dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
(APEC) tại San Francisco (Mỹ). Cuộc gặp 3 bên lần này diễn ra chưa đầy hai
tháng sau cuộc gặp ngắn giữa ngoại trưởng 3 nước bên lề kỳ họp Đại hội đồng
Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) hồi tháng 9 năm nay.
Ngoại trưởng Park
Jin đánh giá các thỏa thuận mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ
Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh
tại Trại David, bang Maryland (Mỹ) hồi tháng 8/2023 đang "từng bước mang lại
kết quả". "Trật tự dựa trên luật lệ đang phải đối mặt với nhiều thách
thức trong kỷ nguyên đa khủng hoảng hiện nay. Tăng cường hợp tác giữa các quốc
gia cùng chung chí hướng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", Ngoại
trưởng Park Jin tuyên bố…
Lãnh đạo 3 nước
kêu gọi tổ chức các cuộc họp 3 bên thường niên giữa các nhà lãnh đạo, ngoại trưởng,
bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia; công bố kế hoạch tiến hành các
cuộc tập trận phòng thủ 3 bên, triển khai chia sẻ dữ liệu thời gian thực về cảnh
báo tên lửa Triều Tiên, thành lập một nhóm làm việc để chống lại các mối đe dọa
trên mạng; cam kết hợp tác về phục hồi chuỗi cung ứng và ngăn chặn xuất khẩu bất
hợp pháp hoặc đánh cắp các công nghệ tiên tiến; bày tỏ mối quan ngại chung về
"những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ"...
1.3. Israel nhận
thất bại trong việc giảm thương vong cho dân thường
Trả lời phỏng vấn
đài CBS News ngày 17/11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thừa nhận Israel đã
“không thành công” trong việc giảm thương vong cho dân thường ở dải Gaza.
Người đứng đầu
Chính phủ Israel đề cập tới vấn đề trên trong cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả
cuộc đột kích Bệnh viện Al Shifa, cơ sở y tế lớn nhất ở dải Gaza vào ngày 15/11
và khả năng đạt thỏa thuận trao đổi con tin với Hamas. Ông Netanyahu khẳng định
có “dấu hiệu mạnh mẽ” cho thấy Phong trào Hồi giáo Hamas đang giam giữ con tin
tại bệnh viện này. Đó là một trong những lý do thôi thúc Lực lượng phòng vệ
Israel (IDF) tiến hành cuộc đột kích vào Bệnh viện rạng sáng 15/11. Cơ sở y tế
này cũng là nơi Israel cho rằng có đường hầm đặt trụ sở của lực lượng Hamas và
đã mở cuộc vây ráp, nhưng Hamas bác bỏ cáo buộc.
Theo Thủ tướng
Israel, nước này đang làm tất cả những gì có thể để đưa dân thường ra khỏi những
khu vực nguy hiểm do giao tranh với lực lượng Hamas ở dải Gaza, trong đó có thả
truyền đơn, gọi điện cảnh báo họ rời đi, nhưng những nỗ lực nhằm giảm thương
vong đã không thành công. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với số
thương vong dân thường ít nhất. Đó là điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện.
Nhưng không may, chúng tôi đã không thành công”, ông Netanyahu thừa nhận. Ngày
16-11, lực lượng không quân Israel đã thả truyền đơn ở phía Nam Gaza yêu cầu
người dân sơ tán đến nơi an toàn. Nước này cũng thả truyền đơn ở phía Bắc Gaza
để cảnh báo dân thường rời đi.
Theo số liệu của
cơ quan y tế dải Gaza, được Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá là uy tín, kể từ khi
cuộc xung đột nổ ra vào ngày 7/10, tính đến sáng 17/11, ít nhất 11.500 người
dân tại dải Gaza được xác nhận đã tử vong do các cuộc không kích của Israel,
trong đó có hơn 4.700 trẻ em. Hai phần ba dân số Gaza trong số 2,3 triệu người
tại đây đã không còn nhà cửa do chiến tranh. ...
2. Tin trong nước
2.1. Chủ tịch nước
Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Tuần lễ cấp cao APEC
Nhận lời mời của Tổng
thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 14/11, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt
Nam rời sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Tuần lễ cấp
cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt
động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17/11.
Tháp tùng Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng và phu nhân có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng
Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của
Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Bí thư
Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí
thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn
Mãi; Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; Chủ tịch Liên đoàn
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.
2.2. Thủ tướng Phạm
Minh Chính gặp mặt thân mật các nhà giáo tiêu biểu
Chiều 17/11, nhân
kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã
gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội; một số bộ, ngành Trung ương, Hội Khuyến học Việt
Nam... cùng dự buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là năm thứ 3 liên
tiếp Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cho
thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đến các nhà giáo.
Tại buổi gặp mặt,
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam
(20/11) - ngày “Tết” của các thầy cô; đồng thời nhấn mạnh đây chính là một
trong những truyền thống đáng quý của người Việt Nam: là tôn vinh, đề cao những
người cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Theo Thủ tướng,
truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị
nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo
đức, văn hóa và con người Việt Nam.
Trong suốt chiều
dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục đã tồn tại, phát triển cùng đất nước,
luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp
cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước
ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương,
chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng
về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy và học; về đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn
nhân lực; về hội nhập quốc tế…
2.3. Chuyển giao ấn
vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam
Thông tin từ Cục
Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 18/11 cho biết: Chiều
16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái
đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê
Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam), Bộ Ngoại giao Pháp, UNESCO đã chứng
kiến lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.
Đây là kết quả sau
hơn 1 năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về
việc dừng đấu giá công khai ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng
11/2022; thỏa thuận chuyển giao cho nước ta theo đề nghị của Đoàn công tác liên
ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ: Ngoại giao, Tư
pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại
Pháp.
Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc
Ninh là đại diện thực hiện thủ tục tài chính liên quan theo pháp luật của Pháp;
đồng thời sẽ lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo
vệ, phát huy giá trị của di sản theo quy định của Luật Di sản văn hóa…
3. Tin trong tỉnh
3. 1. Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu
Sáng 19/11, Thủ tướng
Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình
hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội
Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay.
Tại buổi làm việc,
tỉnh Lai Châu đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ,
ngành Trung ương một số nội dung: Về hoàn thiện thể chế, quy định chung liên
quan đến sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật (Xây dựng, Đất
đai, Quy hoạch, Đầu tư công, Lâm nghiệp) và các văn bản quy định chi tiết về việc
trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án đầu tư công, danh mục thu hồi đất,
chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; cấp phép hoạt động
khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi đập, hồ chưa nước thủy
điện quan trọng đặc biệt; thí điểm cho thuê mô trường rừng để nuôi trồng, phát
triển dược liệu…
Phát biểu kết luận,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại buổi làm
việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền
và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ một số tồn
tại, hạn chế, thách thức của tỉnh, như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, những nút thắt
về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực, thu ngân sách khó khăn, an ninh trật tự,
nhất là tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...Thủ tướng nhấn mạnh,
Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh
và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế
phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện,
khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu. Lai Châu thuận lợi
phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân
Nam (Trung Quốc).
Thời gian tới, Thủ
tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết
11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045; chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, bám sát tình
hình thực tiễn của tỉnh để điều chỉnh phù hợp. Tăng cường phân cấp, phân quyền
gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra,
giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng
yêu cầu tỉnh tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công
nghiệp chế biến, chế tạo, và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế
số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh
tranh của tỉnh. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công
nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến
nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, chế biến khoáng sản
theo hướng xanh, bền vững. Ngành dịch vụ phải có đột phá, trong đó tiếp tục tập
trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm
du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp
của thiên nhiên, con người Lai Châu. Thủ tướng cũng yêu cầu huy động tối đa mọi
nguồn lực tổng thể, đa dạng cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng
vốn đầu tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục
tiêu quốc gia. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp,
nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa… trong đó, phát triển hạ tầng giao
thông là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài của tỉnh.
Bên cạnh đó, Thủ
tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác của trung ương còn có nhiều hoạt động khác:
Dâng hoa Tượng đài
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu
Đến thăm, làm việc tại Đồn Biên phòng Huổi
Luông, huyện Phong Thổ
Dâng hương tưởng
niệm các anh hùng liệt sỹ tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ.
Dự Ngày hội Đại
đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư xã Sà Dề Phìn, Sìn Hồ, Lai Châu
Đi thăm Trường Phổ
thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ
Tới thăm gia đình
chính sách tại thành phố Lai Châu.
3.2. Lãnh đạo Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Nhân Kỷ niệm 41
năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), sáng 17/11, các đồng chí
lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Sở Giáo dục
và Đào tạo; Trường Chính trị tỉnh và Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu, cùng
đi có lãnh đạo và chuyên viên các phòng chuyên môn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Thăm, chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng
chí Lê Đức Dục - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
ân cần thăm hỏi, động viên và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng
chí lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên Sở; đồng thời gửi lời chúc mừng
đến toàn thể cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên hiện đang công tác trong ngành
giáo dục và đào tạo của tỉnh. Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục
và đào tạo đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy mong muốn thời gian tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ ngành giáo dục và đào
tạo tỉnh sẽ không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo tiếp tục
phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ
năm 2023 - 2024 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tại Trường Chính
trị tỉnh, đồng chí Lê Chí Công - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thay mặt
lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa, thăm hỏi và chúc mừng Nhà trường nhân
dịp Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúc mừng những kết quả mà Trường
Chính trị tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn thời gian tới,
Nhà Trường tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức cho tỉnh; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu
khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; phối hợp với
các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh
Lai Châu đạt chuẩn mức 1 giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2035”.
Thăm, chúc mừng Ban Giám hiệu và các thầy, cô
giáo Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu, đồng chí Lê Chí Công - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi lời chúc
tới các thầy, cô giáo, cán bộ, giảng viên của Nhà trường. Trong không khí phấn
khởi Khai giảng năm học mới 2023 - 2024, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy chúc Nhà trường sẽ triển khai hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ năm học mới; tiếp
tục nghiên cứu thị trường lao động, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong hướng
nghiệp đến đào tạo; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, chuyển đổi số, đưa hội nhập, hợp
tác doanh nghiệp trở thành nội dung quan trọng trong công tác đào tạo của Nhà
trường...
3.3. Kỳ họp thứ 24
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh
ủy khóa XIV đã họp kỳ thứ 24, đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh- Ủy viên Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Ủy
ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận một số nội dung: Xem xét kết quả kiểm
tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi bộ Thanh tra tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Chi bộ Thanh tra tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã thiếu trách nhiệm trong việc
ban hành quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa; thiếu kiểm tra, giám
sát để phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, cơ
quan, đơn vị để Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra tỉnh và một số đảng viên, công chức
vi phạm Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống tham nhũng; quy tắc ứng xử trong
ngành thanh tra (nhận hối lộ bị khởi tố theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự), bị cấp
có thẩm quyền thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và một số
nội dung khác…
Cũng tại kỳ họp
này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham gia ý kiến xây dựng Chương trình kiểm tra,
giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy năm 2024; Kế
hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Lai Châu giai đoạn
2023-2025; phân công lại Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, chuyên viên Cơ quan UBKT Tỉnh ủy
theo dõi địa bàn.