THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 02 THÁNG 03/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 04-10/3/2024)
-----
I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia: “Đối tác cho tương lai”
Hội nghị Cấp cao Đặc
biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia được tổ chức tại Melbourne,
Australia từ ngày 5 - 6/3/2024 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN,
Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh
Chính tham dự các phiên họp chính và có một số hoạt động đối ngoại quan trọng
khác.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia
chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: CPV)
Hội nghị có chủ đề
“Đối tác cho tương lai”, được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN
và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để hai bên rà
soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát
triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
đã thiết lập vào năm 2021.
Hội nghị góp phần
định hướng cho quan hệ hai bên tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, hiện thực
hóa khát vọng của các nhà lãnh đạo trong hành trình phía trước. Là thành viên
tích cực, chủ động trong ASEAN, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng
của Australia ở khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong
thúc đẩy quan hệ ASEAN - Australia.
Australia là một
trong những đối tác đầu tiên lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974; hai bên
nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện
(CSP) năm 2021. Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại khu vực
Đông Nam Á (TAC) năm 2005. Những cam kết mà hai bên đưa ra tại Hội nghị Cấp cao
Đặc biệt ASEAN - Australia lần này cho thấy cả hai bên đều đang quyết tâm cao để
khai thác hiệu quả hơn mối quan hệ này cùng hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực
hòa bình, ổn định, có nền kinh tế thịnh vượng và người dân thành công.
2.
Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV
Sáng 5/3, Kỳ họp
thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại
Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Theo chương trình nghị sự, kỳ họp dự
kiến kéo dài tới ngày 11/3.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội
Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV tại Bắc Kinh, ngày
5/3/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Tham dự sự kiện
quan trọng này có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị lãnh
đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng gần 3.000 đại biểu đại diện cho các dân tộc,
các tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Kỳ họp Quốc hội thường niên là một trong những
sự kiện chính trị trọng đại nhất của Trung Quốc trong năm. Tại kỳ họp này, các
đại biểu được nghe báo cáo công tác Chính phủ công bố một loạt mục tiêu phát
triển kinh tế và xã hội trong năm nay.
Kỳ họp thứ hai Quốc
hội khóa XIV thu hút sự chú ý quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài
Trung Quốc. Qua đây, thế giới sẽ có cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị và
kinh tế - xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian qua, những
định hướng phát triển trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn thế giới
đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Năm 2024 đánh dấu
kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm bản lề để đạt
được các mục tiêu cũng như những nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ
14 (2021 - 2025). Đây cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Ủy ban toàn
quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Trong năm
2024, CPPCC sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc, tích cực
đưa ra các đề xuất, thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi, đồng thời tập trung trí tuệ
và sức mạnh để đất nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội
trong cả năm.
3.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang
Vào lúc 21h25’
ngày 7/3 (tức 9h25’ngày 8/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden trình
bày Thông điệp liên bang trước Quốc hội lưỡng viện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp
liên bang. (Ảnh: TTXVN)
Đây là thông điệp
liên bang cuối cùng của Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng
11 tới, điểm lại những thành quả trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, đồng thời cảnh
báo về những gì ông coi là mối đe dọa đối với sự tồn tại của đất nước. Bài phát
biểu thông điệp liên bang của Tổng thống Biden kéo dài hơn 1h7’.
Trong Thông điệp
liên bang, Tổng thống Biden tập trung vào các thành tựu mà chính quyền của ông
đã đạt được trong 3 năm qua, đặc biệt là về kinh tế cũng như khái quát tầm nhìn
của ông cho tương lai nước Mỹ.
Kết thúc bài phát
biểu, Tổng thống Biden bày tỏ sự lạc quan về khả năng lãnh đạo đất nước của
ông, đề cập đến tuổi tác của ông vốn là chủ đề gây tranh cãi. "Vấn đề mà đất
nước chúng ta đang đối mặt không phải là chúng ta bao nhiêu tuổi mà là những ý
tưởng của chúng ta đã bao nhiêu tuổi?", ông Biden nhấn mạnh.
Trong bối cảnh năm
bầu cử Mỹ 2024, đặc biệt sau chiến thắng vang dội của ông Biden trong Đảng Dân
chủ sau ngày Siêu thứ Ba, bản Thông điệp liên bang năm nay được xem như bài diễn
văn vận động tranh cử quan trọng để ông Biden có thể tiếp tục ở lại Nhà Trắng
thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Thông điệp Liên
bang 2024 của Tổng thống Joe Biden được phát trực tiếp trên tất cả các mạng
truyền thông lớn, cùng với các nền tảng phát trực tuyến và các kênh truyền
thông xã hội như YouTube. Đã có hơn 32 triệu người theo dõi trực tiếp Tổng thống
Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp này.
4.
Thúc đẩy đầu tư và trao quyền kinh tế cho phụ nữ
Trong thông điệp
đưa ra nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay 8/3/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc
Antonio Guterres nhấn mạnh, chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là “Đầu tư
cho phụ nữ” - người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tính cần thiết cấp
bách của những cơ chế tài chính để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái. Chủ đề của
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những hành động cụ
thể để cải thiện tình hình kinh tế của phụ nữ trên toàn thế giới.
Thúc đẩy đầu tư và trao quyền kinh tế
cho phụ nữ. (Ảnh minh họa: WFP)
Với tốc độ đầu tư
hiện nay, hơn 340 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ vẫn sống trong tình trạng nghèo
đói cùng cực vào năm 2030. UN Women cho rằng, sự chênh lệch giới tính, đặc biệt
trong vấn đề thu nhập, đã để lại những tác động kinh tế sâu sắc. Theo cơ quan này,
gần 60% vị trí việc làm của phụ nữ trên toàn cầu là không chính thức, với khoảng
cách về lương vẫn tồn tại ở nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau.
Cơ quan này cho biết,
bạo lực, xung đột và chênh lệch kinh tế là những mối đe dọa đáng kể đối với an
ninh và vai trò tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế. Cũng theo tính toán
của UN Women, tổn thất toàn cầu gây ra bởi các hành vi bạo lực đối với phụ nữ ước
tính lên tới 1,5 nghìn tỷ USD.
UN Women cũng nhấn
mạnh tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội, như hỗ trợ tiền mặt, trong
việc giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ và tăng cường an ninh và trao quyền kinh tế
cho họ. Cơ quan này cũng hối thúc các bên liên quan xóa bỏ những chuẩn mực xã hội
làm suy yếu sự đóng góp kinh tế của nữ giới, đồng thời tăng cường vai trò của
phụ nữ trong việc đưa ra quyết định.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia; thăm chính thức
Australia và New Zealand
Sáng 4/3, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời
Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan
hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand
từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 3 năm 2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia
Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và
Phu nhân tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị Cấp cao Đặc
biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia có chủ đề “Đối tác cho tương lai”, được
tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động
trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và
trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả,
phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm
2021.
Đây là chuyến thăm
chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Australia và
New Zealand trên cương vị mới. Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị,
làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương Việt Nam -
Australia và Việt Nam - New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trên các
lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu
tư, ODA, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, lao động...
2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Chiều 8/3, tại Nhà
Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt
Nam Hùng Ba.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba
Đánh giá cao những
bước tiến triển trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh
đạo chủ chốt của Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận
Bình và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trước thành công rất tốt đẹp và những kết quả đặc
biệt quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), nhất là việc hai bên nhất trí tiếp
tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng
“Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Hai bên vui mừng
nhận thấy thời gian qua, 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước đã được triển
khai và bước đầu đạt những kết quả rất tích cực. Giao lưu tiếp xúc cấp cao và
các cấp, các ngành, địa phương hai nước được triển khai mật thiết.
Đại sứ Hùng Ba
đánh giá cao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022
và chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập
Cận Bình.
Chuyến thăm đã
thành công tốt đẹp và có ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ hai nước Trung Quốc -
Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã xác định định vị mới của quan hệ hai Đảng,
hai nước. Đặc biệt là, hai Tổng Bí thư cùng tuyên bố xây dựng “Cộng đồng chia sẻ
tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”.
Hai bên tiếp tục
duy trì trao đổi bằng nhiều hình thức linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng,
với tình cảm, kinh nghiệm, hiểu biết về Việt Nam và quan hệ hai nước, Đại sứ sẽ
tiếp tục là cầu nối thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, góp
phần thực hiện tốt nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao; cụ thể hóa các thành
quả mới, nội hàm mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam
- Trung Quốc; đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển đi vào chiều
sâu, ổn định, tốt đẹp và bền vững lâu dài.
3.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dự Khóa họp CSW68 tại Hoa Kỳ
Phó Chủ tịch nước
Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 68 của
Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc và tiến
hành một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân
Từ ngày 10 - 14/3,
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự
Khóa họp lần thứ 68 của Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế - xã
hội Liên hợp quốc và tiến hành một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Ủy ban Địa vị Phụ
nữ (CSW) được thành lập năm 1946 trực thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC)
của LHQ và chuyên trách về hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho
phụ nữ.
Từ năm 1996, CSW
chủ trì giám sát và đánh giá kết quả thực hiện văn kiện Tuyên bố và Chương
trình Hành động Bắc Kinh 1995 và lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào các hoạt
động của LHQ. CSW hiện có 45 nước thành viên do ECOSOC bầu ra theo tỉ lệ đại diện
các khu vực và có nhiệm kỳ 4 năm.
Việt Nam đã đạt được
nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới như: xếp hạng thứ 83 về chỉ số tổng
thể; đứng thứ 31 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; có tỷ lệ nữ tham
gia lực lượng lao động đạt 62,5%, cao hơn mức bình quân toàn cầu 56%. Các doanh
nghiệp nói chung, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam được tạo điều
kiện bình đẳng để khai thác công nghệ số và các ứng dụng trực tuyến.
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Hội nghị nói chuyện chuyên đề nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Sáng 08/3, Liên
đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề nhân Ngày Quốc
tế phụ nữ 8/3.
Các đại biểu dự Hội nghị
Dự Hội nghị có các
đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực
Tỉnh ủy; Hoàng Thọ Trung - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Tiến sĩ Lê Doãn Hợp
- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
cùng 700 đại biểu là trưởng ban nữ công, cán bộ phụ trách công tác nữ công và nữ
đoàn viên, công chức viên chức lao động các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công
đoàn viên chức tỉnh.
Tại buổi nói chuyện,
TS. Lê Doãn Hợp khẳng định phụ nữ là một trong ba trụ cột, thước đo văn minh của
loài người và mỗi quốc gia; chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt để xây dựng
gia đình hạnh phúc. Theo ông, đối với vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, mọi sự đổi
mới đều đòi hỏi yêu cầu về nhận thức, nâng cao nhận thức và chuyển đổi nhận thức.
Với quan điểm gia
đình là nền tảng xã hội, trong đó phụ nữ là tổ ấm của gia đình, TS. Lê Doãn Hợp
trình bày 4 nội dung trong chuyên đề: Đặc trưng bao trùm của cách mạng 4.0, góc
nhìn đối với phụ nữ. Vai trò của phụ nữ trong lịch sử và trong thời đại 4.0. Những
bài học về phụ nữ ở quốc gia và trên thế giới. Tổng kết những kiến thức, nghiên
cứu, kinh nghiệm của bản thân về phụ nữ và gia đình. Cùng với đó, trao đổi về
chủ đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.
Buổi nói chuyện
chuyên đề là hoạt động có ý nghĩa nhằm biểu dương, tôn vinh tinh thần
và giá trị cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.
Qua đó động viên, khích lệ và phát huy tinh thần đoàn kết, lạc quan,
sáng tạo cũng như giúp nâng cao nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị
trí của phụ nữ trong đời sống hiện đại, đồng thời phát huy tinh
thần của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn, viên chức, người lao động
toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần vào thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.
2.
Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương và Tỉnh ủy
Chiều 08/3, Tỉnh ủy
Lai Châu tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung
ương, của tỉnh. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
đến 144 điểm cầu trong toàn tỉnh với gần 6.000 đại biểu tham dự.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu
Tỉnh ủy
Dự Hội nghị tại điểm
cầu Tỉnh ủy có đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí
thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại
diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -
xã hội tỉnh; Báo cáo viên Trung ương tại tỉnh, Báo cáo viên cấp tỉnh...
Tại Hội nghị, các
đại biểu đã được nghe các đồng chí lãnh đạo các ban, sở, ngành quán triệt những
nội dung trọng tâm, cốt lõi các văn bản của Trung ương, của tỉnh gồm: Nghị quyết
số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng
hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong
giai đoạn mới; Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục
thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường
công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc; Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về
công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh
phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày
05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tuyên truyền miệng trong
tình hình mới; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030.
Những nội dung được
quán triệt tại Hội nghị là những văn bản quan trọng, đề cập đến nhiều vấn đề
trên các lĩnh vực, trên cơ sở đó các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tổ chức quán
triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc đơn vị, địa phương quản
lý bằng hình thức phù hợp, đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa các văn bản của
Trung ương, của tỉnh bằng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình
hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần đưa các chủ trương, nghị
quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống./.