I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Gia tăng căng thẳng liên quan đến tình hình an ninh trên Biển Đỏ
Kể từ khi Israel mở
chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để trả đũa các vụ tấn công của phong trào Hồi
giáo Hamas vào lãnh thổ Israel, lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường các cuộc
tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ nhằm thể
hiện đoàn kết với người Palestine.
Những cuộc tấn
công của các tay súng Houthi ở ngoài khơi bờ biển Yemen làm gián đoạn nghiêm trọng
hoạt động thương mại hàng hải quốc tế đi qua Biển Đỏ và dấy lên nguy cơ xung đột
ở Dải Gaza lan rộng ra toàn khu vực.
Trong tuần qua, Mỹ
và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhằm vào nhiều mục tiêu Houthi
trên khắp đất nước Yemen. Đây là những phản ứng đầu tiên của quân đội Mỹ nhằm
đáp trả chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào
các tàu thương mại trên Biển Đỏ, kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza.
Các vụ tấn công của
Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã khiến nhiều hãng vận tải lớn
quyết định để các tàu của hãng tạm dừng di chuyển qua Biển Đỏ và thay đổi lộ
trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Houthi
tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải
Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục
tiêu tấn công.
Biển Đỏ là một
trong những tuyến đường thương mại lớn nhất trên thế giới. Các chuyên gia phân
tích cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã tăng mạnh kể từ khi lực
lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở vùng biển này vào cuối
tháng 11/2023 và sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có
thể đẩy lạm phát lên cao trên toàn cầu.
Ngày 10/1, Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án, đồng thời yêu cầu lực lượng
Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại
ở Biển Đỏ.
2.
Khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở Gaza
Dải Gaza tiếp tục
hứng chịu các cuộc ném bom dữ dội, dẫn đến thương vong đáng kể và phá hủy các
cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Tình hình đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng
nguồn lực y tế. Các bệnh viện chỉ đáp ứng được 1/5 trong số 5.000 giường cần
thiết để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu ở Gaza.
Bên cạnh đó, hơn
3/4 trong tổng số 77 trung tâm y tế ban đầu không còn hoạt động, khiến nhiều
nơi không có các dịch vụ y tế cơ bản.
Cuộc khủng hoảng ở
Gaza cũng đang tác động đến những người mắc bệnh mãn tính và sức khỏe tâm thần.
Theo số liệu thống kê từ người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, hiện có
khoảng 350.000 người mắc bệnh mãn tính và khoảng 485.000 người bị rối loạn sức
khỏe tâm thần đang bị gián đoạn điều trị ở Gaza.
Cuộc xung đột tiếp
diễn 3 tháng qua giữa Israel và phong trào Hamas đã khiến khoảng 1,9 triệu người
Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh
truyền nhiễm do điều kiện sống kém, tình trạng quá tải ở các nơi tạm trú và bị
hạn chế khả năng tiếp cận với nước, các cơ sở vệ sinh.
Tổng Giám đốc Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ nỗi “kinh hoàng”
trước các báo cáo từ Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine về một cuộc tấn công
của Israel nhằm vào một trong những xe cứu thương của họ đã giết chết 4 nhân
viên y tế và 2 bệnh nhân. Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực
cũng như các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và dân thường ở Gaza.
3.
Mỗi tháng thế giới vẫn ghi nhận 10.000 ca tử vong do COVID-19
Rủi ro sức khỏe cộng
đồng do COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu do virus cùng các biến thể gây bệnh
vẫn lưu hành ở tất cả các quốc gia. Trên đây là cảnh báo của bà Maria van
Kerkhove, Giám đốc tạm quyền của WHO phụ trách công tác chuẩn bị và phòng ngừa
dịch bệnh và đại dịch.
Phát biểu ngày
12/1 trong một cuộc họp báo đặc biệt ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia cấp cao của
WHO này cho biết theo ước tính dựa trên phân tích nước thải, số ca mắc COVID-19
thực tế hiện nay cao hơn từ 2 đến 19 lần so với số trường hợp được báo cáo. Bà
cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hậu COVID (còn gọi là "long-
COVID") ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người. Mặc dù số ca tử
vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện
mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong do căn bệnh này tại 50 quốc gia trên
thế giới. Bà bày tỏ lo ngại về sự tiến hóa của virus, với biến thể JN.1 của
COVID-19 chiếm khoảng 57% số mẫu phân tích của WHO.
Chuyên gia y tế cấp
cao WHO cũng cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm cúm ở Bắc bán cầu,
với tỷ lệ dương tính với cúm ở mức khoảng 20-21% vào tuần thứ 51 của năm 2023.
Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng đồng thời cả cúm và COVID-19 để giảm
thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bà kêu gọi tiêm chủng nhắc lại
nhiều hơn do tỷ lệ này ở mức thấp trên toàn cầu. Tính đến cuối tháng 12/2023,
các số liệu của WHO ghi nhận hơn 7 triệu người đã tử vong COVID-19.
4.
Pháp có tân Thủ tướng trẻ nhất lịch sử
Ngày 9/1, Tổng thống
Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục nước này, ông Gabriel
Attal, làm tân Thủ tướng. Theo đó, ông Attal, 34 tuổi trở thành Thủ tướng trẻ
nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước đến nay. Ông Gabriel Attal vượt qua kỷ lục
trước đây của ông Laurent Fabius, người được Tổng thống Francois Mitterrand bổ
nhiệm làm lãnh đạo chính phủ ở tuổi 37 vào năm 1984.
Việc bổ nhiệm ông Attal diễn ra sau khi Tổng
thống Emmanuel Macron chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Elisabeth Borne, 62
tuổi, cùng nội các của bà sau 20 tháng tại nhiệm.
Văn phòng Tổng thống
Pháp cho biết, bà Elisabeth Borne, đã từ chức trong bối cảnh Tổng thống
Emmanuel Macron đang tìm cách tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông trước
thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và Thế vận hội Paris vào mùa Hè tới.
Ông Attal, sinh
năm 1989, gia nhập đảng Phục Hưng của Tổng thống Macron năm 2016 và nhanh chóng
thăng tiến. Ông là phát ngôn viên Chính phủ Pháp trong giai đoạn đại dịch
COVID-19, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính và được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc
gia và Thanh niên kể từ tháng 7/2023. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã nỗ lực
nâng cao nhận thức về tình trạng bắt nạt ở trường học.
Ông Attal hứa hẹn
mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm Borne.
Nếu bà Borne được đánh giá cao về sự nghiêm khắc và thẳng thắn, ông Attal lại
là nhân vật được yêu thích nhất trong Chính phủ sau thời gian đảm nhiệm Bộ trưởng
Giáo dục, một vị trí có tầm quan trọng chính trị.
Chuyên gia về Hiến
pháp Pháp, ông Benjamin Morel cho rằng, việc bổ nhiệm ông Attal vào chức Thủ tướng
là một chiến lược của Tổng thống Macron nhằm vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu
vào tháng 6 tới đây.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội xem xét 4 nội dung quan trọng
Kỳ họp bất thường
lần thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 15/01 và dự kiến bế mạc vào sáng
18/01 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Theo Chương trình,
Quốc hội nghỉ 01 ngày (17/01/2024) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và
các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị
quyết.
Tại Kỳ họp bất thường
lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, cụ thể
như sau:
Dự thảo Luật Đất
đai (sửa đổi)
Sau khi được tiếp
thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường
lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 05 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả
về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với những nội
dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu,
thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh
lý, hoàn thiện các nội dung.
Dự thảo Luật Các tổ
chức tín dụng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc
thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia; Về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn
ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với
nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư
công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ
nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
2.
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Indonesia đi vào thực chất, sâu rộng hơn
Nhất trí với ý kiến
của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn
Việt Nam và Indonesia sẽ nâng quan hệ lên tầm mức mới vào thời điểm thích hợp.
Chiều 12/1, tại
Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Indonesia
Joko Widodo đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội
chào mừng và hoan nghênh Tổng thống Joko Widodo trở lại thăm Việt Nam lần thứ
hai; đồng thời nhấn mạnh chuyến thăm lần này của Tổng thống Joko Widodo có ý
nghĩa quan trọng khi hai nước vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược
(2013-2023).
Chủ tịch Quốc hội
chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp khi thăm chính thức Indonesia vào tháng 8/2023,
về sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách, chân tình mà Tổng thống và nhân dân
Indonesia dành cho Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam, cũng như cuộc
trao đổi quan trọng với Tổng thống Joko Widodo về một số phương hướng thúc đẩy
quan hệ hai nước trên các kênh, trong đó có Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chúc mừng
và đánh giá cao Indonesia đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh
tế, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực phát huy vai trò dẫn dắt trong ASEAN, các
tổ chức khu vực, quốc tế; đảm nhiệm thành công Chủ tịch G20 năm 2022, Chủ tịch
ASEAN và Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2023; đồng thời cho rằng
trong thành công chung của Indonesia có vai trò quan trọng của Tổng thống và Đảng
Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P). Đánh giá cao kết quả hội đàm thành công giữa
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Joko Widodo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ
tin tưởng Indonesia sẽ tổ chức thành công Tổng tuyển cử tháng 2/2024. Việt Nam
luôn coi trọng và nỗ lực hợp tác với Indonesia nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác
chiến lược Việt Nam - Indonesia đi vào thực chất và sâu rộng hơn, đáp ứng nguyện
vọng, lợi ích của nhân dân hai nước cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp
giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng và
các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp.
3.
Chủ tịch nước tiếp Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chủ tịch nước Võ
Văn Thưởng đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc
tới Việt Nam. Đây là hoạt động trao đổi cấp cao đầu tiên giữa hai Đảng, hai nước
trong năm 2024 nhằm cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng giữa hai đồng chí Tổng
Bí thư của hai Đảng.
Chiều 11/1, tại Phủ
Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí
thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Thư Lỗi và
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt
Nam.
Phát biểu tại buổi
tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chào mừng đồng chí Lý Thư Lỗi dẫn đầu Đoàn đại
biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam và đồng chủ trì Hội thảo Lý luận lần
thứ 18 giữa hai Đảng; trân trọng chuyển lời thăm hỏi tốt đẹp, lời chúc sức khỏe
nhân dịp Năm mới 2024 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước
Trung Quốc.
4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để xảy ra thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh
nào
Chiều 13/1, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải quyết các đề xuất để EVN phát triển
bền vững, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cuộc làm việc được
tổ chức trực tiếp tại đầu cầu trụ sở của EVN ở Hà Nội và trực tuyến tới 778 điểm
cầu tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Trong năm, toàn hệ
thống của EVN đã sản xuất 280,63 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm 2022; điện
thương phẩm đạt 251,25 tỷ kWh, tăng trưởng 3,52%. Đến nay, tổng công suất nguồn
điện toàn hệ thống là 80.555MW, đứng đầu khu vực ASEAN.
Giá trị khối lượng
đầu tư toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 90.997 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch. Tập đoàn
đã khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110-500kV. Trong đó,
đang tích cực triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối.
EVN tiếp tục đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa
các dịch vụ điện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng; cải cách hành
chính, đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng mới.
Cũng trong năm
2023, EVN và các Tổng công ty Điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu
tư cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, tỷ lệ số xã nông
thôn đạt tiêu chí số 4 về điện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới
là 94,5%.
Doanh thu toàn Tập
đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng; nộp ngân sách khoảng 21.000 tỷ đồng; tổng
giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng,
trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng.
Năm 2024, Tập đoàn
tập trung đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế; tăng tốc đầu tư xây dựng, đồng thời
thực hiện đổi mới quản lý triệt để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả
hoạt động.
EVN phấn đấu đảm bảo
cung ứng điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2024 là 262,26 kWh và sẵn sàng
với phương án cao 269,3 tỷ kWh; tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện;
năng suất lao động tăng trên 8%; đầu tư toàn Tập đoàn đạt 101.911 tỷ đồng; đảm
bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV
Chiều 11/01, Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ
18. Các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết
Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh
uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố; Tổng Biên tập Báo Lai Châu, Giám đốc
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; các đồng
chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các ban quản lý dự án;…
Hội nghị tiến hành
thảo luận, thông qua báo cáo của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm
2023, nhiệm vụ năm 2024; báo cáo kết quả kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2023.
Trên cơ sở dự thảo
báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ năm 2024, các đại biểu
đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các
lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác
xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023; chỉ rõ những mặt tồn tại,
hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan; đề xuất, bổ sung một số nhiệm
vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2024.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiến hành bỏ
phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2023.
Phát biểu kết luận
Hội nghị, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2023, trong bối
cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Đảng bộ, Chính quyền
và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm,
quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt kết quả quan trọng, toàn diện
trên các lĩnh vực; đồng thời, khẳng định: Những kết quả đạt được đã góp phần
quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh sau 20 năm chia tách, thành lập, tạo nền
tảng vững chắc và động lực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh năm
2024 và những năm tiếp theo. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí
thư Tỉnh ủy biểu dương tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các
ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí đề nghị
các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng
tâm: Tiếp tục giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo,
chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, xây dựng kế
hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; triển khai thực hiện Kết
luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ
Tỉnh ủy Lai Châu, Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh
tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại;…
Đề nghị các đồng
chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết,
trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, hành động quyết liệt, hiệu quả,
tập trung triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ với quyết tâm thực hiện thắng
lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, phấn đấu về đích sớm nhiều chỉ
tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
2.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và triển khai các nghị
quyết của HĐND tỉnh
Sáng 12/01, UBND tỉnh
tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh
nhằm quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 06/01/2024 của Chính phủ về giải
pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách
nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc
gia năm 2023 và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển
KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Tại hội nghị đã
quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thông qua báo cáo tóm tắt
triển khai kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và kế hoạch vốn đầu tư công
năm 2024.
Năm 2023, đứng trước
khó khăn và thách thức lớn nhưng UBND tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ,
Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt Kế hoạch phát triển KT-XH, bảo
đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình. Nhờ đó, đạt được nhiều kết quả nổi
bật: Cơ bản các chỉ tiêu đạt kế hoạch, một số chỉ tiêu chủ yếu vượt so với kế
hoạch và Nghị quyết HĐND tỉnh giao như: Tổng lượt khách du lịch; tỷ lệ giảm hộ
nghèo; số lao động được giải quyết việc làm, đào tạo nghề trong năm; tỷ lệ trường
đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn được thu gom, xử lý rác thải
sinh hoạt...
Năm 2024, Tỉnh ủy,
HĐND, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhóm chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực KT-XH, cụ
thể như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 9%; GRDP bình
quân đầu người khoảng 51,5 triệu đồng; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp 4,1%;
tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225,5 nghìn tấn; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông
thôn mới đạt 46,8%, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách trên địa
bàn đạt 2.236 tỷ đồng...
Ngoài ra, tổng kế
hoạch vốn năm 2024 là: 3.127.371 triệu đồng, đã phân bổ chi tiết là 2.313.738
triệu đồng; chưa phân bổ chi tiết là 813.633 triệu đồng, bằng 26,02% tổng kế hoạch.
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương: 881.792 triệu đồng; ngân sách Trung ương
trong nước: 1.263.360 triệu đồng; Vốn ODA là 31.863 triệu đồng; Nguồn vốn thực
hiện các Chương trình MTQG: 950.356 triệu đồng.
Để triển khai thực
hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, các cấp, các ngành tập trung quán
triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các
nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Ưu tiên việc chỉ đạo
giải ngân vốn đầu tư trong chỉ đạo điều hành, thực hiện phân công nhiệm vụ rõ
ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm
cụ thể của từng cá nhân đối với từng dự án được giao kế hoạch vốn.
Tham luận tại Hội
nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích đánh giá kết quả đạt được
và điểm nghẽn, các nguyên nhân hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023; dự
báo các thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực
hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh năm 2024.
Kết luận Hội nghị,
đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên cơ sở phân tích kết
quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ năm
2023 và dự báo bối cảnh, tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát
triển KT-XH năm 2024, các đồng chí thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, các cán bộ công chức, viên chức với tinh thần quyết
tâm, quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương, chủ động, sáng tạo, tập trung tổ chức thực
hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó các cấp, các ngành, các địa
phương, đơn vị cần: Chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ;
chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu kế hoạch
phát triển KT-XH năm 2024; tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp đã đề ra; một số khâu, hạn chế vướng mắc kéo dài cần có phương pháp xử
lý triệt để; cần nâng cao chất lượng các công việc, đặc biệt trách nhiệm nêu
gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; các sở, ngành tăng cường
công tác kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch kiểm tra; triển khai thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tăng cường thực hiện
các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh, an toàn, tiết
kiệm....
IV.
TIN ĐẢNG ỦY KHỐI
1.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày
10/01/2024, tại Hội trường A3, Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, Đảng ủy Khối
các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023
và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Dự hội nghị có Vũ
Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại
diện lãnh đạo các Ban, Văn phòng Tỉnh uỷ; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng
bộ Khối; Bí thư (Phó Bí thư) các chi, đảng bộ cơ sở; Trưởng, phó, chuyên viên
các ban, văn phòng, đoàn thể trực thuộc Đảng ủy Khối; các tập thể, cá nhân được
Đảng ủy Khối khen thưởng.
Hội nghị đã đánh
giá năm 2023 Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã bám sát nghị quyết,
chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK của
Đảng ủy Khối và nhiệm vụ chính trị được giao tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo
hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được
chú trọng, công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, nâng cao bằng nhiều
hình thức sáng tạo, phù hợp với đặc thù hoạt động của Đảng bộ Khối, kịp thời
sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy đảm
bảo chất lượng, tiến độ; công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới; công tác kiểm
tra, giám sát được thực hiện toàn diện, kịp thời; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy ở cơ sở được quan tâm; hoạt động của các
đoàn thể được đổi mới; các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng theo
Nghị quyết năm đạt và vượt, trong đó 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, qua đó góp
phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đội
ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những tồn tại,
hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Các đại biểu dự Hội
nghị nhất trí cao với nội dung đánh giá kết quả đạt được và nhiệm vụ triển khai
trong năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo
Hội nghị, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả Đảng ủy Khối đã đạt được
trong năm 2023, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và định hướng nhiệm vụ
trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024.
Tại Hội nghị Đảng ủy
Khối đã biểu dương, khen thưởng 12 tổ chức cơ sở đảng “hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ” năm 2023 và 12 đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 05 năm liền (2019-2023).
Phát biểu kết luận Hội
nghị, đồng chí Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối nghiêm túc tiếp
thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương
Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng thời định hướng, triển khai một số
nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024.